Vừa cõng lương thực vừa mở đường cứu nạn tại Phước Sơn

Trong cuộc họp khẩn vào sáng 31-10, Sở chỉ huy tiền phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam quyết định triển khai lực lượng tại chỗ để cõng lương thực, thực phẩm vào các khu vực đang bị chia cắt cho người dân, kết hợp lên phương án tìm kiếm 6 nạn nhân mất tích còn lại. Cùng với đó, Sư đoàn Không quân 372 cũng sẵn sàng phương án bay cứu trợ khi thời tiết thuận lợi.

Hàng hóa tập kết tại xã Phước Công để cõng vào cho người dân bị cô lập tại xã Phước Lộc

Hàng hóa tập kết tại xã Phước Công để cõng vào cho người dân bị cô lập tại xã Phước Lộc

Người dân cõng gạo từ xã Phước Công vào Phước Lộc.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ cho biết, dù BCH Quân sự H. Phước Sơn đã huy động bộ đội sẵn sàng lập các trạm trung chuyển trên tuyến đường để cõng gạo, nhu yếu phẩm cho bà con các xã bị cô lập, nhưng với địa hình phức tạp và thời tiết bất lợi, lực lượng tại chỗ như thanh niên xung kích, dân quân địa phương và người dân có kinh nghiệm sẽ dễ thực hiện hơn.

Lên phương án tiếp tế lương thực, hỗ trợ người dân các xã bị cô lập của H. Phước Sơn.

Theo ông Hà, do đường DH1 lên xã Phước Thành gần như bị tê liệt hoàn toàn, phải mất 2-3 tháng mới có thể khôi phục nên bằng mọi giá phải thông đường DH3 để cõng hàng tập kết từ xã Phước Công lên xã Phước Lộc, từ đó trung chuyển về cho dân các thôn bị cô lập. “Chỉ có người địa phương mới có kinh nghiệm về đường sá, kể cả các lối mòn cắt núi. Đến đoạn nào gặp sông suối thì không băng qua mà làm ròng rọc, dây cáp chuyển hàng. Bên kia tiếp nhận và tiếp tục cõng những chặng còn lại. Lương thực cho bà con là rất cần nhưng an toàn cho người vận chuyển phải được coi trọng. Nhiệm vụ này cấp bách nhưng phải thật cẩn trọng”, ông Hà nhấn mạnh.

Hàng hóa đã tập kết tại Sân bay Đà Nẵng nhưng Sư đoàn 372 chưa thể bay cứu trợ do thời tiết bất lợi. Phương án hiện tại là phải cõng hàng theo đường bộ.

Thượng tá Lê Trung Thành – Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án này và yêu cầu hôm nay phải tập kết hàng hóa tại xã Phước Công để bắt đầu vận chuyển. “Tổ chức theo từng điểm, từng bộ phận theo trạm, liên lạc chặt chẽ để vừa cõng hàng vừa trinh sát mở đường”. Đối với các công nhân đang mắc kẹt tại Thủy điện Đắk Mi 2, Thượng tá Lê Trung Thành yêu cầu chủ đầu tư phải đưa ra an toàn và nhanh nhất thay vì đề xuất phương án để lại một số người trông coi tài sản.

BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư Thủy điện Đắk Mi 2 phải đưa hết công nhân ra khỏi vùng nguy hiểm.

“Làm sao đó thì làm, thủy điện Đắk Mi 2 phải đưa hết người ra khỏi công trình. Tính mạng con người là trên hết chứ không thể lấy cớ trông coi tài sản để bắt công nhân ở lại. Mất an toàn, sự cố xảy ra là khởi tố hình sự chứ không phải chuyện đơn giản”, Thượng tá Thành cương quyết.

Để đảm bảo triển khai phương án phối hợp cõng lương thực cho người dân phối hợp trinh sát mở đường vào xã Phước Lộc, Đại tá Trương Quang Nhạn – Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 yêu cầu các lực lượng phải đảm bảo tốt công tác chỉ huy và thông tin. Hàng tới đâu, người tới đâu, địa hình địa vật các khu vực đã đi qua để tạo thuận lợi cho tuyến sau, như vậy mới hiệu quả, sử dụng tốt con người và phương tiện. “Bằng mọi giá, các lực lượng phải sớm kết nối thông tin đến xã, đến thôn. Chỉ khi thông tin đảm bảo thì các phương án mới thực hiện hiệu quả và an toàn”, Đại tá Trương Quang Nhạn yêu cầu.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_233809_vua-cong-luong-thuc-vua-mo-duong-cuu-nan-tai-phuoc.aspx