Vừa về tay Elon Musk, Twitter rơi vào hỗn loạn

Ngay sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, ông Elon Musk lập tức sa thải một loạt giám đốc cấp cao. Ông cũng nhanh chóng bắt tay thực hiện kế hoạch cắt giảm gần 50% trong số 7.500 nhân viên công ty...

Twitter rơi vào sóng gió sau khi về tay Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Twitter rơi vào sóng gió sau khi về tay Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Theo tỷ phú giàu nhất thế giới, mục tiêu của ông là biến Twitter trở thành một mạng xã hội thành có lợi nhuận và là một nền tảng tự do ngôn luận. Khi quyết định sa thải gần một nửa nhân viên Twitter, ông cho biết công ty này đang lỗ 4 triệu USD mỗi ngày.

Tuy nhiên, với những quyết định nhanh chóng và có phần vội vàng của mình, ông đã đẩy Twitter rơi vào cảnh hỗn loạn, khiến nhiều nhà quảng cáo quay lưng.

Theo Bloomberg, vì phải vay nợ nhiều để thực hiện thương vụ mua lại Twitter, ông Musk đang cố gắng tìm kiếm các nguồn thu mới cho mạng xã hội này. Ngoài kế hoạch tính phí 8 USD/tháng cho các tài khoản đã xác minh - một tính năng hiện được miễn phí cho một số người dùng nổi tiếng, ông đang ráo riết phát triển các công cụ khác để tạo ra nguồn thu.

Điều này làm dấy lên lo ngại có thể khiến lượng người dùng của Twitter sụt giảm mạnh, trong bối cảnh lượng người dùng hoạt động tích cực trên nền tảng này đang có xu hướng giảm.

Theo một báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên Reuters mới đây, lượng người dùng tích cực trên Twitter - những người đăng nhập 6-7 ngày/tuần và đăng tải bài viết (tweet) khoảng 3-4 lần/tuần - đã “giảm đáng kể”. Nhóm này chỉ chiếm chưa tới 10% số lượng người dùng hoạt động hàng tháng nhưng đăng tải tới 90% trong tổng số tweet và mang lại gần một nửa doanh thu toàn cầu của Twitter.

Ngoài vấn đề về người dùng, với động thái sa thải nhân viên hàng loạt của ông Musk, nhiều người lo ngại rằng việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng Twitter sẽ bị ảnh hưởng. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với các nhà quảng cáo trên Twitter bởi họ muốn đảm bảo rằng thương hiệu của mình không bị đặt cạnh những phát ngôn thù địch, đe dọa bạo lực hay thuyết âm mưu. Một số thương hiệu lớn như General Motors, Audi của Volkswagen AG, Pfizer và General Mills mới đây cho biết sẽ tạm dừng chi tiêu quảng cáo trên Twitter để xem xét tình hình của mạng xã hội này dưới sự quản lý của ông Musk.

Trong khi đó, các nhà hoạt động đang tìm cách gây áp lực với các nhà quảng cáo của Twitter, xem đây như một cách để đảm bảo việc kiểm duyệt nội dung không bị ảnh hưởng.

Ông Musk mới đây chia sẻ rằng ông cảm thấy áp lực và phàn nàn rằng việc nhiều thương hiệu ngừng quảng cáo khiến doanh thu của Twitter giảm đáng kể dù không có sự thay đổi nào trong công tác kiểm duyệt nội dung.

Ông Musk sa thải một loạt giám đốc cấp cao và gần 50% nhân sự Twitter sau khi tiếp quản công ty này - Ảnh: AP

Thách thức lớn nhất của Musk tại Twitter giờ đây là chi phí lãi vay. Công ty này dự kiến phải trả gần 1,2 tỷ USD tiền lãi mỗi năm và có thể sẽ còn cao hơn do lãi suất tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên. Điều này giải thích cho việc ông đưa ra các quyết định chóng vánh để tạo ra thay đổi tại Twitter. Tuy nhiên, một số ý tưởng nhằm tạo ra doanh thu của ông có thể khiến những người dùng nổi tiếng nhất trên Twitter rời bỏ nền tảng.

Theo các nhà phân tích, người dùng đã xác minh với “tick xanh” là nhóm chủ chốt để thu hút những người dùng khác đến với nền tảng này. Do đó, nếu Twitter thu phí 8 USD cho tick xanh, uy tín của công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Tác giả nổi tiếng Stephen King, hiện có 6,9 triệu người theo dõi trên Twitter, là một trong nhiều người dùng đã phàn nàn về kế hoạch tính phí “tick xanh” mới của Twitter và cho biết ông sẽ không trả phí.

“Họ nên trả tiền cho tôi mới đúng”, ông King chia sẻ trong một dòng tweet.

Trong khi đó, nhiều người dùng khác cho rằng một hệ thống xác minh miễn phí và công bằng giúp những người nổi tiếng không bị đánh cắp danh tính trên nền tảng. Rõ ràng, ông Musk đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan với kế hoạch gây tranh cãi này.

Tất cả những hỗn loạn trên tại Twitter diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội này vẫn đang phải đối mặt với bối cảnh kinh doanh ảm đạm. Thị trường quảng cáo trực tuyến tăng trưởng ì ạch cũng đang gây khó khăn cho các công ty mạng xã hội lớn như Meta, Snap và nhiều đối thủ khác của Twitter. Meta, chủ sở hữu của Facebook và Instagram, gần đây dự báo quý cuối năm nay tiếp tục chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Cổ phiếu Meta đã giảm hơn 70% từ đầu năm đến nay, trở thành mã tệ nhất trong chỉ số S&P 500.

Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng đang cắt giảm chi tiêu quảng cáo trong bối nền kinh tế suy yếu, lạm phát cao và chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm. Những yếu tố này đang tác động lớn tới ngành công nghệ Mỹ, khiến nhiều công ty phải ngừng tuyển dụng và sa thải nhân viên. Điều này càng khiến công việc của ông Musk tại Twitter thêm phần khó khăn.

Đức Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vua-ve-tay-elon-musk-twitter-roi-vao-hon-loan.htm