Vua tăng-gô và những rắc rối tình trường

Nói đến vua tăng-gô, trong giới nhạc sĩ, ai cũng biết đó là Hoàng Trọng sống ở Sài Gòn từ sau năm 1954 - tác giả của những ca khúc viết về tình yêu nổi tiếng, đặc biệt sử dụng nhiều tiết điệu tăng-gô.

Ông là một trong những nhạc sĩ có nhiều công chúng nhất ở miền Nam trước đây. Giới ca sĩ cũng hay tìm đến những ca khúc của ông để thu thanh hoặc trình diễn trên sân khấu. Giai điệu của ông thường rất ướt át, lãng mạn, bắt tai, không lắt léo nên dễ hát.

Đó là các bài nổi tiếng, giới ca hát Sài Gòn cũ không ai không thuộc nằm lòng: “Tiễn bước sang ngang”, “Hai phương trời cách biệt”, “Ngàn thu áo tím”, “Lạnh lùng”, “Bạn lòng”, “Mộng lành”, “Ngỡ ngàng”… Hoàng Trọng còn là người được giới đạo diễn điện ảnh hâm mộ, mời làm nhạc cho nhiều phim truyện có đông khán giả: “Xin nhận nơi này làm quê hương”, “Giã từ bóng tối”, “Người tình không chân dung”, “Bão tình”… Phim nào ông cũng sáng tác một bài hát thật thú vị khiến người xem nhớ mãi.

Cố nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Cố nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Những năm tháng là sinh viên, tôi đã thuộc và rất thích hát bài có những câu: “Biết đến bao giờ gặp lại người em tuổi ấu thơ để đón tin mừng từ ngày thuyền xuân về bến mơ, thì phút giờ đây gặp mùa áo cưới nở hoa, quà nghèo chỉ có bài ca tặng nàng trước khi lìa xa…”. Hồi đó, tôi không biết tên tác giả, chỉ biết đây là một bài “nhạc vàng” nói về kỷ niệm của một chàng trai với một cô gái mình yêu mà không lấy được nên có giai điệu rất buồn. Tất nhiên hồi đó, những bài như thế này không thể hát công khai vì bị cấm. Mãi tới rất lâu sau, cho đến lúc gặp được tác giả, tôi vẫn nghĩ bài này có tên là “Dã từ” vì những tiếng “lìa xa, dã từ” cứ được lặp lại nhiều lần trong bài và nội dung đúng là khúc hát của kẻ đang yêu lúc dã từ người mình yêu.

Đến năm 1980, trong một lần vào TP. Hồ Chí Minh, gặp được Hoàng Trọng, tôi mới biết ông chính là tác giả và bài hát có tên “Tiễn bước sang ngang” phổ thơ của Hồ Đình Phương (chứ không phải là “Dã từ” như tôi vẫn lầm tưởng trước đó). Lần ấy, ông đã cầm đàn ghi-ta tự đệm và hát lại cho tôi nghe. Qua đi những kỷ niệm rất lâu mà lúc đó, Hoàng Trọng hát cứ run run như là muốn khóc. Ông kể rằng bài này ông viết để đánh dấu một kỷ niệm buồn: Yêu tha thiết một cô gái nhưng cô đã không cưỡng lại được cha mẹ, phải lên xe hoa về nhà chồng. Thế là hai người phải “lìa xa”. Và ông đã viết bài này để tặng nàng.

Ca khúc khi mới ra đời đã nhanh chóng lây lan khắp Sài Gòn, được công chúng rất ưa thích. Khi ấy - những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước - hai miền Nam, Bắc nước ta còn bị chia cắt nên không thể có sự giao lưu văn hóa. Ngoài Bắc lại rất kỵ “nhạc vàng” nên không thể có sự phổ biến, lưu hành. Vậy mà nhiều sinh viên bọn tôi vẫn thuộc. Đủ thấy sức cuốn hút của bài này như thế nào.

Hoàng Trọng ra đời năm 1922 ở Hải Dương nhưng sống nhiều năm ở Nam Định. Ông sớm bộc lộ năng khiếu sáng tác nhạc từ khi còn rất trẻ. Năm 16 tuổi đã viết bài đầu tay “Đêm trăng”, rồi năm 18 tuổi, có tiếp bài “Bóng trăng xưa”. Cả hai bài đều được các ca sĩ ở Nam Định lúc đó trình diễn nhiều tại các tụ điểm và trong rạp trước khi chiếu phim.

Hoàng Trọng và người vợ Thu Tâm cùng hai con.

Năm 1945, lúc 23 tuổi, chàng trai đánh giỏi nhiều loại đàn lấy vợ. Nàng là con nhà giàu có tiếng ở Nam Định. Mê tiếng đàn của Trọng, cô nàng khăng khăng đòi lấy, bất chấp lời can gián của cha mẹ khi thấy con gái mê cái gã vừa nghèo lại đàn hát, “xướng ca vô loài”. Nhưng nàng quyết tâm sắt đá: “Một là con lấy anh ấy. Hai là con ở vậy không lấy ai vì không thể lấy người không có tình cảm được”. Thế là cha mẹ đành… thua mà phải chiều theo ý con gái.

Sinh hạ được ba con, Hoàng Trọng đặt tên đều liên quan đến các nốt nhạc: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Pha và Hoàng Bích La (đô, pha, la là 3 nốt nhạc). Cả ba đều hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Người con đầu trở thành nhạc sĩ sáng tác. Người thứ hai hòa âm, phối khí và người thứ ba lý luận. Cứ tưởng cuộc tình quá đẹp như thế dẫn đến hôn nhân thì sẽ không gì có thể phá vỡ. Vậy mà hạnh phúc đã sớm đội nón ra đi ngay khi đứa con gái út Bích La mới có 3 tháng tuổi.

Chỉ vì người vợ quá ghen, luôn nghĩ chồng mình lúc nào cũng có một ai đó “ngoài luồng”. Người cô nghi nhất là ca sĩ Tâm Vấn khi ấy rất nổi tiếng ở Nam Định về nhan sắc và có giọng hát ngọt ngào, quyến rũ. Nữ ca sĩ này hát rất nhiều bài của Hoàng Trọng. Cứ nhạc sĩ này sáng tác bài nào mới thì người đầu tiên hát là cô chứ không ai khác. Vợ Hoàng Trọng ghen tuông cực đoan đến mức quá uất ức, đã lìa bỏ chồng khi Bích La chưa biết lẫy. Cô sẵn sàng để lại cho chồng nuôi cả ba đứa con thơ để thỏa cơn tức giận. Hoàng Trọng thanh minh thế nào cũng không được.

Cũng bởi vì, ngoài ca sĩ Tâm Vấn, còn có một nữ nhà thơ có tên Vĩnh Phúc cũng bị người vợ nghi ngờ. Số là Hoàng Trọng phổ đến mấy chục bài thơ của cô này thành ca khúc. Không rõ thực hư thế nào, chỉ biết rất nhiều bài cứ ký liên danh tên tác giả Hoàng Trọng - Vĩnh Phúc. Sự thật thì việc này ông hoàn toàn bị oan. Chỉ đơn thuần là chuyện cùng tạo nên ca khúc. Chứ Vĩnh Phúc là người phụ nữ đoan chính, nghiêm túc. Nhưng bất chấp mọi lời thanh minh của chồng và sự can gián của mọi người, vợ Hoàng Trọng vẫn kiên quyết rứt áo ra đi. Ông rơi vào tình trạng quá bi đát, phải gửi đứa con 3 tháng tuổi cho bố mẹ nuôi giúp bằng sữa bò. Đứa con trai đầu tên Hoàng Nhạc Đô thì gửi vào học ở trường nội trú.

Trước việc ghen quá cực đoan của vợ nhạc sĩ, Tâm Vấn đã rời Nam Định vào Sài Gòn sinh sống rồi lấy chồng tại đây. Từ đó, Hoàng Trọng không lấy ai, cốt để khẳng định với vợ là mình bị nghi oan, luôn thủy chung chứ không có ý đến với người khác.

Sau năm 1954, Hoàng Trọng vào sinh sống ở Sài Gòn. Lần gặp ông tại thành phố này vào năm 1980, Hoàng Trọng kể với tôi rằng đó là những ngày tháng u ám nhất trong cuộc đời mình. Sự thật là ông còn rất yêu vợ. Ông thương hơn là trách mặc dù không ít người rót vào tai ông rằng không thể chấp nhận lòng ghen tuông mù quáng để sẵn sàng lìa xa đứa con mình rứt ruột đẻ ra khi mới 3 tháng tuổi. Người vợ như vậy, chẳng nên tiếc làm gì. Nhưng Hoàng Trọng rất hiểu vợ. Ông tự trách mình không giữ gìn để vợ hiểu nhầm mới ra nông nỗi.

Khi con gái út Bích La trưởng thành, một lần Hoàng Trọng ngỏ ý là mình muốn lấy vợ. Cô tỏ rõ sự bất hưởng ứng, nói rằng ba đã có 3 con, đều rất quan tâm đến cha nên không cô đơn gì mà phải lấy vợ khi không còn trẻ. Đó là lúc Hoàng Trọng quen cô Thu Tâm, kém mình gần 30 tuổi, kém cả tuổi Bích La. Nhưng rồi bận mải làm ăn, các con không thể nào chu đáo được với cha những lúc Hoàng Trọng đau, ốm. Thu Tâm thì bộc lộ một tình cảm rất chân thành, chăm sóc ông tận tụy. Cô không màng bất cứ điều gì ở ông ngoài tình cảm chân thành.

Thấy Thu Tâm hiền thục, lại hết mình chăm lo cho cha mình, dần dần, Bích La thấy quý mến. Và cuối cùng cô đã vui vẻ chiều ý cha. Cuộc hôn nhân lần thứ hai tốt đẹp. Họ sinh được hai con, đủ cả trai lẫn gái. Kỷ niệm cuộc tình đẹp dẫn đến hôn nhân lần thứ hai, Hoàng Trọng viết ca khúc “Chiều rơi đó em” nghe thật xúc động bởi một giai điệu trầm buồn, lắng đọng như được rút từ gan ruột những gì còn lại để tặng người thương yêu: “Chiều rơi đó em bên đời anh hoàng hôn rồi. Chiều rơi đó em bên đời anh sương lạnh rồi. Nhìn nụ hoa thắm màu tươi nở đẹp trong bước chiều rơi…”.

Hạnh phúc đến, lẽ ra phải vui. Vậy mà ca khúc này lại trĩu buồn. Có cái gì đó thật ngậm ngùi. Hình như người nhạc sĩ ái ngại cho người yêu thương gặp mình với bao thiệt thòi khi mình đã ở vào lúc hoàng hôn của cuộc đời, không còn đem đến cho nàng được gì nhiều nữa! Bài này Hoàng Trọng viết năm 1978 và cũng là sáng tác cuối cùng của ông. Sau đó, phần vì sức khỏe suy giảm, phần vì nhiều lý do khác mà ông không tiếp tục sáng tác khi mới ở tuổi 56 - cái tuổi đối với người sáng tác còn rất sung mãn và ở độ chín nhất.

Năm 1992, ông cùng vợ sang định cư ở Hoa Kỳ và qua đời vào năm 1998, hưởng thọ 76 tuổi. Hầu hết những bài hát của ông đều xoay quanh chủ đề tình yêu, đem đến cho người nghe nhiều cảm xúc đẹp. Hiện nay, những bài hát nổi tiếng của ông vẫn thường xuyên được vang trên các sân khấu và các đại nhạc hội ở hải ngoại. Ông là một trong những nhạc sĩ được bà con Việt kiều rất mến mộ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/-vua-tang-go-va-nhung-rac-roi-tinh-truong-i676976/