'Vua điều' thoát hiểm trong gang tấc

Ông lớn Lafooco từng có thời điểm đứng bên bờ vực phá sản.

Lafooco từng giữ vị trí hàng đầu trong ngành điều Việt Nam nhưng những tính toán sai lầm về mặt chiến lược đã xóa đi mọi thành quả xây dựng trước đó. Giờ đây, Lafooco đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang dựa trên những bài học kinh nghiệm quá khứ để không lặp lại các bước đi sai lầm.

Sở hữu nhiều cái nhất

Trong quá khứ, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) đã sở hữu nhiều cái nhất trong ngành điều Việt Nam. Đặc biệt đây là một doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu với năng lực sản xuất chế biến điều rất lớn và tạo dựng được thương hiệu trên thị trường nước ngoài.

Lafooco cũng là một trong những công ty tiên phong nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi về chế biến xuất khẩu khi vùng nguyên liệu tại Việt Nam không cung cấp đủ nhu cầu. Đây cũng chính là bệ đỡ cho sự tăng trưởng vượt bậc của Lafooco nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân đẩy doanh nghiệp rơi vào bờ vực phá sản.

Cụ thể, có thời điểm các hợp đồng ký kết trước đó với đối tác nước ngoài (xuất khẩu hàng ra nước ngoài) đã xác định giá nên không thể đàm phán lại. Điều này có nghĩa rằng càng xuất khẩu, Lafooco càng lỗ nặng. Có một giải pháp là dừng giao hàng cho bạn hàng nhưng đồng nghĩa uy tín đã xây dựng hàng chục năm cũng trôi theo.

Trong bối cảnh đó, nguồn nguyên liệu châu Phi là “cứu tinh” cho Lafooco, đồng thời mang lại các giá trị lợi ích kinh doanh rất lớn. Trong suốt giai đoạn từ năm 2006 đến 2011, doanh thu của công ty tăng từ 500 đến gần 1.000 tỉ đồng, lợi nhuận cũng gia tăng tương ứng.

Mặt khác, với nguồn nguyên liệu mới và dồi dào, Lafooco đã thực hiện chiến lược mua về dự trữ và bán dần trong cả năm. Bởi vì ban lãnh đạo Lafooco khi đó luôn tin rằng giá xuất khẩu luôn cao hơn giá nguyên liệu và điều này đã được minh chứng trong một giai đoạn rất dài.

Việt Nam là nước giữ vị trí số một thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều, riêng năm 2017 kim ngạch lên đến 3,52 tỉ USD. Trong ảnh: Khách nước ngoài đang tìm hiểu điều Việt Nam. Ảnh: TL

Việt Nam là nước giữ vị trí số một thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều, riêng năm 2017 kim ngạch lên đến 3,52 tỉ USD. Trong ảnh: Khách nước ngoài đang tìm hiểu điều Việt Nam. Ảnh: TL

Cú đảo chiều bất ngờ

Thế nhưng đến năm 2012, mọi thứ đột ngột đảo chiều. Giá nguyên liệu giảm mạnh đồng thời đẩy giá nhân điều giảm theo, trong khi đó Lafooco đã tích trữ một lượng lớn nguyên liệu mua với giá cao trước đó. Hệ quả không quá khó đoán: Lafooco lỗ 152 tỉ đồng, mất gần hết vốn điều lệ, không thể phục hồi được kinh doanh những năm sau đó.

Lafooco đã tránh được tình trạng phá sản nhờ vào việc Tập đoàn PAN mua lại và thực hiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện, cũng như đưa vào các nguồn lực tài chính và nhân lực điều hành mới.

Ông Nguyễn Duy Tuân, nguyên Tổng Giám đốc Lafooco, thừa nhận ngành điều có sự lệch pha giữa việc mua nguyên liệu và bán sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp thường mua nguyên liệu vào đầu năm do đây là thời điểm thu hoạch nhưng bán hàng mạnh lại rơi vào cuối năm. Khoảng thời gian chờ bán là thời điểm trữ hàng.

Từ đây có hai vấn đề xảy ra: Các doanh nghiệp ngành điều thường kỳ vọng mua được nguyên liệu giá rẻ và bán được giá cao trong tương lai; có khi bán trao tay nguyên liệu chứ không cần làm ra sản phẩm nhân điều để bán, đem lại lợi nhuận rất lớn. Ngược lại, giá giảm thì rủi ro không kém và chính Lafooco đã rơi vào trường hợp này.

Cuộc chơi điều hữu cơ

Sau hơn ba năm đổi chủ mới, Lafooco đã có những tín hiệu lạc quan. Các chỉ số tài chính bắt đầu tốt lên, doanh thu gia tăng, khoản lỗ nặng nề đã biến mất, nhường cho các khoản lợi nhuận tăng trở lại.

Bệ đỡ cho điều này chính là không còn việc đánh cược với thị trường bằng trò chơi đầy may rủi đầu cơ nguyên liệu. Ban điều hành mới của Lafooco đã triển khai chiến lược kinh doanh cẩn trọng: Sử dụng các hợp đồng phái sinh (mua hoặc bán tài sản vào một ngày trong tương lai với giá đã thỏa thuận ở thời điểm hiện tại) để mua nguyên liệu nhằm tránh gây tổn thất một khi thị trường có biến động.

Một loạt giải pháp khác cũng được đưa ra như đầu tư mạnh cho công nghệ để tăng năng suất, tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường cho các mặt hàng giá trị gia tăng. Lafooco cũng chấp nhận biên lợi nhuận thấp đi một chút bằng việc ký kết hợp đồng cùng lúc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

“Chúng tôi hiện nay đang tạo dựng ra một câu chuyện đặc sắc cho ngành điều Việt Nam nhằm phát triển mạnh mẽ sản phẩm hạt điều chế biến sâu chứ không phải xuất thô như trước” - ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN, đơn vị sở hữu Lafooco, cho biết.

Câu chuyện mà ông Hưng đề cập chính là Lafooco đã xây dựng thành công hơn 500 ha vùng trồng điều hữu cơ tại Bù Đăng, Bình Phước. Toàn bộ vùng trồng này đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU.

“Việc chọn một khu vực xa xôi tại tỉnh Bình Phước để xây dựng vùng trồng điều hữu cơ do vùng đất này còn nguyên sơ, chưa bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực để sản xuất được điều hữu cơ” - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, điều hữu cơ sẽ giúp công ty mở rộng thị trường trên thế giới và tiếp cận đến nhóm khách hàng có thu nhập cao. Có điều thời gian đầu nguồn cung điều hữu cơ còn chưa lớn nên chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường châu Âu như Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp và Đan Mạch, vốn có các yêu cầu chất lượng thực phẩm nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, Lafooco sẽ đưa điều hữu cơ đến thị trường Mỹ, Canada và Úc cũng như Dubai và Hong Kong. “Trên bệ đỡ điều hữu cơ, chúng tôi sẽ tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi trong tương lai” - ông Hưng nói.

Linh hoạt trong chiến lược kinh doanh

Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt nhận xét: Lafooco là công ty có năng lực chế biến lớn trong ngành điều, ban lãnh đạo công ty linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và tìm được lối đi riêng để tối ưu hóa lợi nhuận. Mặt khác, Lafooco có nhiều khách hàng truyền thống, mạng lưới các nhà cung ứng nguyên liệu và gia công cho công ty khá ổn định.

“So với các đơn vị khác trong ngành, lợi thế của Công ty Lafooco là cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, đội ngũ nhân viên có trình độ nghiệp vụ, am hiểu ngành nghề và nhiều năm kinh nghiệm” - chứng khoán Bảo Việt nhận xét.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/vua-dieu-thoat-hiem-trong-gang-tac-808939.html