Vực dậy niềm tin của khu vực tư nhân

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các doanh nhân và đại diện doanh nghiệp tư nhân rằng. Họ nên 'đặt gánh lo xuống' trong quá trình phát triển kinh doanh, gọi họ là 'một trong số chúng ta' tại một phiên họp của Hội nghị Hiệp thương hôm đầu tuần. Ông cho biết, nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tư nhân sẽ được chia thành các kế hoạch chi tiết hơn và được phân bổ cho các cơ quan Chính phủ cụ thể để thực hiện sau kỳ họp lưỡng Hội. Tuyên bố này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc vực lại niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau 3 năm dịch bệnh và chính sách Zero Covid.

Bước ngoặt chính sách

Phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) hôm 6.3, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước, với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Chúng tôi luôn coi các công ty tư nhân và doanh nhân là một trong số chúng tôi”.

“Chúng ta nên giúp giải quyết các vấn đề cho các doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân, để họ có thể tự do tập trung phát triển kinh doanh mà không phải chịu bất kỳ gánh nặng nào. Phải tăng cường công tác chỉ đạo về tư tưởng, chính trị, hướng dẫn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân để… giúp họ xóa bỏ nỗi lo, trút bỏ gánh nặng, mạnh dạn phát triển”.

Ông Tập Cận Bình khẳng định, chính quyền cũng sẽ giúp các công ty nền tảng nhận ra đầy đủ khả năng tạo việc làm của họ, thúc đẩy tiêu dùng và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế hơn. Các công ty công nghệ sẽ được hỗ trợ để đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực giúp Trung Quốc hoàn toàn tự chủ về các công nghệ quan trọng hiện phải nhập khẩu.

Ông Lý Cường, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng vào cuối tuần này, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nền kinh tế tư nhân tại cuộc họp riêng vào hôm 6.3. Tại đó, ông đã chủ trì thảo luận về việc xây dựng môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường và dựa trên luật pháp, theo phản ánh của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trong một báo cáo thường niên gửi tới phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) hôm 5.3, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết, họ sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực tư nhân. Theo NDRC: “Những kỳ vọng của thị trường vẫn chưa chắc chắn". Nhà nước sẽ bảo vệ quyền tài sản của các doanh nghiệp tư nhân và lợi ích của các doanh nhân theo quy định của pháp luật. “Nhà nước sẽ khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân, đồng thời hỗ trợ sự hội nhập của các doanh nghiệp tư nhân vào các chiến lược quốc gia lớn”. Báo cáo cho biết thêm, đề cập đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn, phục hồi nông thôn, đô thị hóa và nền kinh tế xanh.

Những động thái này đánh dấu một bước ngoặt rõ rệt với chủ trương trước đây của Chính phủ nhằm hạn chế việc mở rộng vốn một cách không trật tự, và nó có thể báo trước một lập trường ủng hộ hơn trong suốt nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình.

Chủ trương mới được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách dựa nhiều hơn vào khu vực tư nhân để ổn định nền kinh tế quốc gia và thị trường việc làm; cũng như giới lãnh đạo đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong cuộc cạnh tranh công nghệ cũng như đối phó với các biện pháp ngăn chặn công nghệ của Washington.

Khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty bất động sản và công nghệ, đã gặp khốn đốn trong những năm gần đây bởi một loạt các quy định nghiêm ngặt cũng như do các quy biện pháp hạn chế bởi chính sách Zero Covid gây ra.

Trong báo cáo của mình, NDRC thừa nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt. “Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong sản xuất, hoạt động, người dân dè dặt trong chi tiêu. Đồng thời, việc thiếu niềm tin vào các doanh nghiệp đang phát triển và nhu cầu thị trường yếu có thể dẫn đến một chu kỳ suy yếu”, báo cáo cho biết.

Để cải thiện điều kiện, các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn sẽ được giảm thêm thuế, cắt giảm phí và các chính sách hỗ trợ khác, Báo cáo của NDRC khẳng định.

Các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, chiếm hơn một nửa nguồn thu thuế của cả nước; 60% tổng sản phẩm quốc nội, đầu tư tài sản cố định và đầu tư trực tiếp nước ngoài; và hơn 80% việc làm ở thành thị.

Năm nay, khu vực tư nhân cũng có nhiệm vụ khó khăn là ổn định việc làm. Bắc Kinh đặt mục tiêu tạo ra khoảng 12 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm 2023 - nhiều hơn mục tiêu 11 triệu của năm ngoái.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát ở mức khoảng 5,5% vào năm 2023, không thay đổi so với năm ngoái, nhưng con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học trong năm nay sẽ tạo thêm áp lực tạo việc làm, nhiều việc làm trong số đó hy vọng sẽ đến từ khu vực tư nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp của CPPCC và các doanh nghiệp tư nhân hôm 6.3. Nguồn: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp của CPPCC và các doanh nghiệp tư nhân hôm 6.3. Nguồn: Tân Hoa Xã

Cụ thể hóa chính sách bằng hành động

Các nhà phân tích cho biết, sự thiếu tự tin trong khu vực tư nhân vẫn là một trong những thách thức lớn khi Trung Quốc đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế bền vững. “Một vấn đề quan trọng cần theo dõi trong vài tháng tới là các nhà lãnh đạo mới sẽ vực dậy niềm tin của khu vực tư nhân như thế nào. Theo quan điểm của tôi, điều này quan trọng hơn các chính sách tài khóa và tiền tệ”, Trần Trí Vĩ, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết.

Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cần có hành động đáng kể trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và đối xử bình đẳng, nếu muốn khôi phục lòng tin của thị trường, đồng thời cần có thêm trợ giúp tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân vừa mới chịu đựng gần 3 năm cắt giảm chi phí do chính sách Zero covid.

“Trong những tháng tới, Chính phủ cần hành động nhiều hơn là đưa ra khẩu hiệu. Một cử chỉ ý nghĩa có thể là việc tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu và các doanh nhân tư nhân”, ông Trần Trí Vĩ gợi ý.

“Hiện tại, nhiều doanh nhân vẫn còn hoài nghi”, ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, nhận định. Ông lưu ý rằng quá trình xây dựng lại niềm tin sẽ mất nhiều thời gian hơn rất nhiều so với quá trình làm suy yếu nó.

Ông Kuijs nhấn mạnh: “Chính quyền Trung Quốc cần hiểu rằng hành động sẽ mạnh hơn lời nói, các doanh nghiệp muốn thấy nhìn thấy những bước đi cụ thể hoặc những bằng chứng cụ thể trước khi lấy lại niềm tin”. “Bắc Kinh nên cố gắng duy trì một giai đoạn hoạch định chính sách tương đối dễ đoán, đồng thời tập trung vào nỗ lực tạo ra một sân chơi bình đẳng”, ông Kuijis cho biết thêm.

Ông Bành Bành, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền tỉnh, cho biết các vấn đề mà các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phải đối mặt, cũng như sự thiếu tự tin, là kết quả của việc chi tiêu chậm chạp. “Tầng lớp trung lưu là động lực chính của tiêu dùng. Để kích thích nhu cầu trong nước, cần phải giúp các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thoát khỏi tình trạng khó khăn và cải thiện niềm tin của họ”, ông Bành nói.

Trên thực tế, ông Tập Cận Bình cho biết, nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tư nhân sẽ được chia thành các kế hoạch chi tiết và sẽ được giao cho các cơ quan chính phủ cụ thể để thực hiện sau khi kết thúc kỳ họp lưỡng Hội thường niên.

Tại hai phiên họp của Quốc hội và Hội nghị Chính trị Hiệp thương, các nhà lập pháp và các cố vấn chính trị cũng đưa ra nhiều đề xuất khác nhau, bao gồm hỗ trợ tài chính, bảo vệ quyền sở hữu và thậm chí là trấn áp “những tuyên bố phỉ báng và bêu xấu các doanh nghiệp tư nhân”.

Bà Zhou Tongyu, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch của công ty bán dẫn Weida Hi-Tech nói rằng, chính quyền Trung ương nên soạn thảo luật thúc đẩy kinh tế tư nhân và thành lập một cơ quan giám sát các vấn đề của khu vực tư nhân.

Các nhà lập pháp đến từ tỉnh Chiết Giang, nơi từ lâu đã được ca ngợi là đầu tàu quốc gia về phát triển kinh tế tư nhân, kêu gọi bảo vệ lợi ích tư nhân trong mọi khía cạnh của quá trình thực thi pháp luật; đồng thời cho phép các công ty tư nhân tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động mua sắm của Chính phủ.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/vuc-day-niem-tin-cua-khu-vuc-tu-nhan-i318308/