Vua Bảo Đại và những giai thoại về tình trường đào hoa

Trong 'Ngọn nến hoàng cung', Bảo Đại hiện lên là một vị vua không biết mặc gì trong ngày thoái vị, thậm chí không hiểu 'ăn cơm độn' nghĩa là gì.

Vua Bảo Đại, tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913-1997) được biết đến là hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Vua Bảo Đại trên phim Ngọn nến hoàng cung

Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng lên sóng năm 2004 là phim truyền hình hiếm hoi khai thác những biến động của lịch sử ở Việt Nam trong giai đoạn 1945-1953 với những tình tiết chủ yếu xoay quanh vua Bảo Đại.

Hoàng đế Bảo Đại với diễn xuất của Huỳnh Anh Tuấn hiện lên bảnh bao, đào hoa nhưng cũng đầy nhu nhược.

 Nhân vật Bảo Đại qua diễn xuất của Huỳnh Anh Tuấn trong phim Ngọn nến hoàng cung.

Nhân vật Bảo Đại qua diễn xuất của Huỳnh Anh Tuấn trong phim Ngọn nến hoàng cung.

Vua Bảo Đại trên phim Ngọn nến hoàng cung không mấy khi có chính kiến. Trong phim, có một chi tiết thú vị là trước lễ thoái vị, Bảo Đại thậm chí còn không biết mặc gì. Ông định mặc đồ đen và được thái hậu Từ Cung ủng hộ vì “ngày thoái vị cũng khác gì ngày tang lễ của hoàng triều”. Nhưng Bảo Đại cũng lăn tăn vì sợ mặc như vậy “dễ bị nghi là còn luyến tiếc ngai vàng”. Cuối cùng, hoàng hậu Nam Phương khuyên hoàng đế nên mặc long bào, Bảo Đại nghe theo.

Cũng trong tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, hình ảnh một Bảo Đại ham hư vinh, thích ăn chơi xa hoa, sung sướng được tái hiện. Cựu hoàng đã để những bè phái chèo kéo bằng tiền và gái.

Trước đó, phim cũng có một chi tiết được nhận xét là đắt giá khi mô tả việc Bảo Đại thậm chí không biết “ăn cơm độn” nghĩa là gì.

Chẳng là khi Bảo Đại nhận vai trò mới sau lễ thoái vị, tại nơi ở của mình, cựu hoàng tiếp xúc với vài người phục vụ. Khi nghe thấy các cô gái nói về việc “ăn cơm độn”, cựu hoàng thậm chí đã phải hỏi lại vì không hiểu nghĩa là gì. Sau đó, ông được giải thích “ăn cơm độn nghĩa là độn cơm với ngô, khoai, sắn để ăn”.

Bảo Đại trên phim (bên trái) và hình ảnh vua Bảo Đại thật (bên phải).

Bảo Đại đã phản bội hoàng hậu Nam Phương như thế nào?

Ngoài việc tái hiện một giai đoạn lịch sử, Ngọn nến hoàng cung cũng khắc họa một Bảo Đại đã không giữ lời hứa với Nam Phương trong cuộc hôn nhân “một vợ một chồng”. Điều này khiến hoàng hậu Nam Phương không khỏi đau lòng.

Dù nổi tiếng với sự nết na thùy mị, Nam Phương đã phản ứng ra mặt khi thứ phi Mộng Điệp về Huế và nhận được sự tiếp đón, công nhận của đức Từ Cung lẫn các thành viên hoàng tộc.

Nhưng Mộng Điệp (Giáng My) không phải người tình duy nhất của cựu hoàng, Bảo Đại sau đó còn có những mối quan hệ với các giai nhân như Lý Lệ Hà (Trương Ngọc Ánh), Phi Ánh (Lâm Bảo Như)… và ngày càng sa vào những mối quan hệ không chính thức, gây thương tổn cho chính người trong cuộc.

MV mới đây của Hòa Minzy có tên Không thể cùng nhau suốt kiếp, dù có những sai số về mặt lịch sử nhưng cũng phần nào khắc họa chân dung một vị vua, sau là cựu hoàng đào hoa, không chung thủy.

Trong đó, cảnh hoàng hậu Nam Phương (Hòa Minzy) khóc nức nở khi thấy cựu hoàng bỏ đi với một người phụ nữ mà ngay đằng sau là một người phụ nữ khác đang mang bầu khóc với theo là một chi tiết đắt về kịch bản.

Phim Ngọn nến hoàng cung hay Không thể cùng nhau suốt kiếp đều có những sáng tạo về mặt câu chuyện

Nhiều sách sử cũng đồng thuận về việc vua Bảo Đại có quan hệ với nhiều phụ nữ. Ngoài những bà vợ đã được biết đến, ông còn có những nhân tình là các mệnh phụ người Việt lưu lạc ở xứ người.

Cuốn Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng xuất bản năm 2018 của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang nêu rõ Bảo Đại lấy Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan là người vợ thứ nhất, có cưới hỏi và hôn thú, được hoàng tộc chấp nhận là vợ chính thức và được phong là Nam Phương hoàng hậu.

Nam Phương có năm người con với Bảo Đại theo thứ tự: Hoàng tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, công chúa Phương Liên, công chúa Phương Dung và hoàng tử Bảo Thắng.

Năm 1945, Bảo Đại ra Hà Nội. Thời gian này, Vĩnh Thụy (Bảo Đại) sống chung với Bùi Mộng Điệp và sinh được ba người con: Hoàng nữ Phương Thảo, hoàng nam Bảo Hoàng, hoàng nam Bảo Sơn. Sau năm 1949, Bảo Đại trở lại chức Quốc trưởng thì bà Mộng Điệp được coi là thứ phi.

Năm 1946, Vĩnh Thụy lại chung sống với một vũ nữ nổi danh về sắc đẹp ở Hà Nội là Lý Lệ Hà và chỉ ở với nhau trong thời gian ngắn rồi hai người chia tay. Lý Lệ Hà không có người con nào với Vĩnh Thụy.

Cuốn sách Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang.

Năm 1946, Vĩnh Thụy quyết định ở lại Hong Kong (Trung Quốc) và cặp với một cô gái Trung Hoa lai phương Tây tên là Jenny Woong, tức Hoàng Tiểu Lan, có một con gái được đặt tên là Phương An.

Năm 1949, khi Bảo Đại trở về Việt Nam với chức Quốc trưởng, ông sống với một cô gái Huế tên là Lê Thị Phi Ánh và đã có hai con với bà Phi Ánh: trai đặt tên là Bảo Ân và gái đặt tên là Phương Minh.

Năm 1954, Bảo Đại lưu vong ở đất Pháp. Thời gian này Bảo Đại buồn chán vì cảnh mất ngôi vua hai lần. Để tìm thú vui, ông sống với một cô gái Âu tên là Vicky và có một người con với Vicky đặt tên là Phương Từ. Đây là một cô gái lai có hai dòng máu Việt - Pháp nên có nét đẹp nửa Âu - Á.

Được ít lâu, Bảo Đại cũng chia tay Vicky và ông ở với một cô gái tên là Clément ở Cigalle.

Cuốn sách nêu rõ rằng tính đến cuối đời, Bảo Đại có tất cả tám bà vợ. Bà Nam Phương là người vợ có nhân đức, hiền thục và đạo đức nhất, xứng đáng là bậc mẫu nghi. Còn bảy bà sau, gồm Mộng Điệp, Phi Ánh, Lý Lệ Hà, Jenny Woong, Vicky, Clément và Monique Baudot chỉ được coi là vợ lẽ, nhưng chỉ duy nhất Monique Baudot là có hôn thú.

Riêng bà Monique Baudot, bà không nhận mình là “thứ phi” mà xưng là Princesse (công chúa), cũng có khi tự tôn xưng là Impératrice (hoàng hậu) trong những lúc đi dự đại tiệc chốn danh gia.

"Nghe nói, ngoài mấy bà vợ mà nhiều người biết rõ tên tuổi và có con cái với Bảo Đại, ông còn mấy nhân tình là các mệnh phụ người Việt lưu lạc ở xứ người", tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang viết trong Bảo Đại - hoàng đế cuối cùng.

Khuê Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vua-bao-dai-va-nhung-giai-thoai-ve-tinh-truong-dao-hoa-post1086738.html