Vui buồn chuyện nghề của lương y 'nơi không ai muốn đến'

Chẳng mấy bệnh nhân và người nhà thấy được gương mặt của các lương y Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh bởi nó luôn ẩn sau lớp khẩu trang dày cộp.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao điều trị tại Khoa nội II.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao điều trị tại Khoa nội II.

Họ là những người đang ngày ngày âm thầm, kiên trì vượt qua khó khăn, nguy hiểm để chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng.

Duyên nợ với nghề

27 năm gắn bó với công việc điều trị và phòng, chống lao, phổi, bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã có cả kho truyện buồn vui với nghề.

Bác sĩ Lĩnh kể, năm 1993, anh tình nguyện nộp đơn vào Trạm chống Lao của tỉnh (nay là Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh), một phần là để cống hiến, một phần vì mục tiêu chống lao, phổi giúp đỡ những người khó khăn tại quê nhà.

Thời gian đầu, gia đình, bạn bè ngăn cản, vì khi nhắc đến bệnh lao, phổi, nhiều người nghĩ ngay đến nguy cơ lây bệnh cao, có thể dẫn đến tử vong và cả không ít sự kỳ thị, những rào cản tâm lý. Nhưng với mong muốn cống hiến sức mình vào cuộc chiến chống bệnh lao, phổi, bác sĩ Lĩnh vẫn lặng lẽ tiếp tục với công việc, dành trọn tâm huyết của mình để khám, điều trị cho bệnh nhân lao với tâm niệm: “Nếu ai cũng sợ thì chẳng ai cứu chữa cho bệnh nhân lao”.

“Lúc mới về nhận công tác phòng chống lao, tôi cũng không ít tâm tư. Buồn bởi những cái nhìn thiếu cảm thông về nghề từ không ít người. Và buồn nhất, là phần lớn những người bệnh đến đến đây đều cô độc. Nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, tôi càng thấu hiểu nỗi khổ tâm của họ, từ đó thêm yêu và gắn bó với công việc này”, bác sĩ Lĩnh trải lòng.

Khó khăn, gian khổ nhất với bác sĩ, điều dưỡng điều trị lao, phổi không chỉ là nguy cơ lây nhiễm bệnh cao mà còn là áp lực công việc căng thẳng, do đây là bệnh phải quản lý điều trị lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời bệnh nhân. Và để gắn bó cuộc đời với công việc, bác sĩ điều trị lao đã phải vượt qua nhiều gian khó, thách thức.

“Ở Khoa Cấp cứu, nơi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch với rất nhiều nguyên nhân nên phải có bản lĩnh chuyên môn và một tinh thần vững vàng. Bệnh nhân lao đa số là người già, nghèo, có bệnh nhân bị người thân bỏ rơi, có nhiều hoàn cảnh khó khăn đến nỗi không có tiền để điều trị. Bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện đã bỏ tiền túi hỗ trợ để lo cho bệnh nhân. Vì thế ở đây bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ là người khám, chữa bệnh, mà còn là người thân, người bạn với bệnh nhân. Với mỗi bệnh nhân hết bệnh, đó không chỉ là niềm vui của họ, mà còn là động lực để đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi tiếp tục hành trình của mình”, điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh Trần Thanh Tú, chia sẻ.

Vất vả khi thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh nguy hiểm nhưng cũng không ít niềm vui, hạnh phúc. Đó không chỉ là những câu chuyện về nghề của các y, bác sỹ mà còn của cả những người hộ lý gắn bó lâu năm với bệnh viện.

Có thâm niên gần 14 năm làm công việc vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nội I, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, hộ lý Đậu Thị Nguyệt luôn coi những đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang, ủng… là vật bất ly thân.

Chị Nguyệt chia sẻ về công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ của mình: “Khoa Nội I có gần 50 bệnh nhân lao dương tính, lao kháng thuốc, đa kháng thuốc và HIV. Thường xuyên tiếp xúc với chất thải, bệnh phẩm, vệ sinh cho bệnh nhân truyền nhiễm buộc chúng tôi phải luôn ý thức bảo vệ, phòng lây nhiễm cho mình và những người xung quanh”.

Điều dưỡng trưởng Khoa cấp cứu, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh Trần Thanh Tú phổ biến quyền lợi, nội quy đến các bệnh nhân.

Vượt lên những vất vả, hiểm nguy, chị Nguyệt và nhiều đồng nghiệp luôn coi bệnh nhân như người nhà. Chị không giấu được xúc động khi nhớ lại những trường hợp bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm không có người nhà chăm sóc, và các chị điều dưỡng, hộ lý là những người tận tình giúp đỡ họ trong suốt quá trình điều trị.

“Chẳng mấy bệnh nhân và người nhà thấy được gương mặt của chúng tôi bởi nó luôn ẩn sau lớp khẩu trang dày cộp nhưng chỉ cần bệnh nhân xuất viện khỏe mạnh cùng lời cảm ơn chân thành là niềm động viên lớn lao với chúng tôi”, chị Nguyệt trải lòng.

Và những trăn trở...

Hiện nay, phác đồ điều trị lao thường kéo dài 6-8 tháng (với thể lao bình thường) hoặc 18-24 tháng (với trường hợp lao kháng thuốc). Trong thời gian này, ngày nào bệnh nhân cũng phải sử dụng rất nhiều thuốc với nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nếu bỏ dở điều trị thì bệnh sẽ chuyển biến xấu, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao. Do đó, bác sĩ phải quản lý, kiên trì đeo bám bệnh nhân, không để bệnh nhân bỏ điều trị.

Hơn nữa, do đặc thù bệnh lao là bệnh xã hội nên bác sĩ làm công tác phòng chống lao vừa phải lo điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, vừa triển khai các chương trình phòng chống lao ở mạng lưới cơ sở.

“Với đặc thù của nghề và sự kỳ thị về căn bệnh lao, từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện chưa tuyển dụng được thêm bác sĩ nào nên đội ngũ y, bác sĩ vẫn phải kiêm nhiệm nhiều việc. Công việc vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng thu nhập của y, bác sỹ ở đây vẫn chưa tương xứng. Cũng có trường hợp xin chuyển nơi khác, một phần vì áp lực công việc và đồng lương ít ỏi. Chỉ những ai can đảm, yêu nghề và có trái tim đồng cảm với bệnh nhân thì mới bám trụ được ở đây”, bác sĩ Trương Hồng Lĩnh trăn trở.

Trà Giang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/vui-buon-chuyen-nghe-cua-luong-y-noi-khong-ai-muon-den-post33815.html