'Vựa lạc' xứ Tuyên được mùa nhờ chăm sóc tốt

Vụ xuân năm nay, nhân dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) trồng khoảng 2.000ha lạc (đậu phộng), chủ yếu là giống lạc L14 nguyên chủng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đầy đủ, đúng thời điểm nên cây lạc ở đây cho sai củ, đạt năng suất cao.

Đưa cơ giới hóa vào trồng lạc

Là "vựa" lạc của huyện, cây lạc đang là cây trồng chủ lực của xã Minh Quang, mỗi năm đem về doanh thu trên 5 tỷ đồng. Năm nay, xã trồng mới 495ha lạc, đạt 100% kế hoạch, đứng đầu toàn huyện Chiêm Hóa về diện tích và thời gian hoàn thành.

Cán bộ UBND xã Minh Quang kiểm tra sâu bệnh trên lạc xuân tại thôn Nà Khau. Ảnh: Lê Duy

Nông dân thôn Bản Cậu, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc. Ảnh: Duy Hùng

Anh Ma Đình Lượng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, do thời tiết diễn biến bất thường nên ngay từ đầu tháng 12 năm Kỷ Hợi, chính quyền xã đã chủ động tuyên truyền bà con về kế hoạch sản xuất lạc xuân, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để làm đất. Đồng thời, xã thực hiện thêm 2ha lạc che phủ nylon tại thôn Nà Mè, do chủ động thời vụ nên hiện cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, cho nhiều củ.

Anh Ma Công Thức (thôn Nà Khau, xã Minh Quang) năm nay trồng 2.000m2 lạc xuân. Anh cho biết, gia đình sử dụng máy làm đất nên tiết kiệm được nhiều thời gian, lạc trồng xong sớm hơn mọi năm khoảng 15 ngày, cây lạc sinh trưởng phát triển tốt, gần như không có sâu bệnh. Lúc cây lạc mới phát triển, thời tiết mưa nhiều và rét đậm, hàng ngày gia đình anh phải phân công nhau ra đồng kiểm tra ruộng lạc, tiến hành làm cỏ, xới đất, bón phân đạm, lân Lâm Thao, kali theo đúng quy trình và theo dõi sâu bệnh gây hại.

Gia đình anh Khổng Thanh Mạnh, thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) thu hoạch lạc.

Sản phẩm lạc nhân Chiêm Hóa.

Những lưu ý khi bón phân NPK Lâm Thao cho cây lạc (Lượng phân bón tính cho 1ha)

- Bón lót khi làm đất: 8 - 10 tấn phân chuồng hoai mục, 200 - 300kg vôi bột, 275 - 415kg NPK-S 5-10-10+7S hoặc 415 - 555kg NPK-S 3-9-6+6S.

- Bón thúc khi cây 3 - 5 lá: 275 - 415kg NPK-S 5-10-10+7S hoặc 415 - 555kg NPK-S 3-9-6+6S.

- Khi cây lạc ra hoa, vãi thêm trên thân lá 200 - 300kg vôi bột.

Lượng phân bón tính cho một sào Bắc Bộ (360m2):

- Bón lót khi làm đất: 300 - 400kg phân chuồng hoai mục, 7 - 10kg vôi bột, 10 - 15 kg NPK-S 5-10-10+7S hoặc 15 - 20kg NPK-S 3-9-6+6S.

- Bón thúc khi cây 3 - 5 lá: 10 - 15kg NPK-S 5-10-10+7S hoặc 15 - 20kg NPK-S 3-9-6+6S.

Nếu trồng lạc có che phủ nylon thì lượng phân bón thúc sẽ bón vào khi rạch hàng, gieo xong sau đó phủ nylon (vụ hè phủ nylon trước, sau đó đục lỗ để gieo).

- Khi cây lạc ra hoa, vãi thêm trên thân lá 7 - 10kg vôi bột.

Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Chẩu Văn Học cho biết, vụ xuân năm nay toàn xã trồng 490ha lạc xuân. Để đảm bảo cho năng suất cao, ngay từ đầu vụ xã đã đôn đốc nhân dân tập trung làm sạch cỏ dại, xới gốc và giặm tỉa bổ sung số lượng cây lạc bị chết. Đồng thời, bón phân hỗn hợp NPK Lâm Thao cho cây trồng theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Bên cạnh đó, vụ lạc xuân năm nay, xã Phúc Sơn còn tiếp tục trồng thử nghiệm 5.000m2 lạc nguyên chủng L14 theo đề tài phục tráng giống lạc L14 nguyên chủng của huyện, đây là tiền đề để cải tạo cơ cấu giống lạc trên địa bàn xã trong tương lai.

Hình thành tổ hợp tác

Để liên kết sản xuất tạo niềm tin cho người dân gắn bó với cây lạc, hiện trên địa bàn xã Phúc Sơn có 2 tổ phát triển sản xuất lạc tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với gần 80 hộ tham gia, diện tích trên 40ha. Các tổ viên tham gia thực hiện đúng quy trình từ mua vật tư, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lạc đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán ra thị trường…

Ông Ma Phúc Khứu - Trưởng phòng NNPTNT huyện đánh giá, vụ xuân năm 2020, ngoài việc tập trung sản xuất lạc tại các xã là "vựa" lạc của huyện, phòng khuyến khích các xã phát triển mô hình lạc che phủ nilon, ứng dụng các mô hình lạc mới vào sản xuất.

Thực tế cho thấy mô hình trồng lạc che phủ nylon có nhiều ưu điểm, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm tốt. Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; rút ngắn được thời gian sinh trưởng...

Được biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã vận động, khuyến khích người dân trồng lạc vụ xuân, vụ mùa và trồng ngô vụ đông, giúp các hộ nông dân trong xã từng bước phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định.

Các xã có diện tích trồng lạc lớn đều phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân bón mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lạc cho bà con nhân dân, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy năng suất lạc ở nhiều cánh đồng đạt 80 tạ lạc tươi/ha, giá bán lạc tươi tại chân ruộng dao động từ 10.500 - 12.000 đồng/kg.n

Theo LÊ DUY - THIÊN NGÂN (Dân Việt)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-vua-lac-xu-tuyen-duoc-mua-nho-cham-soc-tot-a272605.html