Vừa gặt lúa chạy lũ ngoài đê, người dân ĐBSCL vừa mong có 'lũ đẹp'

Theo ngành chức năng tỉnh An Giang và Đồng Tháp - 2 địa phương đầu nguồn lũ ở ĐBSCL, hiện mực nước đang tăng những vẫn ở dưới mức báo động 1. Các vùng lúa, hoa màu trong đê bao vẫn an toàn.

Mực nước lũ chưa đạt mức báo động 1

Ông Lương Huy Khanh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang thông tin với phóng viên Dân Việt, mực nước hiện nay ở Tân Châu, Châu Đốc chưa đến mức báo động 1. "Mực nước đang lên từ 3-5 cm tùy theo ngày. Dự kiến đến ngày 10.8 tới, do đợt triều cường mới, mực nước sẽ đạt mức báo động 1" - ông Khanh nói.

Một số diện tích lúa trồng ngoài đê bao ở An Giang bị thiệt hại do triều cường kết hợp với mưa lớn kéo dài

Một cán bộ ở Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang giải thích, nếu mực nước ở dưới mức báo động 1 gọi là lũ nhỏ, ở mức báo động 2 mới là "lũ đẹp". Nếu đến mức báo động 3, thì sẽ ảnh hưởng đến đê bao, gây thiệt hại đến tài sản của người dân.

Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp thì hiện nay mực nước lũ trên địa bàn tỉnh chưa đạt mức báo động 1. Dự kiến, ngày 10.8, mực nước mới có thể đạt mức báo động 1 do ảnh hưởng bởi đợt triều cường mới.

"Hiện mỗi ngày, mực nước tăng lên xấp xỉ là khoảng 10cm nhưng so với cùng kì năm 2017 vẫn chưa bằng, ở khu vực trung tâm huyện Cao Lãnh thấp hơn 14cm, ở nội đồng thấp hơn 10cm so với cùng kì. Tới ngày 10.8 tới, theo chu kỳ sẽ có đợt triều cường mới, mực nước sẽ lên nhưng lúc này áp lực nước từ thủy điện về không còn nữa" - Ông Nguyễn Văn Công - Giám đóc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Vùng ngoài đê bao đã bị thiệt hại

Theo phóng viên tìm hiểu, liên quan đến mực nước lũ đang lên trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy An Giang vừa phối hợp với ngành chức năng có liên quan kiểm tra tình hình sản xuất lúa, hoa màu tại một số địa phương. Theo đó, đoàn kiểm tra ghi nhận, nước còn ít, hệ thống bờ bao chưa bị đe dọa. Tuy nhiên, những diện tích gieo trồng ngoài đê bao bị thiệt hại do triều cường kết hợp với mưa lớn kéo dài trong thời gian qua.

Các địa phương luôn theo dõi sát tình hình mực nước để cảnh báo sớm cho người dân

Trong đợt kiểm tra trên, Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các ngành chuyên môn nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ người dân có lúa, hoa màu bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, sau chỉ đạo trên, nơi đây sẽ tiến hành thống kê và có mức hỗ trợ theo từng trường hợp cụ thể.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến thời điểm này, các đê bao vẫn an toàn, vùng lúa và hoa màu trong đê không bị đe dọa. Tuy nhiên, những khu vực ven sông, ngoài đê con trồng thêm có bị ảnh hưởng bởi triều cường.

Thông tin với phóng viên Dân Việt, ông Công cho biết thêm: "Những diện tích hoa màu, lúa ở ngoài đê bao nếu bị thiệt hại sẽ không được hỗ trợ".

Ông Nguyễn Hoàng Nhung - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, đến nay, 2/3 diện tích lúa đã được thu hoạch, nước có dâng lên nhưng ở mức thấp. Địa phương luôn theo dõi sát tình hình mực nước để phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra.

Đến nay, An Giang có 172.300ha chưa thu hoạch, trong có 154.500ha nằm trong đê bao được sản xuất 3 vụ, khoảng 18.000ha nằm trong vùng đê bao sản xuất 2 vụ. Riêng ở huyện đầu nguồn An Phú có 40ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao bị mất trắng.

Còn ở Đồng Tháp, một số địa phương thuộc huyện Hồng Ngự có nhiều diện tích hoa màu (bắp, đậu phộng, củ sắn) bị nước nhấn chìm dù chưa đến ngày thu hoạch.

Huỳnh Xây

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/vua-gat-lua-chay-lu-ngoai-de-nguoi-dan-dbscl-vua-mong-co-lu-dep-900555.html