Vừa thừa, vừa lãng phí!

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, với những quy định được xem là mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của du khách, người dân, doanh nghiệp... có liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Một góc thánh địa Mỹ Sơn tại huyện Duy Duyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Huy Đằng.

Trước đó, nhiều địa phương khác như TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế... đã ban hành bộ quy tắc tương tự. Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đưa ra bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch trong và ngoài nước; các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, có nội dung không khác lắm với nội dung của những bộ quy tắc do các địa phương đưa ra.

Có nhiều điều cần nói liên quan đến việc ban hành các bộ quy tắc này. Về nội dung, đa số các bộ quy tắc ứng xử nói trên đều có nội dung khá dài dòng, có những quy định mang tính chung chung, khó nhớ. Thậm chí, có cả những nội dung không cần thiết đưa vào quy tắc chung khi đó là chuyện riêng của mỗi người hay đã được pháp luật quy định nên không chỉ khách du lịch, doanh nghiệp mà mọi người đều phải tuân thủ.

Chẳng hạn, về quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra đến 20 nội dung, trong đó có những nội dung như “không lấy hàng hóa, sản phẩm, đồ dùng không thuộc về mình”, “không vi phạm luật pháp khi đi du lịch” hay “lên kế hoạch, tìm hiểu trước về điểm đến và dịch vụ, đặt dịch vụ trước khi đi du lịch”... Có thể thấy ngay những quy tắc như vậy là thừa! Hành động lấy đồ không thuộc về mình có thể coi là hành vi trộm cắp, tùy vào mức độ sẽ bị xử theo quy định của pháp luật. Còn yêu cầu không được vi phạm pháp luật là yêu cầu với tất cả mọi người chứ không chỉ là khách du lịch cho nên đâu cần phải đưa vào quy tắc này!

Thêm nữa, việc du khách có lên kế hoạch hay đặt trước dịch vụ hay không là chuyện riêng, nếu đặt trước có thể có giá rẻ hơn, chủ động hơn trong chuyến đi, còn không thì khách phải bỏ tiền nhiều hơn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp hay điểm đến có thể tư vấn cho khách hàng nhằm tránh quá tải, làm du khách thiệt thòi vào mỗi dịp cao điểm chứ cơ quan quản lý không cần và không thể đưa vào bộ quy tắc ứng xử một nội dung như thế được.

Các bộ quy tắc ứng xử nói trên không những có quy tắc dành cho khách du lịch mà còn có cả quy tắc dành cho doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ liên quan đến du lịch, các tổ chức... Ở đây, một lần nữa lại cũng thấy những quy tắc đó không cần thiết. Bởi lẽ, những đơn vị này hoạt động theo quy định của pháp luật, nếu sai thì căn cứ vào sai phạm để xử phạt, như thế còn hiệu quả hơn là đưa ra một bộ quy tắc với hàng chục nội dung cho các đơn vị nhưng chuyện họ có thực hiện hay không thì không thể quản được.

Cách làm theo kiểu “nở rộ”, địa phương nào cũng có bộ quy tắc riêng bên cạnh một bộ quy tắc chung, trong chừng mực nào đó là lãng phí. Có thể thấy, các quy tắc của các địa phương và của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có nội dung khá giống nhau. Vì thế, việc mỗi nơi ban hành một bộ quy tắc riêng, rồi in ấn, dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau cho khách du lịch đọc sẽ gây tốn kém không cần thiết. Chưa kể, việc này cũng gây phiền hà cho du khách vì không lẽ khi đặt chân đến Việt Nam, khách phải xem bộ quy tắc chung của cả nước rồi cứ đến mỗi tỉnh lại phải xem từng quy tắc riêng của nơi đó.

Minh Duy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281619/vua-thua-vua-lang-phi-.html