Vua tàu thủy Khương Hạ: 40 năm niềm đam mê từ sắt vụn

Cứ mỗi dịp Trung thu về, trẻ nhỏ đất Hà Thành lại được chứng kiến những chiếc tàu thủy được chế tạo bằng sắt vụn chạy bằng hơi nước của Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng, người được mệnh danh là vua tàu thủy làng Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng bên những chiến hạm mini

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng bên những chiến hạm mini

Trước đây, cả làng Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội chuyên làm đồ chơi Trung Thu bằng dây sắt Tây từ những vật liệu sắt vụn, vỏ lon bỏ đi. Cứ mỗi độ Trung Thu về, cả làng trên xóm dưới lại tấp nập người ra kẻ vào lấy hàng. Những món đồ chơi này được bày bán ở khắp nơi. Một trong những món đồ chơi nổi tiếng được yêu thích đó là chiếc tàu thủy sắt tây chạy bằng hơi nước. Tuy nhiên, nghề này dần mai một bởi những trò chơi công nghệ hiện đại bằng vật liệu mới dần thay thế.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng được biết đến là người cuối cùng của làng Khương Hạ. Năm nay, anh đã bước tuổi 55, nhưng đã có hơn 40 năm kế thừa nghề truyền thống này của ông cha tổ nghiệp đã trao truyền qua bao thế hệ.

Anh tâm sự, khi nhỏ, anh từng bị tai nạn về điện và bị mất một nửa ngón tay. Bởi vậy, người trong làng thường gọi anh là anh Tám “cụt”. Tại làng Khương Hạ, anh Hùng nổi danh là nghệ nhân duy nhất sinh tử vì nghề.

Nghệ nhân Hùng chia sẻ với PV

Để làm một chiếc tàu thủy hoàn chỉnh, trung bình anh Hùng phải mất môt tuần, trải qua khá nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm tàu thủy mà anh Hùng sử dụng đều từ đồ phế liệu. Đó đơn giản là những vỏ hộp sữa, ống bơ được anh Hùng cắt, duỗi cẩn thận sau đó khéo léo gọt thành những hình theo ý muốn.

Anh Hùng cho biết, từ những chiếc tàu nhở cỡ bàn tay đến tàu lớn dài 60 - 80 cm đã mô phỏng những chiến hạm cỡ lớn chạy bằng cộng nghệ hiện đại đều được anh làm tỉ mẩn bằng cả tâm huyết, lòng yêu nghề và khát vọng đam mê. Từ những miếng sắt tây được tận dụng từ hộp sữa, hộp sơn, thùng phi... được duỗi thẳng, uốn tỉa công phu hoàn toàn bằng tay. Sau đó, từng chi tiết nhỏ được lắp ghép lại với nhau bằng những mối hàn thiếc thủ công. Sau cùng là chúng được khoác lên mình những màu sơn xanh đỏ vàng bắt mắt.

Chỉ tay vào những chiếc tàu đang chuẩn bị “xuất cảng” có chiều dài đúng bằng một gang tay được chế tạo công phu tinh xảo từng chi tiết nhỏ nhất. Điều đáng chú ý, là con tàu mini mang số hiệu và quốc kỳ Việt Nam có thể chạy được trên mặt nước và phát ra tiếng nổ như tàu thật lại không dùng động cơ riêng lẻ. Bí quyết gia truyền nằm chính ở yếu tố công nghệ này. Chiếc tàu chạy được là do buồng hơi này được đốt nóng bằng một đèn dầu nhỏ đặt phía dưới. Khi bị đốt nóng là đồng phí trên giãn nở không đều, khi phồng lên nước được hút vào một đầu ống, khi nước được hút vào thì lá đồng đó lại được làm mát nên xẹp xuống và đẩy nước ra theo một đường ống. Quy trình cứ thế được lặp đi lặp lại bên hút bên đẩy nước ra tạo ra năng lượng cơ học làm cho con tàu di chuyển.

Những chiếc tàu thủy mini rất hấp dẫn trẻ nhỏ

Nhớ lại những lần bày tàu thủy trên phố cổ bán, anh Hùng kể: “Trẻ con nhìn thấy cái tàu thủy đỏ, vàng của tôi, chúng thích lắm. Trông nó ngồ ngộ, lại đi được dưới nước và trông giống những chiếc tàu chúng vẫn thấy mỗi lần đi nghỉ mát nên cứ bày hàng ra là trẻ con xúm xít vào xem. Mỗi năm tôi trung bình tôi "hạ thủy" hàng nghìn con tàu các loại, giá mỗi chiếc tàu thủy mini là 300.000 đồng, giá loại to lên đến tiền triệu. Giờ đây, tàu của tôi không chỉ bán vào dịp Trung Thu mà bán quanh năm. Điều đáng nói là khách du lịch nước ngoài rất thích thú và tiêu thụ rất nhiều".

Nói về ý nghĩa giáo dục của sản phẩm này, anh Hùng cho biết, chiếc tàu thủy mini được tận dụng làm từ sắt vụn sẽ góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, kích thích sự sáng tạo và lòng yêu khoa học của trẻ nhỏ. Đặc biệt, thông qua sản phẩm trò chơi này sẽ góp phần giáo dục tình yêu với biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Chia tay người Nghệ nhân tàu thủy đất Hà Thành, người viết bài này cũng không quên mua một chiếc tàu thủy mini để làm kỷ niệm và trân trọng bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, niềm đam mê sắt vụn của Vua tàu thủy làng Khương Hạ.

Quyết Tuấn

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/quyen-loi-tieu-dung/vua-tau-thuy-khuong-ha-40-nam-niem-dam-me-tu-sat-vun-a291979.html