Vừa trừng phạt đã bị Trung Quốc đáp trả gấp đôi, EU đe dọa 'hậu quả đáng tiếc'

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli gọi các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ châu Âu và các tổ chức trong Liên minh châu Âu (EU) là không thể chấp nhận được, đồng thời nhấn mạnh rằng những hành động như vậy của Trung Quốc sẽ gây hậu quả đáng tiếc.

EU nhất trí trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

EU nhất trí trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

“Biện pháp trừng phạt của Trung Quốc chống lại các nghị sĩ châu Âu, tiểu ban về nhân quyền và các tổ chức ở EU là không thể chấp nhận được và sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc”, ông Sassoli viết trên Twitter ngày 22/3.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng lên án đòn đáp trả của Trung Quốc.

"Thay vì thay đổi chính sách và giải quyết những quan ngại hợp pháp của chúng tôi, Trung Quốc một lần nữa làm ngơ và những biện pháp này thật đáng tiếc và không thể chấp nhận được. EU sẽ không thay đổi", ông Borrell nói.

Trước đó, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ngày 22/3 công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Cụ thể, EU cho biết sẽ áp dụng lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương, và một công ty xây dựng tại Tân Cương.

Động thái này đánh dầu lần đầu tiên kể từ năm 1989 EU ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền.

Ngay sau đó, để đáp trả EU, Trung Quốc ngày 22/3 đã áp cấm vận lên 10 cá nhân và 4 tổ chức tại liên minh này với cáo buộc họ "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như truyền bá những thông tin dối trá và ngụy tạo” liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Trong số này có một số nghị sĩ châu Âu nổi bật như Raphael Glucksmann của Pháp và Reinhard Butikofer, Chủ tịch phái đoàn quan hệ với Trung Quốc tại Nghị viện châu Âu.

Về phía các tổ chức bị Trung Quốc trừng phạt có Tiểu ban nhân quyền trong Nghị viện châu Âu, Ủy ban chính trị và an ninh trực thuộc Hội đồng châu Âu, Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc đặt tại Berlin và “Liên minh dân chủ”, một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch.

Với lệnh này, 10 cá nhân EU bị nhắm tới cùng gia đình họ sẽ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Theo Trung Quốc, EU “không dựa trên cơ sở nào khác ngoài những lời nói dối, bóp méo thông tin, phớt lờ và xuyên tạc sự thật”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái của EU là “hành vi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm pháp lý quốc tế và những chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế”.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc EU phải ngừng “thuyết giảng” cho Trung Quốc về nhân quyền, nếu không Bắc Kinh sẽ thực hiện những biện pháp kiên quyết hơn nữa.

Thanh Tú

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vua-trung-phat-da-bi-trung-quoc-dap-tra-gap-doi-eu-de-doa-hau-qua-dang-tiec-20180504224251031.htm