'Vua Bibi' - thiên tài chính trị hay kẻ phá hủy Israel?

Tài năng chính trị của Benjamin Netanyahu giúp Israel phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua nhưng đồng thời cũng tạo ra những rắc rối và rủi ro bên trong đất nước.

Những người hâm mộ gọi ông là “Ảo thuật gia”, “Người chiến thắng” và tước hiệu tối thượng Melekh Yisrael (“Vua của Israel”). Benjamin Netanyahu là chính trị gia tài năng nhất Israel trong một thế hệ.

Ông là thủ tướng phục vụ lâu thứ hai của đất nước. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thứ năm vào ngày 9/4, ông có thể đánh bại kỷ lục của người sáng lập đất nước này, cố Thủ tướng David Ben Gurion.

Tầm ảnh hưởng của “Bibi”, biệt danh của Netanyahu, vượt ra ngoài Israel. Nổi lên giữa Trung Đông hỗn loạn, ông là hiện thân cho thứ chính trị dân tộc chủ nghĩa cơ bắp, chủ nghĩa sô vanh và sự phẫn nộ của giới tinh hoa từ lâu trước khi chủ nghĩa dân túy trở thành thế lực toàn cầu.

Các bạn bè và đồng minh của ông bao gồm các chính trị gia dân túy như Donald Trump, Narendra Modi, Viktor Orban ở Hungary đến Matteo Salvini ở Italy.

Sự trị vì của Vua Bibi là câu chuyện ngụ ngôn về chính trị hiện đại: sự trỗi dậy của chính trị gia tài năng và thành công lâu dài dựa trên sự pha trộn phức tạp giữa thực hiện các chính sách tốt và tạo ra những chia rẽ cay độc.

Khi quyền lực bị đe dọa, ông chuyển sang chống lại báo chí tự do, lực lượng tư pháp và những thế lực trong bóng tối. Hiện tại, Bibi phải đối mặt với nguy hiểm lớn nhất là những cáo buộc hình sự về tội tham nhũng.

Nếu ở thời đại khác, ông đã phải từ chức và tự bảo vệ mình như một công dân bình thường. Nhưng ông có ý định tiếp tục nắm quyền và hy vọng các cử tri sẽ cứu ông khỏi tay cảnh sát, công tố viên và thẩm phán.

Chính trị Israel đang biến thành cuộc ganh đua giữa một bên là thành tựu thực sự và sự mị dân, còn bên kia là nền pháp quyền.

Netanyahu đã giữ cho Israel thịnh vượng và an toàn. Ông sử dụng sức mạnh quân sự mà không bị cuốn vào các cuộc chiến. Ông cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng thù địch một thời và có được sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo thế giới. Đất nước của ông đầy mạnh mẽ.

Nhưng sự quản lý đất nước của Netanyahu không đủ để đánh giá ông. Các phương tiện mà ông sử dụng để giành chiến thắng và duy trì quyền lực cũng là những yếu tố quan trọng. Chúng đã khiến Israel trở nên chia rẽ hơn và theo một cách nào đó suy yếu đi.

Thời gian hoạt động ngoại giao tại Mỹ đã giúp Netanyahu thành thạo các kỹ năng cần thiết của một chính trị gia hiện đại. Khi trở về Israel năm 1988 để giành một ghế trong Quốc hội, Netanyahu đã quyến rũ báo chí bằng tài hùng biện của mình.

Những bài phát biểu hùng hồn và chuyên môn về truyền thông của ông góp phần vào bốn chiến thắng bầu cử giúp ông trở thành thủ tướng từ năm 1996 đến 1999 và từ năm 2009 đến nay.

Không ngạc nhiên khi Netanyahu và đảng Likud của ông rất được lòng chính quyền Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump. Khi đến Washington vào ngày 24/3, Netanyahu được đối xử như hoàng gia. Ông Trump tặng ông một món quà tuyệt vời: công nhận của Mỹ đối với việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan lấy từ Syria trong cuộc chiến Arab - Israel năm 1967.

Sự hào phóng này sẽ góp phần tăng ưu thế cho đảng diều hâu Likud của ông Netanyahu trong cuộc chạy đua với đảng Xanh và Trắng do cựu tham mưu trưởng quân đội Israel Benny Gantz lãnh đạo.

Hành động của ông Trump cũng thể hiện sự ủng hộ đối với chính trị gia tương đồng về phong cách. Ông Netanyahu là người tiên phong của sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy chống giới tinh hoa.

Ông gọi các đối thủ là mối đe dọa đối với an ninh Israel và thúc đẩy nỗi sợ hãi về sự xâm lấn của người Arab. Ông đổ lỗi cho báo chí cánh tả và giới tinh hoa cấp tiến về những rắc rối pháp lý của mình. Ông nói rằng mình bị vây hãm bởi những cuộc săn phù thủy và tin giả.

Những người ủng hộ Netanyahu coi ông như một chính khách không thể thay thế, người đã đạt được những thành tích đáng nể, nổi bật nhất là việc chống lại Iran và kìm hãm xung đột giữa Israel và người Palestine.

“Với tất cả kinh nghiệm và hiểu biết của mình, Netanyahu là nhà lãnh đạo mà Israel không thể từ bỏ”, Ronen Sharabi, một giáo viên từ Rosh Ha’ayin, miền Trung Israel, và là người ủng hộ của đảng Likud, nói.

Tuy nhiên, các đối thủ của Netanyahu cho rằng cách làm chính trị của ông đang đẩy tương lai của Israel tới rủi ro. Ông đã không làm gì để giải quyết vấn đề cơ bản của Israel: họ không thể mãi mãi giữ quyền kiểm soát vùng đất từ Jordan tới Địa Trung Hải.

Thay vào đó, Netanyahu củng cố hiện trạng. Ông phong tỏa rắc rối ở Gaza, nơi hai triệu người sống dưới sự áp bức của tổ chức Hồi giáo vũ trang Hamas. Khi sự chiếm đóng tạm thời trở thành cuộc chinh phạt vĩnh viễn, sự cai trị của Israel đối với Bờ Tây bắt đầu bị so sánh với chế độ apartheid ở Nam Phi.

Khi những thành viên quá khích trong Quốc hội kêu gọi thôn tính các lãnh thổ bị chiếm đóng, ông kháng cự ở mức độ nào đó nhưng gần như không hề nỗ lực để đảo ngược điều này.

Những cáo buộc tham nhũng là một đợt tấn công khác. Netanyahu bị truy tố về tội nhận hối lộ và lừa đảo trong ba cuộc điều tra và đang chờ xét xử.

Trong vụ đầu tiên, ông bị buộc tội nhận những món quà đắt tiền từ những người bảo trợ giàu có (điều mà ông thừa nhận) để đổi lấy sự ủng hộ chính trị (điều mà ông phủ nhận).

Vụ thứ hai dựa vào một bản ghi âm trong đó ông nói với chủ một tờ báo rằng ông sẽ loại bỏ đối thủ cạnh tranh của họ để đổi lấy các tin tức tốt về mình.

Trong vụ thứ ba, ông bị cáo buộc can thiệp vào các quyết định pháp lý thay mặt cho Bezeq, công ty viễn thông sở hữu một trong những trang web lớn nhất của Israel, để đổi lấy sự bảo trợ về truyền thông.

Sau đó là thương vụ tàu ngầm. Anh họ của Netanyahu, người là luật sư và cựu chánh văn phòng của ông, cùng một số người khác bị bắt trong cuộc điều tra về các hợp đồng được trao cho ThyssenKrupp, tập đoàn cung cấp tàu ngầm cho cả Israel và Ai Cập.

Ông Netanyahu đã thúc đẩy các lực lượng vũ trang mua tàu ngầm và chấp thuận việc bán cho Ai Cập mà không hỏi ý kiến bộ trưởng quốc phòng hoặc chỉ huy quân đội.

Phe đối lập lưu ý rằng ông từng sở hữu cổ phần trong nhà cung cấp của ThyssenKrupp và cho rằng ông có thể thu lợi từ các thỏa thuận. Ông Netanyahu bác bỏ tất cả cáo buộc và nói rằng chúng chỉ nhằm gây chia rẽ và ngờ vực.

Sự chia rẽ là công cụ mà Netanyahu đã sử dụng từ những ngày đầu lãnh đạo đảng Likud vào những năm 1990. Với tư cách thủ lĩnh Likud, ông tham gia vào các cuộc mít-tinh nơi người biểu tình mô tả Thủ tướng Yitzhak Rabin là một tên phát xít trong tầm ngắm của một khẩu súng.

Khi thủ tướng bị một người Do Thái quá khích ám sát vào năm 1995, phu nhân Leah đã từ chối bắt tay Netanyahu tại lễ tang nhà nước. “Ông ta không nói một lời khi Yitzhak bị gọi là ‘kẻ giết người’ và ‘kẻ phản bội’. Tôi sẽ không tha thứ cho ông ta chừng nào tôi còn sống”, bà nói.

Sau sự đau buồn dành cho nhà lãnh đạo ngã xuống, người Israel dành cảm tình cho ứng viên Shimon Peres của đảng Lao động, người kế nhiệm Rabin, trong chiến dịch tranh cử thủ tướng đầu năm 1994. Tuy nhiên, làn sóng đánh bom tự sát mà Hamas chịu phần lớn trách nhiệm đã thay đổi tâm trạng cử tri.

Netanyahu đưa ra các quảng cáo tranh cử với hình ảnh Peres bắt tay Yasser Arafat, chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine, và đưa ra cáo buộc vô căn cứ rằng Peres muốn chia cắt Jerusalem. Ông thắng cử với chưa đầy một điểm phần trăm.

Trong cuộc bầu cử sau đó vào năm 1999, chiến thuật này đã trở thành thương hiệu chính trị của Netanyahu. Những cử tri từ các tôn giáo bảo thủ và tầng lớp lao động, những người nhập cư nói tiếng Nga và người Do Thái Mizrahi (những người có nguồn gốc nhập cư từ thế giới Arab) đã ủng hộ Likud kể từ khi thành lập.

Tuy nhiên, trong khi các lãnh đạo đảng trước đó, bao gồm cả người sáng lập Menachem Begin, kêu gọi các nhóm này với lý do đoàn kết quốc gia, Netanyahu làm điều ngược lại.

Khi bị buộc phải tổ chức bầu cử sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông mô tả chính mình, giống như họ, là nạn nhân của giới tinh hoa.

“Những người giàu có, những nghệ sĩ... những người ưu tú. Họ ghét tất cả mọi người. Họ ghét người dân. Họ ghét người Mizrahi, họ ghét người Nga, ghét bất cứ ai không phải là họ”, ông nói với những người ủng hộ.

Ông cáo buộc truyền thông âm mưu với cánh tả để hạ bệ ông và kêu gọi đám đông hô vang “Họ đang sợ”.

Iran là nỗi ám ảnh của Netanyahu. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2018, ông đề cập đến đất nước này gần 60 lần. Ông nói rằng Israel sẽ làm bất cứ điều gì cần làm để tự vệ trước sự xâm lược của Iran.

Ông phản đối kịch liệt thỏa thuận mà Iran đàm phán với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU), trong đó Iran đã kiềm chế tham vọng hạt nhân và cho phép thanh tra chương trình của nước này để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Năm ngoái, ông rất vui mừng trước quyết định của ông Trump để rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà không đưa ra bất kỳ sự thay thế nào. Các học giả gọi chiến lược của Netanyahu là “chủ nghĩa phản giải pháp”.

Để đối phó với người Palestine, ông dùng cách thức tương tự. Ông tìm cách thuyết phục người Israel rằng cuộc xung đột có thể quản lý nếu giao trách nhiệm đó cho người phù hợp và do đó không cần phải giải quyết nó.

Các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng đã sụp đổ vào năm 2014. Mặc dù làn sóng tấn công bằng dao vào năm 2015 và 2016 đã giết chết hàng chục người, chúng khác xa các vụ đánh bom tự sát trong cuộc nổi dậy lần hai của người Palestine vào đầu những năm 2000.

Các cuộc tấn công tên lửa từ Gaza đã trở thành tình trạng mãn tính, đôi lúc bị gián đoạn, đôi lúc lại bùng phát. Tuy nhiên, các vụ bạo lực dữ dội hơn bùng phát vài năm một lần đều sớm bị dập tắt. Kế hoạch hòa bình của ông Trump, mà ông gọi là “thỏa thuận thế kỷ”, bị bóp nghẹt ngay khi ra đời.

Tỷ lệ người Israel ủng hộ các cuộc đàm phán với người Palestine đã giảm từ 70% xuống 50% trong thập kỷ qua. Trong số những người ủng hộ ông Netanyahu, con số này là 30%.

Ngay cả một nhà lãnh đạo Israel có thiện chí cũng không thể tổ chức các cuộc đàm phán có ý nghĩa với Hamas ở Gaza hoặc Tổng thống Mahmoud Abbas của Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) ở Bờ Tây.

Ông Abbas, người đã mất tính chính danh từ nhiều năm trước, tỏ ra nhiệt tình trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Hamas hơn là cố gắng chấm dứt sự chiếm đóng.

Tuy nhiên, ông Netanyahu không chỉ tránh né các cuộc đàm phán, ông còn làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Bờ Tây và Gaza để thuyết phục người Israel rằng không có thỏa thuận nào khả thi và nỗ lực hướng tới thỏa thuận là vô ích.

Quân đội đã khuyến nghị nới lỏng việc phong tỏa Gaza để ngăn chặn một cuộc chiến khác, thậm chí các thành viên diều hâu trong liên minh của ông Netanyahu cũng đồng tình. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa vẫn tồn tại.

Vào tháng hai, bất chấp lời khuyên của các quan chức an ninh, chính phủ đã quyết định giữ lại 500 triệu shekels (138 triệu USD) tiền thuế mà họ thu thay cho người Palestine như một cách trừng phạt PA vì đã trả tiền phúc lợi cho gia đình của các chiến binh bị bỏ tù.

Vui mừng khi gây ra thiệt hại ngắn hạn, ông Netanyahu từ chối đối mặt với vấn đề dài hạn rằng một lãnh thổ có đa số người Arab không thể là một nền dân chủ Do Thái.

Cam kết của ông về giải pháp hai nhà nước chỉ giống như “lời gió thoảng”. Với tư tưởng bảo thủ, cảnh giác với thay đổi, ông cai trị Israel như thể đất nước này không cần đổi mới.

Nền kinh tế có vẻ tốt đối với những người khá giả nhưng hàng triệu người khác không cảm thấy như vậy. Hiện trạng tôn giáo vẫn được giữ nguyên bất chấp dư luận. Vì vấn đề của người Palestine không thể được giải quyết, Israel “sẽ mãi mãi sống dưới lưỡi gươm” như lời Netanyahu từng nói năm 2015.

Israel và hoàn cảnh của nó là duy nhất. Nhưng sự bất bình đẳng, chủ nghĩa dân tộc phản động và sự ngờ vực đối với các thể chế dân chủ là những vấn đề được chia sẻ khắp thế giới các nước phát triển. Sự cai trị kéo dài của Netanyahu cho thấy trong một số hoàn cảnh, chúng có thể bồi dưỡng và củng cố lẫn nhau.

Sau một thập kỷ cai trị của Vua Bibi, chính trị Israel trở nên rã rời và khô cứng. Đó là một nền dân chủ kém lành mạnh, nơi người ta không có gì để tranh luận ngoài việc ai nên lãnh đạo.

Tuyết Mai (Theo Economist)
Đồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vua-bibi-thien-tai-chinh-tri-hay-ke-pha-huy-israel-post933537.html