VUA - TÔI tri kỷ

Hơi trầm xông ấm sực cả căn phòng. Cửa đóng kín, hơi ngột. Quan Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Cư Đạo bèn rời khỏi án, khẽ vén tay áo thụng mở toang hai cánh cửa sổ. Gió lạnh ùa vào căn phòng, làm mấy bông kim cúc cắm trong chiếc bình 'Bá huê tôn'1 đặt kế bên ống bút hơi xô đi một chút.

Quan Thượng thư phóng mắt ra phía hồ Dâm Đàm. Một lớp khói mù như hơi nước, chỗ mờ chỗ đục, cứ nhè nhẹ bốc lên và lãng đãng bay trên mặt hồ mênh mang. Vài cánh thuyền câu đủng đỉnh như ẩn như hiện trong sương.

Này kia, đàn sâm cầm kể có ức vạn con giăng kín cả khung trời, làm rách nát đám khói sương mờ ảo rồi sà xuống nước, khiến mặt hồ lốm đốm đen, nom tựa một bức thủy mặc khổng lồ.

Lạ thay Dâm Đàm!

Lạ thay Dâm Đàm!

Quan Thượng thư thốt lên như vậy tới hai lần. Thực ra ông có xa lạ gì với cảnh hồ. Bởi dinh ông ngay tại phường Yên Hoa, nằm sát cạnh hồ. Suốt ngày đêm nghe tiếng chài gõ mảng, tiếng ngỗng trời vỗ cánh rào rào.

Gọi là dinh phủ, nhưng ông thực chỉ có một nếp nhà gỗ năm gian với hai đứa hầu trai. Cảnh nhà từ khi làm Ngự sử, tới khi thăng Hộ bộ Thượng thư vẫn không có gì thay đổi. Khi nào hồi hưu, lại qui cố hương, nhà trả lại Triều đình. Tài sản lớn nhất mà ông có là năm mẫu ruộng thực ấp vua ban, ở vùng Thuận Thành. Vợ ông vẫn lo cày cấy để phụng dưỡng song thân, thay ông.

Xét cho cùng thì quan Thượng thư Hộ bộ có cái cảm quan của các bậc văn nhân, thi sĩ ấy cũng là đúng. Vì rằng, Dâm Đàm tựa như một mỹ nữ, có tới cả trăm dáng vẻ kiều diễm mỗi lúc mỗi khác, không ai nắm bắt được gương mặt thực của "nàng". Tao nhân mặc khách kể có tới hàng ức vạn người qua lại xem ngắm hồ. Tới cả ngàn người có thi văn tức cảnh hồ, thậm chí đã có biết bao cuộc liên ngâm thưởng nguyệt, mà vẫn chưa khám phá hết vẻ đẹp của Dâm Đàm.

Quan Thượng thư rắc thêm trầm vào lư, đoạn lấy phong thư đặt trên án, vái ba vái và mở đọc. Quan ông đọc lá thư không biết bao nhiêu lần, cứ mỗi lần đọc lại một lần vái thư thật là cung kính. Ấy cũng bởi ông tỏ lòng kính chúa tại tâm.

Việc này xét ra không có gì lạ. Bởi đó là thư của vua Hồng Đức (Lê Thánh Tông) viết cho quan ông. Nét chữ quen thuộc, đẹp như khắc.

Thư vua viết như lời tâm sự bạn bè, cũng như lời dụ bảo trong đạo quân thần. Quan Thượng thư cho đó là niềm vinh hạnh với ông, nhưng thực khó xử. Không biết phúc đáp nhà vua thế nào đây. Đành rằng, cách phúc đáp tốt nhất là làm cho thật tốt phận sự của kẻ thần tử.

Quan ông lẩm nhẩm đọc thành lời:

"Ta lúc còn ít tuổi, làm bạn với ngươi, khi ta làm vua, ngươi làm quan kinh diên. Nói về thần hạ thì ngươi đối với ta là bạn tri kỷ, là bạn học thức; nói về vua tôi thì ngươi đối với ta là duyên cá nước, là hội gió mây. Ngươi nên hết lòng hiệp sức, gắng báo đền ơn nước, CHÍ CÔNG VÔ TƯ, NGĂN LẤP HỐI LỘ.

Được như thế thì ta được tiếng là vua biết người, ngươi được tiếng là tôi hết trung, vinh hiển cha mẹ, vẻ vang danh tiếng, rạng rỡ trong sử sách, nghĩ lại chẳng khoái lắm sao! Nếu không làm được như thế, thì ta là vua không biết người, mà ngươi là tôi làm vì.

Trong hai điều ấy, ngươi chọn đằng nào thì chọn…"

Lại đặt phong thư lên án, quan ông khoác lên mình chiếc áo ngự hàn vua ban từ cả chục năm trước. Gấm bọc mầu đại hồng đã ngả sang mầu nâu sỉn. Mặt vải mòn xơ. Cổ tay và nẹp áo đôi chỗ lòi cả bông. Chụp thêm chiếc mũ ô sa lên đầu, quan ông xỏ chân vào đôi guốc gộc tre và đi ra vườn.

Mấy cây đào đã rụng hết lá, trơ trọi thân cành, ánh lên một mầu nâu sẫm. Loáng thoáng đôi ba chiếc nụ đã nhu nhú cái mầu hồng hồng. Vài gốc chi mai đã bói một vài bông. Cánh mai trắng như tuyết, xòe nở giữa chiếc cành khẳng khiu gân guốc. Gió hun hút kéo theo khí lạnh buốt từ ngoài hồ.

Ờ, cứ giữ được cái lạnh này thì hãm được đào, mai của ta đúng dịp đón xuân về.

Quan ông khẽ vén vạt áo ngồi lên chiếc đôn sành kê bên gốc chi mai. Cúi nhìn tấm áo bông gấm cũ nát, quan ông nhớ lại những chuỗi ngày qua mà nhà vua nhắc tới, khi hai người còn là đôi bạn trẻ. Khi ấy, hoàng tử Tư Thành đang thất thế. Phải ém mình, phải che giấu kỹ càng những khiếu năng biểu lộ của bậc minh vương.

Thật tình, ta không chỉ trọng Tư Thành về tài mẫn tiệp duy có ta mới biết, mà ta còn trọng hoàng tử là một người trung hậu, thủy chung như nhất. Điều này đã được biểu hiện khi mới lên ngôi, nhà vua làm ngay việc chiêu tuyết cho quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Và cho sưu tầm thơ văn của ông in thành tập. Lại truy tìm con cháu Nguyễn Trãi, cho nối đời hưởng lộc. Hành vi này phi các bậc minh quân không thể nào làm nổi. Nhưng cũng còn một nhẽ nữa là nhà vua trả cái ơn cứu tử của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ đối với mẹ con ông.

Sở dĩ, ta biết ngài có tài mẫn tiệp là ở những bài thơ ta và ngài xướng họa. Nhất những bài văn sách lấy đề từ các khoa thi trước, tự làm rồi tự chấm cho nhau. Ta nhớ, có lần xem xong bài làm của ngài, ta ghi vào lề: "Có khẩu khí đế vương". Ngài vội xua tay rồi đem đốt luôn bài văn sách ấy. Còn bài của ta, ngài phê: "Tài đáng Thượng thư". Ta sợ quá, đem giấu biệt bài văn ấy đi.

Khi ta đỗ Tiến sĩ cập đệ, ngài vẫn còn long đong. Khi ta được vời vào Ngự sử đài cũng là lúc Lê Nghi Dân cướp ngôi. Triều đình chao đảo.

Dẹp được Lê Nghi Dân, triều quan đón Hoàng tử Tư Thành tôn lên ngôi Hoàng đế.

Một bữa tới thăm Đài ngự sử, ngài hỏi ta: "Khanh còn giữ được bài văn sách ta phê những năm trước không?".

Ta giật mình vì trí nhớ của ngài. Bèn đáp: "Thần vẫn lưu giữ".

"Vậy khanh đem lại ta coi". Cầm bài văn, xem lại nét chữ châu phê, nhà vua cười sung sướng rồi ôm ghì lấy ta. Ta biết, đấy là phút giây ngài biểu tỏ tấm lòng bè bạn.

Ngài đút tờ giấy vào tay áo thụng, rồi nắm lấy hai vai ta lắc lắc và nói:

"Tương thức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỷ nhân"2

Ta cảm động đến ứa lệ. Nhưng ta cũng chẳng bao giờ quên lời dạy của cha ta, từ khi ta còn niên thiếu đã kết bạn với hoàng tử Tư Thành. Rằng, chơi với những người quyền cao chức trọng, nhất là chơi với vua, chẳng khác nào chơi với hổ. Có thể có lúc mượn được oai hổ, song chớ dại mà vuốt râu hổ, sờ vào nanh vuốt của hổ.

Bởi thế, với nhà vua, ta vừa kính cẩn, vừa thận trọng.

Hôm sau thiết triều, vua đem bài văn sách của ta ra đọc, nhưng giấu họ tên người viết. Xong hỏi triều quan:

"Nếu như tài này thì xứng làm chức gì?"

Mọi người im lặng. Chỉ có quan Trung thư lệnh, Tri tam Quán sự, Hàn lâm viện Thừa chỉ Trạng nguyên Nguyễn Trực là người tài năng và trực tính có tiếng, liền xuất ban tâu: "Thần nghĩ, người này tài đáng Thượng thư kinh diên sự".

Vua bèn đưa bài văn sách của ta cho Nguyễn Trực, lại cho phép các quan truyền tay nhau xem nét chữ ngài châu phê.

Đoạn, nhà vua tuyên dụ: "Đô ngự sử, Kinh diên sự Nguyễn Cư Đạo nay thăng hàm Thượng thư". Lát sau vua lại nói: - Đúng như ta nhận xét bài văn sách của y, khi ta và y còn đang thuở hàn vi. Vậy là thiên tử không nói đùa. Ta thường nghĩ, đồ dùng thì nên chuộng thứ mới, còn người thì nên tìm người cũ.

Nhưng các khanh nên nhớ, ta cất nhắc Nguyễn Cư Đạo là vì tài, vì đức chứ không vị tình riêng. Cư Đạo cũng không vì tình bạn cũ với ta mà cầu cạnh ta điều gì. Từ khi ta lên ngôi, Cư Đạo vẫn tỏ ra một người mẫn cán, liêm khiết, tư biện sơ sài; làm chức gì đều xứng với chức đó. Đến nay ta vẫn trọng nhân cách của y. Ta cũng tự hào vì có y là người bạn tốt, lại biết giữ đúng bổn phận.

Ít lâu sau, vua lại bổ ta sang coi bên Hộ bộ. Và bây giờ vua có dụ này. Chắc là để khuyến khích ta vừa có sớ hặc: "Đoàn Cung và Hoằng Nghi ở chức Chính viện Đại thần mà chỉ giữ chức làm vì ăn không, chẳng giúp ích gì, tuổi quá 70, mắt lòa, tai điếc, còn tham lộc vị, không có liêm sỉ, hại đến phong hóa". Vua đã y lời hặc của ta bắt hai người phải về nghỉ.

Ta tạ vua thế nào đây. Như chợt nảy ra điều gì trong óc não, quan Thượng thư chạy xộc vào thư phòng cầm bút viết liền một mạch:

"Thành lâm bắc đẩu hồi nguyên khí

Nguyệt tuế thu đàm chiếu cổ tâm"3

Vua Thánh Tông xem xong đôi câu đối biết tấm lòng trung của người bạn cũ. Nghe nói nhà vua cho khắc treo tại Khuê Văn Các.

Đúng là: Có Vua ấy, ắt có Tôi ấy!

Láng Thượng ngày áp Tết.

Chú thích:

1. Loại bình cổ từ đời Đường vẽ 100 bông hoa quý.

2. Biết nhau đầy thiên hạ,

Tri âm được mấy người.

3. Sao Bắc đẩu sáng kinh thành tụ hội nguyên khí,

Đầm thu đọng bóng trăng soi rọi tấm lòng xưa.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/vua-toi-tri-ky-21039.html