Vừa kiếm soát dịch hiệu quả, vừa xem xét nới lỏng một số hoạt động

Các địa phương đặc biệt chú trọng tránh dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế khi dịch đã được kiểm soát nhằm đảm bảo đời sống, kinh tế.

Hướng từ tỉnh Đồng Nai vào Bình Dương đang được lập chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Hướng từ tỉnh Đồng Nai vào Bình Dương đang được lập chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Văn Hướng/TTXVN)

Trước tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, các địa phương đặc biệt chú trọng tránh dịch xâm nhập vào doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế khi dịch đã được kiểm soát nhằm đảm bảo đời sống, kinh tế.

Bình Dương khẩn trương kiểm soát, chặn đứng dịch xâm nhập vào doanh nghiệp

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động các trạm, chốt và tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh triển khai bố trí ba trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đường bộ trên các tuyến giao thông: Quốc lộ 13 (hướng Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương), đường Mỹ Phước-Tân Vạn (hướng Đồng Nai đi về Bình Dương), Quốc lộ 1K (hướng Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương).

Thành phần tham gia tại một trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 gồm lực lượng Công an, Quân sự, Y tế, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, địa phương huy động thêm lực lượng dân quân, dân phòng bố trí tại các trạm.

Bình Dương yêu cầu các ngành chức năng liên quan tập trung các nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát đối với người và phương tiện; kiểm dịch y tế đối với người di chuyển vào tỉnh; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế; phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh thành lập một Tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát lưu động phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông huyết mạch, liên tỉnh trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương thông tin, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, địa bàn tỉnh ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, gồm 3 ca tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An và 5 ca xảy ra tại một công ty ở thành phố Dĩ An.

Đáng chú ý, ngày 9/6, cơ quan chức năng thành phố Thuận An đã phong tỏa một doanh nghiệp để khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1, F2 có liên quan đến bệnh nhân số BN8791.

Bệnh nhân 8791 (sinh năm 1980, ngụ tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), đang làm tài xế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Prestima Việt Nam (phường Bình Hòa, thành phố Thuận An).

Qua truy vết có 22 trường hợp F1 (20 nhân viên công ty, hai nhân viên quán cà phê); 119 trường hợp F2. Được biết, doanh nghiệp trên có 220 lao động và được chia thành nhiều ca để làm việc. Tại thời điểm bị phong tỏa, doanh nghiệp có 75 công nhân đang làm việc. Các công nhân này tạm thời được ở lại tại công ty chờ kết quả xét nghiệm các trường hợp F1, sau đó sẽ có hướng dẫn tiếp theo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Thuận An.

Trước đó, ngày 8/6, tại Công ty Cổ phần Tico (phường An Phú, thành phố Thuận An) có một lao động ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc tại doanh nghiệp này được ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, người này đang cách ly, điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, ở Bình Dương có hai doanh nghiệp, với khoảng 300 lao động bị phong tỏa do liên quan đến dịch COVID-19.

Người từ các địa phương có dịch vào Quảng Ninh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Tính đến 12 giờ ngày 9/6, tỉnh Quảng Ninh đã trải qua 32 ngày không có phát sinh ca mới mắc COVID-19 nào. Hiện, địa bàn tỉnh chỉ còn một bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện số 2.

Quảng Ninh đã mở lại các hoạt động của một số loại hình du lịch, dịch vụ từ trưa 8/6, song vẫn duy trì hoạt động của các chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở các cửa ngõ ra vào tỉnh. Người đến, đi từ các địa phương có dịch muốn vào Quảng Ninh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 5-7 ngày, nhằm giám sát phát hiện các trường hợp liên quan đến các địa phương, các ổ dịch.

Nghe thông tin Quảng Ninh mở cửa các hoạt động du lịch, dịch vụ, ngày 9/6, nhiều người dân từ các địa phương có dịch khi đi đến chốt kiểm soát dịch cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hạ Long-Hải Phòng phải quay đầu trở về, không được vào Quảng Ninh vì không có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Tỉnh Quảng Ninh thông tin, hiện tại tỉnh chỉ mở cửa du lịch đón khách nội tỉnh với điều kiện tất cả các cơ sở hoạt động phải tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Y tế từ nay đến ngày 11/6, làm việc với các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đánh giá an toàn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đề xuất với tỉnh triển khai phương án mở rộng khách du lịch từ các địa bàn an toàn, từ các du khách mạnh khỏe trong cả nước để khôi phục nhanh, mạnh mẽ hoạt động du lịch, dịch vụ trong dịp hè 2021 và thời gian tiếp sau.

Sở Du lịch chủ trì làm việc với chính quyền các địa phương, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Ban Quản lý các khu du lịch, các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, các sản phẩm du lịch đặc sắc, an toàn, hiệu quả, khuyến khích tối đa các tour du lịch cung cấp các dịch vụ trọn gói, bao gồm dịch vụ xét nghiệm mẫu gộp SARS-CoV-2 (giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho du khách kiểm tra sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cộng đồng); công bố rộng rãi các tour, tuyến, các chương trình du lịch an toàn trong toàn quốc trước ngày 11/6.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, sáng 9/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận ủng hộ trực tiếp và thông qua các kênh ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh với tổng số tiền trên 660 triệu đồng.

Trước đó, sau gần nửa tháng phát động, Quỹ này đã tiếp nhận ủng hộ của 172 tập thể, cá nhân với tổng số tiền trên 131 tỷ đồng. Số tiền của quỹ sẽ được sử dụng cho việc mua vaccine, máy thở, trang thiết bị y tế; hỗ trợ các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng và động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn tính mạng, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" để phát triển.

Thanh Hóa: Kiểm soát chặt các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vào địa bàn

Sở Y tế Thanh Hóa cho biết tính đến chiều 9/6, Hệ thống giám sát phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tổ chức cách ly tại nhà, giám sát và lấy mẫu cho 9.973 người đi từ địa phương khác về Thanh Hóa, trong đó có 4.453 người từ Hà Nội, 510 người từ Bắc Giang, 2.926 người từ Bắc Giang, 1.490 người từ Thành phố Hồ Chí Minh...

Công tác phòng dịch tại Công ty TNHH Giày Kim Việt Việt Nam (Nông Cống), Thanh Hóa được công ty thực hiện nghiêm ngặt. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi các thông báo của Bộ Y tế về điểm dịch tễ và mốc dịch tễ mới để có biện pháp kiểm soát, quản lý phù hợp, không để lọt các trường hợp có nguy cơ lây mắc COVID-19 vào địa bàn tỉnh mà không được kiểm soát.

Đồng thời giám sát y tế, theo dõi sức khỏe các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương theo quy định khi tại tỉnh đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Liên quan đến bệnh nhân BN2662 tái dương tính (có địa chỉ tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa), sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện phổi Thanh Hóa, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. sức khỏe ổn định, không có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, tức ngực.

Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đang cách ly, điều trị cho 26 trường hợp có liên quan đến COVID-19, trong đó có một ca dương tính (BN5876) và một ca tái dương tính (BN2662).

Được biết, từ ngày 27/4 đến nay, Hệ thống giám sát tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện giám sát, truy vết được 494 trường hợp F1, 5.525 trường hợp F2 có liên quan đến các thông báo khẩn của Bộ Y tế. Hiện Thanh Hóa đang cách ly tập trung cho 558 trường hợp tại 42 khu cách ly và 115.213 trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.

Đà Nẵng đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện nới lỏng một số hoạt động

Ngày 9/6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, hiện nay trên cả nước, diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Giám đốc Sở Y tế cho hay, hiện chưa có tỉnh, thành nào có thể mua vaccine phòng COVID-19 ngoài nguồn do Bộ Y tế phân bổ về.

Theo đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được chia thành hai đối tượng, gồm đối tượng tiêm miễn phí và đối tượng nằm ngoài Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ.

Đà Nẵng có 300.000 người thuộc đối tượng tiêm miễn phí và 500.000 người không nằm trong Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Đối với 300.000 người thuộc đối tượng tiêm miễn phí, tổng liều tiêm dự kiến hơn 600.000 liều. Tuy nhiên, Sở Y tế mới nhận được kế hoạch phân bổ hơn 33.000 liều.

“Sở Y tế sẽ phân bổ khi có đợt vaccine tiếp theo, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21 của Chính phủ. Sắp tới, ngày 11/6, Đà Nẵng sẽ tiêm vaccine đợt 3”, bà Ngô Thị Kim Yến thông tin.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, qua 1 ngày thành phố nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống dịch COVID-19 và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, Đà Nẵng có bờ biển trải dài, lực lượng quản lý còn mỏng, thành phố đề nghị các địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ đối với ban quản lý, nhắc nhở xử lý nghiêm với người vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Với những quán ăn, cắt tóc, các địa phương phải tăng cường nhắc nhở, kiểm tra, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Ông Lê Trung Chinh giao Sở Y tế, Văn phòng Ủy ban Nhân dân nghiên cứu việc tiếp tục nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, nếu đến ngày thứ 28 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát dịch, ngăn chặn nguồn lây nhiễm bên ngoài vào thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vua-kiem-soat-dich-hieu-qua-vua-xem-xet-noi-long-mot-so-hoat-dong/718813.vnp