Vực dậy ngành hóa dược: Doanh nghiệp giữ vai trò chủ chốt

Hiện tại, ngành hóa dược Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân chính do nguồn lực đầu tư thấp, nhân lực chất lượng không cao…

Ngành hóa dược Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu

Sản phẩm hóa dược khiêm tốn

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - ngành hóa dược Việt Nam gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư, nhân lực chưa được chú trọng đúng mức. Việc triển khai thực hiện Chương trình hóa dược trong 7 năm qua (giai đoạn 2008-2015) với kinh phí gần 200 tỷ đồng đã hình thành 67 đề tài và 20 dự án, tập trung vào nghiên cứu, sản xuất thuốc kháng sinh, tá dược, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, vẫn chưa có phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn; tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu còn thấp. Thậm chí, một số thủ tục, quy định chưa thông thoáng, gây khó cho việc triển khai nghiên cứu và trong tìm đối tác chuyển giao công nghệ…

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cho tổng hợp hóa học còn nghèo nàn do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu nước ta chưa phát triển, nguyên liệu đều phụ thuộc nhập khẩu (trên 90% sản phẩm hóa dược nhập khẩu). Do vậy, thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc gốc (generic) giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Vì vậy, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã phân loại và xếp hạng ngành công nghiệp dược của Việt Nam chỉ ở mức 3, nghĩa là “Công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Thực tế trên dẫn đến việc không ít doanh nghiệp chấp nhận sản xuất mặt hàng thông thường, chi phí thấp, hiệu quả không cao hơn là sản xuất nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ và thiết bị tiên tiến. Được biết, cả nước mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn Amoxicillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm.

Đưa nghiên cứu vào thực tiễn

Để vực dậy ngành công nghiệp hóa dược, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình hóa dược phải rà soát lại các quy trình, thủ tục để từ đó có giải pháp đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia nghiên cứu, phát triển hóa dược.

Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco - chia sẻ: Phát triển dược liệu ở Việt Nam cần sự chung tay, góp sức của cả “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất). Trong đó, doanh nghiệp là thành tố liên kết 4 nhà, tổ chức hoạt động và khả năng ứng đối linh hoạt, nhạy bén nhất với thị trường, sẵn sàng hiện thực hóa các nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Nguyễn Quý Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam - khẳng định: Chương trình hóa dược cần tập trung đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm có trang bị dây chuyền nghiên cứu và sản xuất công nghiệp (chiết xuất, phản ứng …), trang thiết bị hiện đại để rút ngắn quá trình nghiên cứu nhằm theo kịp trình độ thế giới. Đây cũng là điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu những giai đoạn tiếp thay vì dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm như hiện nay.

Đồng tình với những giải pháp trên, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: Tập trung phát triển công nghiệp hóa dược không phải một sớm một chiều. Do vậy, thời gian tới, Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển hóa dược cần tiếp tục được thực hiện đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng:

Ban chỉ đạo Chương trình hóa dược sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phòng thí nghiệm quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật về phát triển ngành hóa dược. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng nghị định về hỗ trợ phát triển ngành hóa dược.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vuc-day-nganh-hoa-duoc-doanh-nghiep-giu-vai-tro-chu-chot-66646.html