Vụ xử nguyên Phó Thống đốc: Tổ giám sát thừa nhận ngân hàng 'quá tinh vi'

Hầu hết các bị cáo đều khai đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình khi làm trong tổ giám sát ngân hàng thực hiện tái cơ cấu, trong đó có ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB (trước đó là Ngân hàng Đại Tín – TrustBank).

Các bị cáo trong vụ án - Ảnh: Huyền Trâm.

Chiều nay (25/6), phiên xét xử sơ thẩm vụ nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình chuyển qua phần xét hỏi, sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng ở phiên sáng.

Tổ giám sát không đồng ý VNCB vẫn cố tình giao dịch

Cụ thể, bị cáo Ngô Văn Thanh, nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank - chi nhánh Long An cho rằng, nội dung bản cáo trạng nêu chưa đúng với quá trình làm việc và nhiệm vụ mình được phân công tại tổ giám sát.

Bị cáo Thanh cho biết, làm tổ viên tổ giám sát từ 17/2/2014 đến 19/5/2014. Sau khi phát hiện sai phạm tại VNCB, tổ trưởng không phân công cho bị cáo mà phân công cho ông Lê Văn Thanh. Đối với khoản 1.600 tỷ đồng của 12 khoản vay của 10 doanh nghiệp, tổ trưởng không phân công cho bị cáo làm khoản này.

Về khoản 400 tỷ đồng, VNCB có xin tổ giám sát, bị cáo phê ý kiến trong đó không đồng ý cho giao dịch này nhưng VNCB vẫn cố tình.

Quyền hạn tổ viên tổ giám sát theo quyết định 12 thì tổ viên được thực hiện nhiệm vụ do tổ tưởng phân công trực tiếp.

"Với chức năng nhiệm vụ của bị cáo trong giám sát VNCB, bị cáo Thanh đã thực hiện đầy đủ chức năng của mình chưa?" - Chủ tọa hỏi và bị cáo Thanh cho rằng, theo nhận thức thời điểm đó bị cáo đã thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm bây giờ bị cáo thấy mình có thiếu sót.

Vấn đề Viện kiểm sát (VKS) truy tố số tiền hơn 10.000 tỷ đồng theo quan điểm của bị cáo Thanh, cho rằng chưa hoàn toàn đúng với diễn biến trong quá trình bị cáo được phân công công việc.

Bị cáo Thanh nêu trong các trường hợp giao dịch tiền của VNCB thì có 3 trường hợp, một là ngân hàng xin giao dịch được tổ giám sát đồng ý, hai là xin nhưng tổ giám sát không đồng ý và ba là không xin. Trong các giao dịch, cụ thể khoản 903 tỷ đồng, 201 tỷ đồng và 63 tỷ đồng thì VNCB tự ý thực hiện các khoản đó, khoản 650 tỷ đồng có xin nhưng tổ giám sát không đồng ý.

Ngân hàng quá tinh vi, phức tạp

HĐXX xét hỏi bị cáo Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank - chi nhánh TP.HCM.

Bị cáo Tuân cho biết, trong giai đoạn mình làm công việc giám sát ở Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB) đồng thời bị cáo cũng tham gia trong tổ giám sát ở 2 ngân hàng yếu kém khác và đã tái cơ cấu thành công.

“Nhưng do ngân hàng này quá phức tạp, tinh vi. Họ không chấp hành khuyến cáo, đề nghị của tổ giám sát. Không vượt qua được việc đó dẫn đến gây ảnh hưởng xấu của ngân hàng, tôi thấy xót xa, xấu hổ trong việc cán bộ ngân hàng làm ba mấy năm, thành công nhiều nhưng cuối lại vướng ở ngân hàng quá khó khăn, tinh vi, không chấp hành của NHNN, trực tiếp của tổ giám sát. Nên hôm nay bản thân bị cáo phải đứng đây trả lời trước HĐXX”, bị cáo Tuân khai tại tòa.

Bị cáo đã thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ chưa? Chủ tọa hỏi và bị cáo Tuân cho biết thấy có những cái chưa hoàn toàn làm đúng.

Bị cáo Tuân nêu, bị cáo là tổ phó tổ giám sát, có phần công giúp việc cho tổ trưởng để giám sát VNCB, tất cả ý kiến của bị cáo cũng đã họp cùng các thành viên tổ, báo cáo tổ trưởng và những báo cáo đó đã gửi cho các cơ quan thanh tra giám sát cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó có ý kiến đồng thuận.

"Đối với các giao dịch gây thiệt hại 3.454 tỷ đồng, trong các sai phạm của VNCB khi gửi báo cáo tới NHNN CN Long An có nhận được văn bản chỉ đạo nào của các cơ quan không?" - Chủ tọa hỏi. Bị cáo Tuân nêu, trong quá trình gửi báo cáo thì bị cáo không phải là người ký trực tiếp văn bản gửi và nhận. Theo đó, người ký là tổ trưởng, thời điểm đó là ông Hà Tấn Phước ký và đóng dấu.

VNCB báo cáo chậm, tổ giám sát phát hiện là tình cờ

Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi ông Lê Văn Thanh, nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An. Bị cáo Thanh thừa nhận sai sót trong quá trình giám sát.

Đối với tiền gửi thị trường liên ngân hàng, VNCB xin tổ giám sát xin gửi tiền sang thị trường 2, tổ giám sát cũng đã nghiên cứu tình hình thanh khoản của ngân hàng như thế nào, huy động ra sao thì thấy huy động tốt, từ 30 ngàn tỷ đồng trở lên. Khả năng chi trả từ 23% trong khi yêu cầu của NHNN từ 15% trở lên. Ngay thời điểm đó về huy động tốt nhưng về hoạt động xấu, không có nguồn thu, căn cứ vào huy động chi trả thì bị cáo đã chấp thuận cho ngân hàng gửi đi. Nhưng sau đó rõ ràng giám sát qua hệ thống thông tin báo cáo nhưng VNCB không đưa vào hệ thống nên không phát hiện ra nội dung sai phạm.

“Tổ giám sát phát hiện ra là tình cờ khi VNCB được chấp thuận tăng vốn và được chấp nhận của Sở Kế hoạch đầu tư. Lúc đó tổ giám sát rà soát mới phát hiện các doanh nghiệp chỗ ông Danh đứng tên, rồi lấy để vay. Ngay lập tức tổ giám sát báo cáo, phát hành 11 văn bản báo cáo về tình hình tiền gửi liên ngân hàng. Phải nói là chuyện báo cáo rất là chậm”, ông Thanh nêu.

Đối với nghiệp vụ về cấp tín dụng, mặc dù khi lên trình tổ giám sát xin ý kiến thì tổ giám sát rõ ràng không dám cho ý kiến, ghi rõ đến cuối 2013 chỉ tiêu tăng trưởng đã vượt, xin 10.000 tỷ nhưng không được phép. Tổ giám sát đã ý kiến không cho làm nhưng ngân hàng vẫn làm. Tổ giám sát đã làm hết sức mình, làm sao tròn trách nhiệm nhưng họ vẫn làm.

VNCB cố tình lợi dụng, làm giả hợp đồng

HĐXX xét hỏi bị cáo Hà Tấn Phước, nguyên Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An.

Bị cáo Phước cho biết bị cáo bị bệnh tim, cao huyết áp. Hiện thời, bị cáo vẫn trả lời được câu hỏi của HĐXX.

Nội dụng cáo trạng, bị cáo cho rằng đúng tuy nhiên về kết luận có một số thông tin chưa chính xác. Việc cáo trạng quy buộc bị cáo thụ động để ông Phạm Công Danh sử dụng tiền, gây thất thoát cho VNCB là không đúng.

Ông Phước nêu, trách nhiệm của tổ trưởng là chịu trách nhiệm chung của tổ giám sát. Tổ phó phụ trách giám sát đối với một mảng mà quy định, chịu trách nhiệm trước tổ trưởng, NHNN. Bị cáo cho rằng đã làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, tuy nhiên do năng lực hạn chế, có một số thiếu sót.

Đối với các khoản sai phạm 650 tỷ đồng, 903 tỷ đồng, 63 tỷ đồng, 201 tỷ đồng. Tuy rằng không thuộc nhiệm vụ của tổ giám sát là có ý kiến thay đổi về khoản tiền gửi, đá quý… nhưng với trách nhiệm của tổ giám sát nên tổ giám sát đã có ý kiến không cho vay đối với khoản 650 tỷ đồng. Đối với khoản ủy thác 903 tỷ đồng, tổ giám sát đã nhắc nhở, yêu cầu VNCB ngừng thực hiện, phải thu hồi. Về luân chuyển dòng tiền khoản này, tổ giám sát không nắm được do không thuộc trách nhiệm của tổ.

Đối với khoản 201 tỷ đồng, VNCB đã không báo cáo của tổ giám sát. Tổ đã yêu cầu thu hồi và đã thu được. Đối với khoản tiền gửi liên ngân hàng, tổ đã giám sát chặt chẽ hàng ngày, báo cáo diễn biến số dư tiền gửi cho NHNN. Do vậy khoản 450 tỷ đồng không có biến động.

Bị cáo cho rằng lãnh đạo Ngân hàng VNCB đã lợi dụng, cố tình né tránh, lập hợp đồng bảo lãnh tiền gửi giả, không có chữ ký và không được theo dõi đúng quy định của NHNN cho nên tổ giám sát không thể nắm được.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/vu-xu-nguyen-pho-thong-doc-to-giam-sat-thua-nhan-ngan-hang-qua-tinh-vi-3456306.html