Vua Matthias & đạo quân Đen

Nửa sau thế kỷ XV, từng có một siêu quyền lực quân sự hiện hữu ở châu Âu. Không phải quân đội Anh. Không phải quân đội Pháp. Càng không phải Tây Ban Nha, Phổ hay Nga - những đại cường quân sự còn chưa kịp trỗi dậy.

Bí mật những lăng mộ trong Thung lũng các vị vua ở Ai Cập

Nhưng, do chỉ duy trì được danh tiếng và sức mạnh của mình trong 32 năm ngắn ngủi mà đến bây giờ, những ký ức về Đạo quân Đen của nước Hungary chỉ còn được biết đến bởi thiểu số những người nghiên cứu có độ chuyên sâu nhất định, về lịch sử quân sự thế giới cũng như châu Âu. Và dĩ nhiên, trong niềm tự hào của dân tộc Hungary.

Vàng son thời dựng nước

Để hiểu rõ hơn về Đạo quân Đen (tiếng Hung: Fekete sereg, tiếng Anh: The Black Army, The Black Legion hoặc The Black Regiment) của nhà vua Matthias Corvinus (Matthias đệ nhất), có lẽ chúng ta không thể không lần ngược dòng lịch sử sâu hơn, để cảm nhận một thứ tinh thần thượng võ thấm đẫm các thế hệ chiến binh của mảnh đất này.

Mặc dù gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu đưa ra những lập luận mới mang tính nghi vấn và phủ định, nhưng quan niệm cổ điển vẫn xem thủy tổ của người Hungary - dân tộc Hun - là người Hung Nô di cư tới châu Âu từ Bắc - Trung Á.

Matthias Corvinus. Ảnh: L.G.

Hung Nô, trong thư tịch cổ Trung Hoa, đã từng là nỗi ám ảnh đối với nền văn minh Hoa Hạ suốt những quãng thời gian rất dài.

Các nước Yên, Triệu, Tần trong "Chiến quốc thất hùng" đều từng phải xây riêng những đoạn tường nhằm ngăn vó ngựa du mục của họ, để rồi đến khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng không tiếc máu xương của hàng trăm vạn dân binh, nối lại các đoạn ấy và xây mới thêm, hoàn tất Vạn lý Trường Thành vĩ đại, gắn liền với câu cách ngôn "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" (Chưa tới Trường Thành, chưa gọi là hảo hán).

Nhưng, kể cả Vạn lý Trường Thành cũng không ngăn cản được sự sụp đổ của nhà Tần, và cũng không có bao nhiêu tác dụng trong việc kìm hãm những vó ngựa du mục đột kích.

Người Hung Nô, đầu thời Tây Hán, sau khi thôn tính các bộ tộc khác đồng thời bắt đầu xây dựng tổ chức chính trị thống nhất (dưới trướng một Thiền Vu), hùng mạnh đến độ có thể huy động tới 30 vạn kỵ binh (số liệu theo Sử ký Tư Mã Thiên) bao vây Hán Cao Tổ Lưu Bang ở trận Bạch Đăng (năm 200 TCN), bức ông phải ký hòa ước thừa nhận địa vị chính trị bình đẳng, từ bỏ tham vọng sử dụng biện pháp quân sự với họ, đồng thời chấp nhận gả các công chúa nhà Hán cho các Thiền Vu (gọi là chính sách hòa thân).

Đạo quân Đen trong một trận công thành.

Phải đến đời Hán Vũ Đế, khi thiết chế chính trị của nhà Hán đã được củng cố vững chắc và tỏ ra vượt trội về cơ cấu vận hành so với người Hung Nô (vốn lại đang dần trở nên chia rẽ), tương quan lực lượng mới bắt đầu thay đổi.

Hai đại tướng nhà Hán là Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, từ năm 129 TCN tới năm 119 TCN, liên tiếp thực hiện các cuộc hành quân tập kích xuyên qua sa mạc Gobi, dần dần đánh sập uy phong người Hung Nô.

Có điều, đến thời Ngũ Hồ loạn Hoa, dân Nam Hung Nô (đã Hán hóa khá rõ rệt) vẫn còn đủ mạnh để cùng những dân tộc thiểu số khác nhân cơ hội nhà Tấn loạn lạc mà tràn vào tranh bá đồ vương ở vùng phía Bắc Trường Giang.

Nhánh Bắc Hung Nô, sau một chiến dịch đại bại dưới tay tướng Đậu Hiến thời Hán Hòa Đế, dần dần di chuyển về phía Tây, xuyên qua Trung Á (theo học giả Nguyễn Hiến Lê cùng nhiều thư tịch phương Tây).

Và rồi, họ đặt chân đến châu Âu, trở thành nỗi kinh hoàng đối với đế quốc Đông La Mã, khi được dẫn đầu bởi một thủ lĩnh kiệt hiệt: Attila the Hun - người để lại câu nói khủng khiếp: "Nơi nào vó ngựa ta đi qua, nơi đó cỏ không mọc được nữa!", người từ Trung Á xuất binh đánh đến tận biên thùy nước Pháp, tàn phá cả vùng Bắc Ý và chỉ chịu dừng vó chinh phạt khi La Mã liên thủ với những bộ tộc Germany để chống lại mình.

Dù sao, Attila và đoàn quân Hung Nô của mình - như rất nhiều sử gia thừa nhận - cũng chính là khởi nguồn của tên nước Hungary hiện đại (như người Frank gốc Germany mang đến danh xưng France cho nước Pháp).

Nối tiếp họ, sau khi Attila chết và liên minh Hung Nô tan vỡ, khi các khoảng trống quyền lực xuất hiện và sau bao lần bị giành giật bởi tay các thế lực chính trị, những người Magyar gốc Bulgar (một sắc dân Slave) kế thừa vị trí chủ nhân của vùng đất ấy. Apard, thủ lĩnh của họ, thống nhất các bộ lạc Magyar rồi tiến vào đất Hung hiện đại, vùng đồng bằng Pannonia, năm 896.

Nhanh chóng kiện toàn thể chế nhà nước và cơ cấu quân đội, người Magyar bảo vệ chủ quyền của mình bằng những trận giao tranh ngang dọc Trung Âu. Năm 996, nước Hungary kiến quốc.

Năm 1000, họ trở thành Vương quốc Hungary theo Thiên Chúa giáo, đứng độc lập với cả Đế quốc La Mã thần thánh (Holy Roman Empire) lẫn đế quốc Đông La Mã (Byzantine). Lịch sử và ký ức dân tộc của họ, đến lúc ấy, đầy nghẹt lòng kiêu hãnh và những chiến công. Không có gì ngạc nhiên, khi họ sản sinh ra một đội quân lừng lẫy như Fekete Sereg.

Quang cảnh trận Breadfiled.

Hùng tâm tráng chí

Nhắc đến Fekete Sereg, mọi tài liệu nghiên cứu lịch sử đều phải nhắc đến cha đẻ của nó: Nhà vua Matthias Corvinus (1443-1490) của triều đại Hunyadi.

Đó có lẽ là một trong những bậc đế vương được rèn luyện kỹ lưỡng và toàn diện nhất trong lịch sử toàn bộ các nền quân chủ phong kiến, trên căn bản là một năng khiếu ngoại ngữ xuất sắc.

Như các ghi chép để lại, ông có thể nói được tiếng Latin, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Ba Lan, tiếng Czech một cách trôi chảy. Sử gia Ba Lan thế kỷ XVI Krzystoff Warszewiecki viết rằng ông còn có thể sử dụng tiếng Romania, trong khi Antonio Bonfini - một nhà thơ người Ý từng phục vụ ông - quả quyết rằng Matthias Corvinus "thông thạo mọi thứ ngôn ngữ ở cựu lục địa".

Hiển nhiên, đó là một sự cường điệu. Song, sự cường điệu của một người đến từ nước Ý - cái nôi của thời Phục Hưng - có lẽ cũng phần nào khắc họa sự xuất sắc của vị vua nước Hung.

Trên nền tảng đó, Matthias Corvinus có thể nghiên cứu rất sâu về hai lĩnh vực ông ưa thích: văn học cổ điển, và đặc biệt là lý luận quân sự. Một bậc minh quân văn võ song toàn đã được đào luyện ngay từ khi còn chỉ là "người kế vị dự phòng".

Nói như thế, bởi Matthias chỉ là con thứ của cha mình - John Hunyadi, người chiến thắng quân Ottoman trận Belgrad năm 1456, chỉ là một vị tướng, chứ không phải nhân vật thuộc hoàng gia, và thậm chí còn là lãnh tụ đối nghịch với vua Ladislaus V của Hungary (thuộc dòng họ Hapsburg, có được ngai vàng nước Hung thông qua sự chỉ định của Hoàng đế Đế chế La Mã thần thánh) khi ấy.

Một hiệp sĩ của Đạo quân Đen.

Matthias đã trải qua một chặng đường đăng quang vô cùng rối rắm và phức tạp. Cha mất, anh của ông là Ladislaus Hunyadi trở thành người đứng đầu gia tộc, và xung đột gay gắt hơn với hoàng gia Hapsburg.

Nhà vua ra tay trước. Ladislaus Hunyadi bị giết, còn Matthias bị bắt. Mẹ ông và cậu ông - Michael Szylagyi - dấy quân họ ngoại nổi dậy. Họ nhanh chóng chiếm lĩnh được phần lớn lãnh thổ nước Hung.

Ladislaus V bỏ chạy về Vienna, rồi về Prague, mang theo cả Matthias. Cuộc nội chiến tiếp nối, cho đến khi Ladislaus V đột tử (năm 1457) không có người thừa kế.

Trong một diễn biến rất bất ngờ, giới quý tộc Hungary chọn Matthias làm vua của mình (theo cung cách các tuyển hầu Đức bầu chọn Hoàng đế Đế chế La Mã thần thánh). 15000 binh sĩ của người cậu Michael Szylagyi bảo đảm cho vị thế của ông vua 14 tuổi vẫn còn đang bị cầm tù ở Prague ấy, và đích thân Michael Szylagyi trở thành Nhiếp chính.

Nhiếp chính Szylagyi gửi sứ giả tới Prague, gặp George Podebrady, người dự định sẽ gả con gái cho Matthias nhằm hướng đến những mục đích chính trị, để thương thuyết việc trả tự do cho ông vua mới của nước Hung. Sáu vạn đồng florin vàng là cái giá để Matthias trở về.

Ngay sau đó, không cần quan tâm đến việc Hoàng đế La Mã Frederick III có chấp nhận tấn phong cho mình hay không, Matthias lên ngôi với tư cách là nhà vua của một vương triều độc lập.

Đó là điểm khởi đầu của một sự nghiệp lẫy lừng, đầy nghẹt những tham vọng chinh phạt. Đó cũng là điểm phôi thai của một ý tưởng: Nước Hung cũng như nhà Hunyadi nhất định phải có một đạo quân thiện chiến, để bảo vệ chính mình. Và sau đó, Đạo quân Đen dần dần được phác thảo.

John Jyskra, bá tước vùng Brandys, người chỉ huy các lực lượng quân sự Czech đang thống trị vùng Bắc Hung, nổi lên chống lại nhà Hunyadi, nhưng bị tướng Sebastian Rozgonyi của Matthias đánh bại. Tuy nhiên, đế quốc Ottoman bất ngờ đưa quân vào vùng Serbia (lãnh thổ thuộc Hung khi ấy), rồi chiếm một vài vùng Bắc Hung.

Một cách khéo léo, Matthias cử hai vị giám mục thân cận tới Prague phong cha vợ tương lai của mình - George Podebrady - làm vua xứ Bohemia. George Podebrady thề trung thành với Giáo hoàng ở La Mã sau sự kiện ấy, và bước vào thế đối nghịch với người Ottoman Hồi giáo, điều nước Hung cần.

Ở tuổi thiếu niên, Matthias làm tất cả bất ngờ vì sự quyết đoán của mình. Ông thuyết phục cậu mình - Nhiếp chính Szylagyi - từ bỏ vị trí, để thâu tóm toàn bộ quyền lực, nhanh chóng thiết lập cơ chế quân chủ tập quyền, chỉ vài tuần sau lễ đăng quang (năm 1458).

Cuối năm ấy, Matthias triệu tập Quốc hội, lên kế hoạch sẵn sàng cho một cuộc chiến chống lại Ottoman. Song, âm mưu phản loạn của 30 bá tước - những người kêu gọi sự hậu thuẫn từ Đế chế La Mã thần thánh - đã ngăn cản ông thực hiện kế hoạch đó. Matthias phải trở về Buda.

Quân đội hoàng gia non trẻ của ông thua trận, nhưng các nỗ lực ngoại giao đã bảo vệ được ngai vàng. Với mục tiêu chung chống quân Ottoman "ngoại đạo", Giáo hoàng đứng ra hòa giải Matthias và Hoàng đế La Mã Frederick III.

Phải đến năm 1462, sau rất nhiều cuộc đàm phán căng thẳng và những thỏa thuận rắc rối, vương miện nước Hung mới chính thức được Đế chế La Mã thần thánh trao cho Matthias. Cũng năm ấy, Hoàng đế Ottoman Mehmed II xua đại quân tiến vào Wallachie (vùng lãnh thổ phía Đông Nam nước Hung, nay thuộc Romania).

Đạo quân Đen

Fekete sereg ra đời từ quãng thời gian ấy. Mốc thời gian chính xác mà nó bắt đầu hiện hữu được các sử gia phương Tây ghi nhận là năm 1458, nghĩa là ngay khi Matthias vừa lên ngôi. Trong thời điểm đó, khắp cựu lục địa, các thế lực đều sử dụng lính đánh thuê, nhưng với tính chuyên nghiệp còn rất hạn chế.

Trong những lúc không có chiến tranh (nghĩa là không có thu nhập từ chiến tranh), đám lính ấy phải làm bánh, cày ruộng hay làm thợ… Nói cách khác, họ chỉ trở thành chiến binh theo thời vụ.

Matthias thì khác. Tri thức quân sự tích lũy được từ thời thơ ấu đã giúp ông nhận ra vai trò quyết định của một đội quân chuyên nghiệp.

Lính Fekete Serog không cần phải làm thêm bất cứ nghề gì để kiếm sống, bởi họ được trả lương hậu hĩnh, chỉ để toàn tâm toàn ý đáp ứng những mệnh lệnh từ chủ nhân của mình. Nếu một lính đánh thuê trung bình chỉ nhận khoảng 3 florin vàng/năm, thì lính Fekete sereg được trả từ 17-20 florin. Họ, không chỉ vậy, còn được trang bị những thứ vũ khí hiện đại nhất thời bấy giờ.

Trong thời điểm cực thịnh, cứ bốn người lính của Đạo quân Đen thì có một súng trường. Họ cũng được rèn luyện kỹ càng về các lý thuyết cũng như kỹ thuật tác chiến. Họ được chuyên biệt hóa thành bộ binh, khinh kỵ binh và kỵ binh nặng, với trang bị riêng phù hợp cho từng nhiệm vụ.

Để đạt được điều đó, trong cả đời làm vua của mình, Matthias đã luôn luôn làm cạn kiệt Quốc khố nước Hung, và làm khánh kiệt nhân dân Hung bằng những khoản thuế kinh khủng. Nhưng, bù lại, sự "hoang phí" đó được tưởng thưởng xứng đáng bằng hàng loạt chiến công oanh liệt.

Chiến thuật trên chiến trường của Đạo quân Đen được đích thân Matthias mô tả, trong bức thư gửi người cha vợ - vua Ferdinand I của xứ Naples - vào những năm 1480: "Lính mang giáp dày và khiên nặng sẽ tạo nên một chiến lũy, nhằm che đỡ cho cả bộ binh lẫn xạ thủ. Họ không bao giờ từ bỏ vị trí của mình, cho dù có bị tàn sát đến người cuối cùng. Bộ binh được trang bị nhẹ hơn sẽ cố gắng đột phá khi xung phong. Nếu mỏi mệt hoặc gặp nguy hiểm, họ sẽ trở về nghỉ ngơi hoặc ẩn náu sau bức tường đó, để tái tổ chức và hồi phục, sẵn sàng cho những đợt tấn công tiếp nối".

Cuối cùng, kỵ binh nhẹ đảm nhiệm vai trò đánh vu hồi tạt sườn, và kỵ binh nặng hủy diệt thế trận của kẻ thù.

Đó là cách Fekete sereg đã tạo nên chiến công oanh liệt nhất của họ - trận Breadfiled. Đại quân Ottoman, có cả thần công hỗ trợ, đã bất lực trong việc lay chuyển thế trận của quân Hung, để rồi bị tập kích từ mọi hướng, bị làm cho tán loạn đội ngũ, và bị giày xéo bởi kỵ binh nặng. Ước tính khoảng 15000 lính Thổ Nhĩ Kỳ thương vong trong trận đánh đó. Đổi lại, quân Hung chỉ mất khoảng 3000 người.

Với Fekete sereg, Matthias Corvinus không chỉ chặn đứng đà thôn tính của đế quốc Ottoman. 32 năm làm vua, ông điều động Đạo quân Đen giao tranh với mọi kẻ thù đe dọa quyền lực của mình.

Từ những cuộc trấn áp các quý tộc người Czech, người Moldavia hay người Hussites qua những cuộc chiến tranh với Vương quốc Ba Lan, hầu quốc Saxony, Fekete sereg thậm chí còn nhận lệnh đương đầu với quân đội của Đế chế La Mã thần thánh, còn đánh sang cả khu vực của Giáo hoàng (Papal State, vùng quanh Roma hiện tại), và tấn công xuống tận phía nam nước Cộng hòa Venetia ngày ấy, nghĩa là phía cực nam bán đảo Italia.

Vô số những chiến thắng in dấu trong bước trường chinh ấy, đủ để Matthias nhập thêm bao nhiêu phần đất đai và dân số của châu Âu vào lãnh thổ của mình.

Rất đáng tiếc, sau khi ông mất, ngay lập tức đội quân thiện chiến bậc nhất trong lịch sử châu Âu trung đại ấy, cũng như mọi di sản của ông, lâm vào suy thoái. Vương miện Hungary lại bị giành giật bởi các thế lực chính trị.

Giới quý tộc nước Hung chia thành hai nửa: Nửa vẫn trung thành với nhà Hudyani, nửa quay sang thần phục Đế chế La Mã thần thánh của người Đức.

Cũng có những quý tộc - lãnh chúa - chỉ huy quân đội liên tục đón gió trở cờ, hết theo bên này lại về bên khác. Tình cảnh này kéo dài mãi về sau, và còn được văn hào Hungary Géza Gárdonyi khắc họa sâu đậm trong bộ tiểu thuyết lừng danh Những ngôi sao thành Eger.

Đạo quân Đen, dĩ nhiên, cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Không chỉ vậy, họ còn bị bỏ rơi, và không còn được bảo đảm sự đãi ngộ cao như thời Matthias Corvinus còn sống (500.000 - 600.000 florin vàng/năm cho đạo quân ấy, một số tiền khổng lồ) nữa. Không ít bộ phận trong số họ, khi túng quẫn, trở thành những tên cường đạo đúng nghĩa. Họ đi ăn cướp của nông dân, tu viện, nhà thờ…Hệ quả tất yếu là chất lượng tác chiến của Fekete Sereg cũng nhanh chóng sụt giảm.

Họ vẫn còn hoàn tất được vài chiến thắng cuối cùng, khi chiến đấu với người Đức và người Ba Lan, trước khi hoàn toàn sụp đổ bởi sức tấn công càng lúc càng dữ dội của quân đội Ottoman. Nhưng, chẳng cần đến bất cứ trận đại bại nào làm mốc, sự sụp đổ ấy đã được đánh dấu ngay từ khi Fekete sereg nổi loạn đòi tiền lương của mình, và chính thức bị triều đình ra lệnh giải giáp, cuối năm 1492. Kẻ bị bắt, người trốn thoát, kẻ đi lang thang vô chủ, người lại tìm đường đầu quân cho các lãnh chúa mới...

Một đoạn kết thực sự không tương xứng với danh tiếng cũng như những gì Đạo quân Đen từng thực hiện. Nhưng, điều đó cũng không có gì quá bất hợp lý. Bản chất của một đạo quân đánh thuê cuối cùng cũng đã bộc lộ rõ ràng, khi người duy nhất bảo đảm được quyền lợi cho họ không còn tồn tại.

100 năm sau, và cho đến tận bây giờ, danh tiếng của kỵ binh nặng Fekete sereg bị che mờ bởi một đạo quân khác: khinh kỵ binh Hussar của những người láng giềng Ba Lan…

Vua Matthias Corvinus - cha đẻ của Fekete Sereg.

* Hungary lập quốc còn sớm hơn cả nước Pháp, nước Đức hay nước Ý - những mảnh vỡ từ đế quốc Carolingen rộng lớn của Charlemagne Đại Đế (tiếng Đức: Karl, tiếng Latin: Carolus) người Frank, cũng như những vận động thành lập nhà nước thống nhất trên đảo Anh.

* Chỉ thọ 47 tuổi, nhưng trong thời gian đó, Matthias Corvinus vừa là vua của Hungary, Croatia, Bohemia, vừa là quận công Austria (Áo). Diện tích đất đai mà ông làm chủ khi đó lớn hơn cả lãnh thổ nước Pháp, với số dân đứng hàng thứ ba châu Âu.

* Trong thời gian trị vì, Matthias Corvinus bổ nhiệm và truất quyền tất cả mọi bá tước thừa hành trong triều đình của mình, qua 25 lần triệu tập Diet (một kiểu Quốc hội của nước Hungary cổ).

* Khởi đầu, Fekete sereg chỉ gồm khoảng từ 6000 - 8000 lính đánh thuê. Cho đến ngày ông mất, lực lượng này lên đến 20000 người. Đặc biệt, ở trận đại chiến thành Vienna, Đạo quân Đen xung trận với 20000 kỵ binh và 8000 kỵ binh. Đó là đội quân chuyên nghiệp lớn nhất châu Âu thời điểm đó, hơn cả quân đội của vua Louis XI nước Pháp.

* Kỵ binh nặng của Đạo quân Đen được trang bị một thương dài (có thể tới 4m), một kiếm lớn (có thể dài 130 - 40 cm), cùng những vũ khí cận chiến tùy chọn như chùy, búa, hoặc có thể cả bộ cung tên hay khiên nhỏ.

* Cung được trang bị cho kỵ binh nhẹ của Đạo quân Đen là loại cung truyền thống của người Magyar, có sức đàn hồi cùng uy lực lớn hơn cung của quân đội Ottoman.

Thiên Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/24-vua-matthias-dao-quan-den-512796/