'Vua hồ tiêu' và thú chơi tranh

Trụ sở Công ty Phúc Sinh trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1, TPHCM) không khác một gallery thu nhỏ, từng gian phòng, góc làm việc được trang hoàng bởi tranh là tranh. Chủ nhân của công ty và cũng là gallery này - doanh nhân Phan Minh Thông, người được mệnh danh là 'Vua hồ tiêu' đất Việt.

Phòng làm việc Công ty Phúc Sinh tràn ngập tranh

Phòng làm việc Công ty Phúc Sinh tràn ngập tranh

Không chỉ đam mê kinh doanh, ông còn đam mê sưu tầm tranh. Những tác phẩm ông trân quý trong bộ sưu tập của mình đa phần đều là của các họa sĩ trong nước. Ông kể, thú chơi tranh đến với ông rất tình cờ. Khoảng năm 2013, sau khi sửa nhà, thấy nhà rộng và trống vắng, ông quyết định tìm hiểu tranh để mua về treo. Và cũng từ đây bắt đầu một thời kỳ mua - chơi và trả rất nhiều tiền cho tranh.

“Khỏi phải nói, phòng khách và phòng liền kề trở nên đẹp và ấm áp thế nào khi tranh được treo lên. Mọi thứ đều trở nên thẩm mỹ và sang trọng. Tôi thích mê ly và thường ra phòng tranh ngắm, nói chuyện hàng tiếng đồng hồ không chán. Tuy nhiên, những bức tranh đầu tiên của họa sĩ trẻ mà tôi mua khi đó không đắt lắm, cỡ 30-40 triệu đồng/bức” - ông Thông bộc bạch.

Chọn tranh thay hàng hiệu

Sau đó, ông bắt đầu đưa tranh đến công ty, mỗi góc phòng đều được trang trí những bức tranh đầy thi vị. Giới thiệu bức tranh của nữ họa sĩ Hoài Thương, đó là cả một trời hoa đầy sắc màu, có cả tiếng chim hót. Bên cạnh là hai bức của họa sĩ Ðặng Xuân Hòa - họa sĩ rất nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bộ sưu tập tranh của ông Thông lên đến cả trăm bức, với nhiều họa sĩ tên tuổi như Ðỗ Xuân Doãn, Hoàng Ðăng Nhuận, Phạm Luận hay các họa sĩ trẻ như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Ðinh Thúy Hạnh, Trần Ðình Khương… Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Ðông trong những bức tranh như đưa cả tiết trời ngập tràn từng gian phòng.

Các bức tranh do anh Thông sưu tập, tất cả là tranh của họa sĩ trong nước

Nhưng thời điểm đó, ông Thông cho biết vẫn chưa sẵn sàng cho việc mua các tác phẩm đắt tiền. “Tôi chỉ mới bắt đầu khám phá một “chân lý” đơn giản rằng chơi tranh cần có nhiều điều kiện. Ngoài không gian treo, người chơi còn phải có tiền để mua và cuối cùng nhưng rất quan trọng là phải cảm được tranh, hay nói cách khác là thực sự thích tranh” - nhà sưu tầm nói.

Câu chuyện mua hụt tranh khiến vị doanh nhân nhớ mãi: “Khi một bức tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Lưu Hậu ra đời, mặc dù rất thích nhưng giá tranh cao gấp cả chục lần tranh các họa sĩ trẻ. Thế là không mua. Hai tháng sau quay lại, bức tranh đó đã tìm được chủ nhân. Sau lần đó, tôi nghĩ, nếu không mua thì không bao giờ mua được nữa”.

Theo ông Thông, mọi người thường nghĩ chơi tranh rất tốn kém nên chỉ dành cho những người có tiền và cơ bản là mọi người thường nghĩ tranh không thực sự có giá, xét về mặt kinh tế. “Tuy nhiên, khi nhận thức dần được bồi đắp, thay đổi, mọi người nhận ra tranh là một tài sản có giá trị và có tính chuyển đổi cao. Còn về nghệ thuật, đôi khi là vô giá. Không phải hễ sẵn sàng tốn kém và có tiền mà có được tranh đẹp” – CEO Phan Minh Thông nói.

Từ yêu tranh đến kinh doanh tranh

Bán tiêu, bán cà phê nhưng ông chẳng ngờ, có ngày mình còn… bán tranh. “Năm nào Công ty Phúc Sinh cũng in thiếp Chúc mừng năm mới và lễ Giáng sinh để gửi tặng khách hàng. Nhưng một năm loay hoay mãi không tìm ra hình ảnh đẹp. Một ý nghĩ thoáng qua và tôi dùng hình ảnh bức tranh của mình đang có để in thiệp. Thiệp chúc mừng năm mới của Phúc Sinh năm đó tuyệt đẹp, khác biệt so với mọi năm, nên tôi nghĩ từ nay về sau trong các dịp in thiệp hay lịch Tết, Phúc Sinh sẽ chỉ in tranh trong bộ sưu tập của mình. Chúng tôi gửi thiệp tặng cho khách hàng mà không biết rằng, bằng cách này, tôi đã bắt đầu một nghề khác: Nghề bán tranh” - ông nhớ lại.

Có ngày ông bán được đến 3-4 bức, toàn tranh đắt tiền, giá hàng ngàn đô-la. Vì thích thú chơi tranh và bán tranh, ông thuê 50m2 sàn gần công ty để mở gallery cho mình. Thiết kế và lắp đèn lộng lẫy. Ðối tác đến công ty có thể tham quan luôn phòng tranh.

Photo: ..

“Chỉ khi nào người Việt mua tranh của họa sĩ Việt một cách “mạnh tay” như họ mua hàng hiệu, có lẽ lúc đó tranh của chúng ta mới có giá và hiếm được. Cũng chỉ lúc đó, tranh của chúng ta mới được các nhà bán đấu giá coi trọng và đặt giá cao. Hội họa của người Việt mà người Việt không nâng niu, thì ai sẽ làm thay người Việt điều đó?”.

Doanh nhân Phan Minh Thông

Khi bắt đầu chơi tranh, ông bảo mình nghĩ rằng rất ít người Việt quan tâm đến hội họa. Nhưng sau một thời gian, ông nhận ra rằng hình như tỷ lệ cứ 1.000 người Việt thì chỉ có 5 người bỏ tiền chơi tranh, có vẻ vẫn còn… cao.

Vẫn còn nhiều người không coi trọng, chưa hiểu lắm về tranh nên họ không bỏ tiền mua tranh. Có giai đoạn mỹ thuật Việt Nam rất phát triển, ở góc độ “bán được”, nhưng chủ yếu vẫn là bán cho người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, hoặc khách Tây du lịch, phượt ba-lô. Sau này dần có thêm nhiều người nước ngoài như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines cũng bắt đầu mua tranh Việt Nam…

Vị doanh nhân cho rằng, tranh của họa sĩ Việt Nam vẽ không thua tranh các họa sĩ trong khu vực, nhưng tranh của họ có giá cao hơn vì được giới doanh nhân, dân kinh doanh… mua tranh của họa sĩ nước mình. Trong khi tại Việt Nam vẫn cứ trông chờ vào nguồn khách nước ngoài.

Ông Thông cẩn thận, tỉ mỉ nâng niu từng bức tranh. Ðể bảo quản tranh, ở nhà và văn phòng, ông thường để nhiệt độ phòng dưới 27 độ C. Ngoài ra ông cũng mua bảo hiểm cho bộ sưu tập của mình.

Dù đã có một bộ sưu tập khá đồ sộ nhưng ông tự nhận mình vẫn là một người mới bước chân vào con đường chơi tranh. “Có lẽ chỉ có tình yêu với nghệ thuật, từ trong máu hay trong tiềm thức, là có tuổi đời dài lâu” – ông chiêm nghiệm, và cho rằng, chính nghệ thuật đã làm đầy một tâm hồn dễ rung động, vơi những vất vả nơi thương trường, giúp cân bằng giữa lao động cống hiến và hưởng thụ cuộc sống.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/vua-ho-tieu-va-thu-choi-tranh-1734228.tpo