Vực dậy du lịch tàu biển

Để phát huy thế mạnh du lịch tàu biển, Việt Nam cần có các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển

Du lịch tàu biển ở Việt Nam chiếm tỉ trọng nhỏ 2%-3% trong cơ cấu tổng khách quốc tế đến Việt Nam; tốc độ tăng trưởng chưa cao; cơ sở hạ tầng, dịch vụ yếu, chưa tương xứng tiềm năng… Thực trạng này được các nhà quản lý du lịch, chuyên gia chỉ rõ tại hội nghị về phát triển du lịch tàu biển vừa tổ chức tại Quảng Ninh.

Sản phẩm nghèo nàn

Trong vòng 5 năm, từ 2013-2018, du lịch tàu biển khu vực châu Á đã có những bước phát triển mạnh mẽ; lượng khách du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng mạnh, trung bình 23%. Thế nhưng, đối với du lịch tàu biển của Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá còn rất nhỏ bé và chậm phát triển. Lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường biển chỉ chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn, khoảng 2%-3% so với tổng khách quốc tế.

TP Nha Trang ngày càng đón nhiều khách du lịch tàu biển của các nước Ảnh: KỲ NAM

TP Nha Trang ngày càng đón nhiều khách du lịch tàu biển của các nước Ảnh: KỲ NAM

Còn theo thống kê của Hiệp hội Du lịch thuyền quốc tế, năm 2012 mới chỉ có 158 người Việt Nam đi du lịch tàu biển, năm 2016 tăng đột biến nhưng cũng chỉ có 4.100 khách.

Lý giải về tốc độ tăng trưởng thấp của khách tàu biển Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng nguyên nhân là vì kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển còn hạn chế, chưa có cảng hành khách dành riêng cho khách tàu biển, tại nhiều nơi phải dùng chung với cảng hàng hóa. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ tại các cảng biển chưa cao, sản phẩm du lịch biển còn thiếu đa dạng. Môi trường xung quanh cảng biển không đáp ứng yêu cầu, một số cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch tàu biển còn nhiều bất cập….

Ông James Ngui, Giám đốc Vận hành cảng khu vực Đông Nam Á của hãng tàu Royal Caribbean Cruises, cho rằng các cảng thương mại mang tới nhiều sự bất tiện cho du khách vì thiếu dịch vụ chuyên chở, taxi. Vì thế, để khai thác tiềm năng này, Việt Nam cần phải có cảng tàu khách quốc tế chuyên dụng.

Một đại diện của Saigontourist cũng có chung quan điểm này khi nhận xét hầu hết các cảng biển của nước ta là cảng hàng hóa, chỉ là điểm cho tàu cập bến chứ chưa có cảng hành khách phục vụ cho việc đón khách tàu biển, nhiều tàu có tải trọng lớn không cập được vào bờ. Trong khi đó, trang thiết bị tại cầu cảng vẫn chưa được đầu tư đúng mức; dịch vụ tại cảng chưa đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn khách tàu biển…

Xây dựng các hành trình quốc tế

Để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng… như Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), đề nghị các địa phương có cảng cần phải quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi đối với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Theo ông Bằng, thông qua kêu gọi nhà đầu tư, các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể gia tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần.

Ông James Ngui cũng cho rằng các địa phương ở Việt Nam muốn phát triển loại hình du lịch tàu biển cần tổ chức định kỳ các hoạt động quảng bá du lịch trên các du thuyền. Riêng TP HCM là điểm đến vô cùng quan trọng, vì thế nhất thiết phải có một cảng tàu chuyên biệt phục vụ du lịch, có khả năng đón các du thuyền lớn.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), để thu hút khách du lịch đến Việt Nam bằng đường tàu biển, một hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới đã được đầu tư xây dựng. Các cảng biển cũng đã được quy hoạch và đầu tư từng phần phát triển thành cảng biển chuyên dụng đón tàu có trọng tải từ 50.000 đến 100.000 GT, như cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)… Ông Phương nói thêm, một số tập đoàn kinh tế lớn Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư phát triển cảng biển phục vụ khách du lịch như Sungroup, Vingroup…. Tháng 12-2018, cảng quốc tế Hạ Long - cảng quốc tế chuyên dụng đầu tiên có quy mô hiện đại đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động và tạo điều kiện cho thuận lợi thu hút khách du lịch tàu biển tại khu vực phía Bắc.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vuc-day-du-lich-tau-bien-20181208222405351.htm