'Vua sáng chế' của nông dân Quảng Yên

Không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo về nghề kỹ thuật nào, nhưng anh Đinh Văn Giang, xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) lại được nhiều người dân đặt cho cái tên là 'ông vua sáng chế' bởi những sáng tạo, cải tiến anh đã làm cho các sản phẩm nông cụ, ngư cụ phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Những tưởng cuộc đời mình sẽ tiếp tục gắn bó với đồng ruộng theo cách thuần túy như thế hệ ông cha đi trước, nhưng trải qua một cuộc thử mình, Đinh Văn Giang đã trở thành một 'nhà khoa học', vẫn gắn bó với nghề nông nhưng theo một hướng khác là đem trí tuệ của mình làm giàu cho bà con.

Anh Đinh Văn Giang (bên phải) hướng dẫn công nhân sản xuất các máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Anh Đinh Văn Giang (bên phải) hướng dẫn công nhân sản xuất các máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

“Người ta từng gọi tôi là Giang điên”

Anh Giang mở đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm đáng nhớ trên con đường trở thành một ông chủ của Công ty cơ khí chuyên sản xuất các thiết bị máy móc phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Anh nói: “Khi mình mang chiếc máy cày đầu tiên ra ruộng, người dân trong làng liền gọi mình là “Giang điên”. Cũng phải thôi, bởi thời điểm đó (năm 1992) nó là phương tiện cơ giới nông nghiệp đầu tiên của xã mình, đầu tư khá tốn kém nhưng lại không hoạt động được. Những câu nói vui của mọi người lúc bấy giờ đã trở thành động lực thôi thúc mình dấn thân vào con đường sáng chế”.

Đó cũng không phải là lần đầu tiên ý tưởng trở thành một nhà sáng chế được manh nha. Từ bé, anh Giang đã có niềm đam mê sáng tạo, khi bạn bè còn mải mê với những trò chơi dân dã thì anh đã tìm tòi, tự mày mò làm được chiếc xe cót chạy bằng động cơ được thiết kế từ những dây cáp điện nhỏ tận dụng từ đồ dùng bỏ đi. Sau này lớn hơn, khi học hết cấp 3, anh Giang cũng ước mơ được vào học ở một trường đại học, cao đẳng chuyên về kỹ thuật để thỏa tính sáng tạo của mình, nhưng vì điều kiện kinh tế nên phải bươn chải theo gia đình đi tàu đánh bắt thủy sản.

Những tháng ngày lênh đênh trên biển kéo dài khá vất vả, nhiều lúc nguy hiểm đến tính mạng càng làm anh suy nghĩ phải chuyển sang một nghề nghiệp khác ổn định hơn. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu phát huy tài năng của mình, tự mình sửa chữa hết toàn bộ máy móc trên tàu khi động cơ trục trặc, hỏng hóc. “Chính điều này cũng làm cho bố mẹ yên tâm hơn về quyết định của mình khi nghỉ nghề đi biển để mở xưởng cơ khí sau này” - Anh Giang nói.

Năm 1992, với số vốn dành dụm được sau thời gian đi biển, anh Giang mua được 2 chiếc máy cày do Trung Quốc sản xuất, với mục đích phục vụ gia đình và cày thuê cho bà con làng xóm. Nhưng chiếc máy cày này lại không thể... cày được, bởi thiết kế bánh lồng quá nhỏ, không phù hợp với đồng nước, đầm lầy của Việt Nam. Không chịu bó tay, anh Giang suy ngẫm, mày mò thay đổi thiết kế bánh lồng có đường kính to hơn, bản thanh răng của bánh lồng rộng hơn, góc nghiêng lớn hơn... Lần thứ 2 xuống đồng chạy thử nghiệm, chiếc máy cày “Made in... Đinh Văn Giang” đã hoàn toàn chinh phục những thửa ruộng nước.

“Từ thành công đầu tiên đó, mình dần dần tích lũy vốn, mua thêm máy tuốt lúa, máy xay xát về phục vụ bà con và đầu tư thêm vật tư thiết bị để sửa chữa máy móc của gia đình và những hộ dân quanh vùng. Sửa chữa nhiều, mình cũng bắt đầu nắm vững được những nguyên lý cơ bản của các thiết bị, rồi tự trau dồi, học hỏi thêm và có những cải tiến nhỏ để máy móc hoạt động hữu dụng hơn. Nhưng sáng kiến đầu tiên ra đời và được công nhận phải kể đến chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi!” - Anh Giang chia sẻ.

Cơ sở sản xuất chế tạo máy của anh Đinh Văn Giang tại xã Sông Khoai, TX Quảng Yên.

“Nhà sáng chế” nông dân

Những năm 1994-1995, gia đình anh Giang chuyển sang mô hình nuôi lợn với quy mô gần 30 chục con. Nhưng công việc này chiếm rất nhiều thời gian, nhất là việc băm, chặt, chuẩn bị thức ăn cho lợn. “Thời điểm đó, một số gia đình khá giả trong làng đã có máy xay sinh tố của Nhật, có thể xay mịn các loại hoa quả, rau củ. Từ đó, mình đã nảy ra ý tưởng nếu thay chiếc cối xay kia bằng kích cỡ lớn hơn thì việc xử lý thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn của gia đình sẽ được giải quyết dễ dàng hơn và bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo” - Anh Giang bộc bạch.

Nghĩ là làm, sau 5 năm với vô số lần thất bại và trăn trở anh Giang đã chế tạo thành công chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Chiếc máy với bộ phận chính là hệ thống dao băm và được chạy bằng điện ấy nhìn thì khá đơn giản, nhưng công năng hoạt động rất hiệu quả, gấp hàng chục lần thực hiện bằng tay. Nhận biết được tác dụng của chiếc máy, anh Giang không chỉ áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình, mà còn giới thiệu với hàng xóm và nhận chế tạo với giá gốc cho mọi người dùng thử. Tất cả đều rất hài lòng.

Anh Đinh Thái Sơn, hàng xóm với anh Đinh Văn Giang, một trong những người đầu tiên mua máy - cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi. Trước, mỗi lứa tôi nuôi khoảng 20-30 con lợn, rất vất vả. Từ khi có máy của anh Giang, đàn lợn nhà tôi tăng lên 50-60 con/lứa. Để nuôi chúng, tôi chỉ cần bỏ ra 3 giờ vớt bèo cộng với 3 giờ xay và ủ là đủ thức ăn trong 10 ngày. Thời gian rảnh còn lại, tôi có thể làm các việc khác”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ chăn nuôi đã tìm đến anh Đinh Văn Giang để đặt hàng. Nhiều chương trình của ban, ngành, đoàn thể nhà nước về hỗ trợ máy nông cụ cho nông dân vùng sâu, miền núi cũng tìm đến anh để hợp tác. Anh Giang cũng đầu tư thêm thiết bị, nhân công để có thể sản xuất với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời liên tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều thế hệ máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng có công suất, kích cỡ, công năng lớn hơn, an toàn và tiết kiệm hơn. Anh cũng tiếp tục phát huy khả năng của mình, sáng chế và sản xuất gần chục loại máy móc khác như máy đào ao hút bùn, chế biến thực phẩm (giò, chả, chả mực...), máy ép viên, máy trộn thực phẩm, máy nghiền đá lạnh, máy đóng gạch... Tính đến nay cơ sở của anh Giang đã sản xuất được hàng chục nghìn sản phẩm máy móc các loại. Nhiều sản phẩm đã tiến xa đến thị trường quốc tế như Mỹ, Nga, Canada, Lào, Campuchia…

Anh Giang hướng dẫn người dân sử dụng và bảo quản máy chế biến thức ăn chăn nuôi do anh sáng chế.

Các sáng chế của anh đã đạt giải cao tại các cuộc thi liên quan đến sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Năm 2015, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng anh Đinh Văn Giang bằng khen “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Truyền cảm hứng cho thế hệ sau

“Bản thân mình luôn thấy danh hiệu nhà sáng chế hay nhà khoa học mà mọi người đặt cho là quá coi trọng mình, nhưng mình tự tin mình là một người khơi nguồn sáng tạo tốt cho thế hệ sau” - Anh Giang chia sẻ.

Không chỉ phát huy hết năng lực của mình để tạo ra những sản phẩm có ích giúp người nông dân phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu chính đáng, anh Giang còn hỗ trợ, truyền cảm hứng sáng tạo cho lớp trẻ sau này thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật. Sắp tới anh Giang sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng lên khoảng 2ha, ngoài việc đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng gia tăng thì trong khu này, anh cũng dành một diện tích đáng kể cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm sáng chế và tư vấn định hướng sáng tạo cho tầng lớp kế cận.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Kỷ niệm chương cho anh Đinh Văn Giang - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh nói: “Sáng tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ dành riêng cho tầng lớp trí thức mà có thể đến từ bất kỳ ai, ngay cả một nông dân bình thường, suốt ngày chỉ biết đến cây, con, đồng ruộng hoặc có thể là một em thiếu nhi tiểu học. Quan trọng nhất là khơi gợi được ý tưởng, niềm đam mê của mỗi người và tạo được môi trường cho mỗi cá nhân phát huy được tiềm năng của họ. Là một người đi trước, ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm, trong khả năng của mình, mình cũng hy vọng sẽ giúp ích được nhiều người khác, nhất là thế hệ trẻ về kiến thức liên quan đến thiết kế, chế tạo máy móc, tham gia các cuộc thi sáng tạo cũng như bảo vệ thành quả sáng tạo của mình. Từ đó, có thể lan tỏa hơn nữa phong trào sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân”…

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/vua-sang-che-cua-nong-dan-quang-yen-2485924/