'Vua cá' Hùng Vương lỗ hơn 700 triệu đồng mỗi ngày

Công ty Cổ phần Hùng Vương, doanh nghiệp gắn liền với biệt danh 'vua cá', vẫn chưa qua khỏi những ngày khó khăn khi lỗ ròng 134 tỷ đồng sau nửa năm tài chính 2019.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo tiếp tục duy trì diện kiểm soát với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hùng Vương sau khi nhận được báo cáo tài chính bán niên riêng và hợp nhất đã kiểm toán của doanh nghiệp trong năm tài chính 2019. Lý do là công ty do ông Dương Ngọc Minh làm chủ tịch và tổng giám đốc tiếp tục thua lỗ.

Ngoài ra, cổ phiếu của Hùng Vương cũng tiếp tục bị duy trì trong diện kiểm soát đặc biệt vì 6 lần bị nhắc nhở chậm công bố thông tin báo cáo tài chính từ tháng 5/2018 đến nay.

Sau 6 tháng đầu tiên của niên độ tài chính 2019 (từ ngày 1/10/2018 đến 31/3/2019), doanh thu thuần hợp nhất của Hùng Vương là 2.885 tỷ, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Dù có lợi nhuận gộp tăng lên 320 tỷ, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018, Hùng Vương cũng tăng thêm khoản lỗ ở các công ty liên doanh, liên kết (43 tỷ so với 11 tỷ), chi phí quản lý doanh nghiệp (159 tỷ so với 122 tỷ). Rốt cục, doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 120 tỷ.

Năm tài chính 2014 của Hùng Vương kéo dài từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2014, 2015 từ ngày 1/1 đến 30/9, các năm sau đó từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau.

Năm tài chính 2014 của Hùng Vương kéo dài từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2014, 2015 từ ngày 1/1 đến 30/9, các năm sau đó từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau.

Kết quả kinh doanh hợp nhất của Hùng Vương lỗ ròng 134 tỷ đồng sau hai quý, tương ứng với số lỗ 736 triệu đồng mỗi ngày. Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ thuần 112 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31/3, Hùng Vương đã lỗ 528 tỷ.

Theo kiểm toán, các khoản lỗ của Hùng Vương cộng với khoản vay ngân hàng Vietcombank trị giá 602 tỷ đến hạn chưa được thanh toán cho thấy "sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".

Trước đó, báo cáo tài chính bán niên 2019 do Hùng Vương tự lập lại thể hiện nhiều kết quả khả quan như lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 33 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 28 tỷ.

Trong văn bản giải trình về việc các chỉ tiêu kinh doanh bị thay đổi "chóng mặt" sau khi kiểm toán, Hùng Vương cho biết chi phí tài chính tăng 16 tỷ do trích lập thêm chi phí lãi vay; lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết tăng 36 tỷ do ghi nhận các khoản lỗ theo tỷ lệ sở hữu; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 119 tỷ do trích lập bổ sung các khoản dự phòng phải thu khó đòi.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, giá cổ phiếu HVG của Hùng Vương giảm xuống mốc 2.900 đồng, mức thấp nhất từ tháng 8/2018. So với thời điểm đầu tuần trước khi công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, cổ phiếu HVG đã mất 17% giá trị. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp theo đó "bốc hơi" 131 tỷ, hiện chỉ còn 644 tỷ đồng.

Biến động giá của cổ phiếu Công ty Cổ phần Hùng Vương từ đầu năm 2019. Ảnh: VnDirect.

Xuân Hải

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vua-ca-hung-vuong-lo-hon-700-trieu-dong-moi-ngay-post956964.html