Vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: 'Không thể trăm dâu đổ đầu tằm'

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu đề nghị xác định trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc tai biến y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, thay vì chỉ xử bác sĩ Hoàng Công Lương.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bác sĩ Lương không phải là người đáng bị khởi tố. Bởi bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ là người trực tiếp khám chữa bệnh. Bác sĩ nếu nhận ra vấn đề cũng không có cách gì xử lý được chất lượng nước.

Các tình tiết vụ án tòa sẽ xử, xem xét, nhưng về trách nhiệm phải nói đến người đứng đầu trong việc chọn đối tác và khi đối tác tắc trách để chất lượng nước không bảo đảm.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

"Trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có người đứng đầu. Anh chọn đối tác như thế nào, anh có theo dõi giám sát không. Còn trách nhiệm đó có đến mức độ phải khởi tố hay không thì phải tuân theo luật", bà Lan cho hay.

Nhìn rộng ra, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, ngành Y tế hiện thiếu hệ thống pháp lý để bảo vệ các bác sĩ, nhân viên y tế đúng pháp luật. Bác sĩ chỉ nên tập trung vào chuyên môn. Tất cả các vấn đề khác phát sinh phải được bảo vệ bởi hệ thống pháp lý của ngành Y tế. Trong vụ việc này không thấy vai trò của ngành đứng ra bảo vệ bác sĩ. Chỉ thấy ý kiến các hội, đoàn. Ý kiến của Bộ chưa đủ mạnh mẽ.

Vị tiến sĩ trong ngành Y dược cho rằng: Pháp luật xử là nhằm không để tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự, chứ không phải để trả thù bất cứ cá nhân nào. Gia đình các nạn nhân tử vong theo đuổi công lý cũng là để vụ việc này không xảy ra với các gia đình khác nữa. Do vậy, phải xác định rõ trách nhiệm để có cơ chế xử lý, răn đe cho những trường hợp khác.

Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn đang diễn ra khi không có mặt nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương. Theo bà Lan, điều này là không hợp lý. "Nếu cái gì cũng trăm dâu đổ đầu tằm, đổ hết cho người thấp cổ bé họng thì không giải quyết được vấn đề, tiếp tục tắc trách", đại biểu nêu quan điểm và đề nghị việc xét xử phải làm sao để người ta tâm phục khẩu phục.

"Đây là vụ việc không ai mong muốn xảy ra. Nhưng kể cả trong trường hợp không xác định được ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp thì vẫn phải nhắc đến trách nhiệm người đứng đầu, người quản lý. Anh là người quản lý, có quyền phải gắn liền với trách nhiệm", bà Lan nói.

Về phía Bộ Y tế cần rà soát lại không chỉ vấn đề nước chạy thận mà nhiều vấn đề khác nữa.

Còn luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm phiên tòa đang xét xử, nên khó bình luận, phải có chứng cứ mới nói được. Nhưng có nguyên tắc chung là người lãnh đạo có trách nhiệm tổ chức hệ thống, nếu tổ chức không tốt thì phải chịu trách nhiệm dù không phải là người trực tiếp gây hậu quả.

Liên quan đến sự vắng mặt của nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, luật sư Nghĩa cho rằng, Luật đã quy định rõ việc đến hay không đến này ảnh hưởng đến phiên tòa như thế nào. Có trường hợp người liên quan không đến sẽ phải hoãn việc xét xử. Kết luận về việc này thuộc về hội đồng xét xử, viện kiểm sát và tòa cấp trên...

Ngày 29/5/2017, 8 người đã tử vong khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân tử vong được cơ quan chức năng xác định do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị cách chức từ ngày 9/8.

Hoàng Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/vu-xet-xu-bac-si-hoang-cong-luong-khong-the-tram-dau-do-dau-tam-20180522121523500.htm