Vui buồn…'ăn ngủ' cùng công nhân

Nhiều lần đi viết về đời sống người lao động, chúng tôi ăn nhờ, ngủ nhờ nhà anh chị rất nhiều lần. Có câu 'Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ', kỳ thực, có ăn cùng, ngủ cùng mới hiểu những góc khuất sau nhà máy, nỗi tủi hờn của một người vợ đi làm từ 3 giờ sáng, tâm tư của người chồng cả tháng chẳng được gần vợ hay hạnh phúc của một bạn trẻ sáng còn đi gom rác, trưa về chuẩn bị đi đón dâu…

 Bữa trưa của chúng tôi dọn cạnh xe rác. Ảnh: L.Tuyết

Bữa trưa của chúng tôi dọn cạnh xe rác. Ảnh: L.Tuyết

Tôi đi móc bọc

Đó là những ngày đầu tháng 5, tôi đăng ký với tổ phóng sự viết về những người làm rác dân lập (những người gom rác không thuộc các công ty dịch vụ công ích – PV). Người phụ trách tổ phóng sự đồng ý và nhắn: “Nếu chỉ đi theo và tả thì ai cũng làm được, em cố gắng thể hiện sao cho có tình”. Tôi suy nghĩ một chút rồi vớ lấy cái ba-lô, nhét một vài thứ cần thiết rồi gọi điện cho chị Phón, con gái của một chủ đường rác ở thị xã Thuận An (Bình Dương) để đến nhà chị ở lại.

Căn nhà của chị Phón nằm khá xa khu dân cư, cạnh một mương nước, xung quanh là bãi đất rộng tập kết đủ loại phế liệu. Trời tháng 5 nóng hầm hập, bữa cơm tối được dọn ở ngoài sân, cạnh một xe phế liệu chưa phân loại. Nhóm 3 người phân loại rác dừng tay, múc gầu nước giếng xối qua một lượt rồi ngồi vào mâm. Bữa cơm và những giấc ngủ sau đó của tôi luôn lẩn quẩn mùi rác đang phân hủy, mùi hắt lên từ mương nước, không gian càng đặc quánh bởi tiếng muỗi, tiếng ruồi vo ve…

Chưa đến 3G sáng, cả nhà đã trở dậy. Em gái của chị Phón tên Phương, 17 tuổi nhưng có tới 7 năm kinh nghiệm làm rác, lay lay tôi: “Dậy đi chị, ăn sáng rồi đi làm. Vừa hết nghỉ lễ, rác nhiều lắm, trời lại vừa mưa nên rác sẽ rất hôi, để nắng lên là chịu không nổi đâu”. Một nồi cơm đội nắp, chén mắm sống, ít canh thừa còn lại từ bữa cơm tối qua được dọn ra. Mọi người lùa vội vài miếng rồi leo lên xe. Người yêu của Phương lái xe, tôi và mẹ của Phương ngồi trên thùng xe để móc bọc, phân loại rác, ông Hai và thằng Rim đi kéo rác từ hẻm ra đường lớn.

Mỗi túi rác để móc ra là mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Mẹ của Phương dặn: “Coi chừng kim tiêm, miểng chai. Đồ nhựa hoặc thấy cái gì có khả năng bán ve chai được thì bỏ sang mấy cái bao bên hông xe, chiều về nhà cho mấy cô phân loại”. Tôi bắt đầu buồn nôn nhưng gắng gượng, đến trưa mùi rác càng nồng nặc hơn vì nắng nóng, oi bức. Đến 11g thì công việc hoàn thành một nửa, mọi người tấp vào một bóng mát ven đường ăn cơm. Hộp cơm mang theo đóng thành tảng, chén mắm sống, ít cá kho lạt… Tôi lùa vội chén cơm rồi dựa lưng vào một mái hiên chợp mắt. Thấy người, vị chủ nhà nhắc: “Đi chỗ khác giúp, nhà tôi có chó dữ, nghe mùi lạ là cắn”. Tôi “dạ”. Mẹ chị Phón thở dài: “Người ta sợ mình hôi hám bẩn nhà người ta đó”. Tôi ứa nước mắt, nhủ thầm: “Ráng lên, mình chỉ đang đi viết bài…”.

“Nhà chị nào trống, cho em ngủ nhờ…”

“Chào các chị. Em tên Tuyết. Em là phóng viên Báo Lao Động. Em được công đoàn công ty giới thiệu, đi theo xe viết bài. Em sẽ đi từ công ty về dưới quê các chị rồi sáng lên cùng, chỉ là giờ em chưa có chỗ ngủ. Nhà chị nào trống, cho em ngủ nhờ tối nay…” - đó là lần tôi đi theo xe đưa đón của công nhân Cty TNHH PouYuen VN (quận Bình Tân, TPHCM).

Nín thở một lúc, chẳng có ai lên tiếng. Tôi có hơi lo lắng thì một chị bụng bầu vượt mặt giơ tay: “Về nhà chị đi. Nhà chị hơi chật, gần ruộng nữa, chịu được muỗi thì về nhà chị”. Rồi một chị khác lên tiếng: “Vậy về nhà tôi đi”. Rồi ba, bốn cánh tay đưa lên. Tôi chọn về nhà chị có bầu. Chị tên Vân. Chúng tôi về đến nhà chị ở Long An thì gần 21h. Cơm nước đã được chồng chị chuẩn bị sẵn. Đói quá, tôi ăn 3 bát cơm liền. Anh chị nhìn tôi ăn, cười: “Em yên tâm mà ăn, khi chiều chị gọi về nhắn có khách nên anh nấu cơm nhiều lắm”. Chị đãi tôi món cà na ngâm, món mà ngày mai chị mang lên giao cho đồng nghiệp. Chị bảo “mỗi bịch cà na ngâm lời được 3.000 đồng, mỗi ngày bán được chục bịch thì cũng đủ tiền chợ”.

Tối đó, chị gái của chị Vân giăng màn, trải chiếu dưới đất và bảo tôi ngủ cùng. Căn nhà cấp 4 chưa tô trát, đứa con lớn nhớ mẹ, ôm riết lấy chị. Chiếc điện thoại cũ mèm phát những bài hát về đời công nhân, nỗi lòng xa xứ… Tiếng ếch nhái văng vẳng, tiếng chị ru con ầu ơ, thật khó lòng mà ngủ được. Chưa được 3G, chị đã trở dậy, sửa soạn đi làm. Chị đi trước, tôi theo sau, men theo bờ ruộng gồ ghề. Ra trạm chờ xe đã thấy lố nhố người đứng ngồi, tay xách nách mang cơm canh cho bữa sáng. Lên xe, ai cũng tranh thủ chợp mắt.

Sau hôm đó, tôi còn đi theo mấy chuyến xe nữa về nhà các chị ở Bến Tre, Tiền Giang. Mỗi nhà, mỗi cảnh. Có chị bị chồng ghen vì đi từ mờ sáng đến tối mịt, có chị nhà cửa để ngơ ngác vì thiếu bàn tay người mẹ, người vợ… Còn tôi, sau nhiều đêm đi làm từ 3h sáng, ngủ chập chờn thì hai con mắt thâm quầng, đầu óc lúc nào cũng lơ mơ. Hôm chia tay chị Vân, chị cười, động viên: “Chị hồi đầu cũng vậy nhưng riết rồi quen. Mà không quen thì chết đói”.

Hậu quả của sống thử

Để hiểu anh chị em công nhân khu công nghiệp có những hoạt động vui chơi, giải trí như thế nào vào những dịp lễ, Tết… khi mà hầu hết những ngày trong tuần họ phải “cắm mặt” vào dây chuyền sản xuất, khi về nhà trọ thì thiếu các thiết chế phục vụ đời sống tinh thần, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã sang thôn Bầu Đông (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) nơi có nhiều CN KCN Thăng Long thuê trọ.

Đúng vào dịp cận ngày 8.3.2014, chúng tôi mua một két bia Halida sang góp vui với nhóm CN đang thuê trọ tại thôn Bầu.

Trong bữa, Trường Giang - một chàng cử nhân sư phạm, do không xin được “chân” dạy học ở quê (Bắc Giang), đành xuống Hà Nội làm CN KCN cho biết, với mức lương CN, hàng tháng tiền nhà và tiền ăn đã mất hơn nửa. Gần như không còn tiền để dành dụm và sắm sửa đồ đạc. Do không có tiền để mua tivi, máy tính, nên đời sống tinh thần của họ rất nghèo nàn. Vào những buổi tối cuối tuần rảnh rỗi, những CN ở cùng xóm trọ thường tụ tập lại một phòng có tivi để xem, hoặc ra quán trà đá "buôn" chuyện…

Trong bữa cơm, câu chuyện của CN đều xoay quanh chủ đề quen thuộc: Công việc vất vả, thu nhập thấp, “đói” yêu, sống thử…

Theo Giang, mặc dù các cơ quan, đoàn thể, chủ nhà trọ đã có những hành động thiết thực để giúp CN nâng cao hiểu biết, nhưng nhiều CN còn coi thường các biện pháp phòng tránh thai, sống buông thả. Chủ nhà cấm “sinh hoạt” trong phòng trọ thì họ dẫn nhau ra nhà nghỉ… do đó tình trạng nữ CN nạo hút thai vẫn diễn ra.

Với những thông tin CN cung cấp, sau dịp đó, chúng tôi đã tìm gặp bà Lê Thị Mùa (thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) - người đã không ít hơn 4 lần nhặt được trẻ sơ sinh bị bỏ rơi… sau đó có loạt bài trên Báo Lao Động.

Gần đây, khi liên lạc với bà Mùa, được biết: “Chắc là ông trời cũng đã bù đắp sự thiệt thòi cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, nên cả 2 đứa tôi nhặt được đều dễ nuôi, ngoan ngoãn, thông minh và nhanh nhẹn”. Bà Mùa nói thêm, hiện nay tình trạng bỏ con hầu như không diễn ra, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nạo hút thai trong nữ CNLĐ và một trong những nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống của NLĐ còn thiếu thốn vật chất, tinh thần, thiếu hiểu biết, thiếu va chạm, thiếu tình cảm và cả sự quản lý của gia đình. Khi có người yêu, họ mù quáng sống bất cần, không cần biết tới hậu quả, mà khi có hậu quả thì bao giờ phái nữ cũng lĩnh phần thua thiệt…

Lê Tuyết - Hà Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/vui-buonan-ngu-cung-cong-nhan-739968.ldo