Vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn: Hà Nội thừa nhận xử lý chưa triệt để

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam thừa nhận vụ vi phạm đất đai ở Sóc Sơn diễn ra trong thời gian dài mà chưa bị xử lý một cách triệt để.

Liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý đất rừng xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tại buổi họp báo chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV, chiều 29.11, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Hoài Nam thừa nhận việc đôn đốc xử lý vi phạm có chậm trễ.

“Đúng là có việc thực hiện khắc phục sai phạm chưa đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt” - ông Nam nói.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội, năm 2006, chính ban Pháp chế giám sát và phát hiện ra vi phạm tại Sóc Sơn, sau đó thanh tra vào cuộc, cách hơn 10 cán bộ cấp xã và lãnh đạo huyện Sóc Sơn.

Hàng loạt công trình xây dựng trên đất rừng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Thành An

"Sau đó, Thanh tra Chính phủ vào và yêu cầu khởi tố, thì hàng loạt lãnh đạo xã đã đi tù. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai kết luận thanh tra thì có chậm. Do đó, hiện TP đang đợi kết luận của Thanh tra TP, không chỉ rà soát các vi phạm cũ mà kể cả vi phạm mới để có hướng xử lý” - ông Nam nói.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội cho biết, việc vi phạm đất đai không chỉ xảy ra ở Sóc Sơn, mà HĐND TP đã thường xuyên giám sát và có kết quả, cả ở Ba Vì và một số địa điểm khác.

Tại Ba Vì, HĐND TP.Hà Nội đã đi giám sát và cũng phát hiện sai phạm. Trong báo cáo số 37 của HĐND năm 2018 cũng đã liệt kê 161 sai phạm liên quan đến các dự án vi phạm luật Đất đai, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất rừng...

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ TP.Hà Nội, ngày 28.11, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội cho biết, rên địa bàn huyện Sóc Sơn có hơn 4.000 ha rừng phòng hộ, trong đó huyện quản lý hơn 2.000 ha, Ban quản lý rừng thuộc Sở NN-PTNN) quản lý 2.000 ha.

Những sai phạm ở thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) tập trung chủ yếu trên diện tích đất rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Trung tâm phát triên Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng.

Qua làm việc với huyện Sóc Sơn và Ban quản lý rừng Sóc Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhận thấy, trước đây là đất thuộc lâm trường và có trường hợp dân đến khai thác vùng kinh tế mới; dân ở trước, rừng có sau; sau đó có quy hoạch rừng thì các hộ này nằm trong rừng.

Hiện nhiều trường hợp hồ sơ giao đất và UBND xã cấp sổ đỏ và đất rừng không đúng quy định. “Người dân được giao đất để trồng rừng chứ không phải để ở, thế mới dẫn đến vấn đề những trường hợp cấp sổ đỏ vào đất rừng là sai. Ban quản lý rừng phải lập hồ sơ vi phạm”, Giám đốc Sở NN-PTNN Hà Nội nói.

Trước đó, UBND xã Minh Phú đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo đó, giao cho ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã, ông Dương Văn Thức - Trưởng Công an xã phối hợp, tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị xã và các cơ quan liên quan khác tổ chức thi hành quyết định trong thời hạn 30 ngày. Sau đó, xã đã gửi quyết định này đến các hộ gia đình có trong danh sách công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng.

Tại phiên họp giao ban công tác UBND TP diễn ra sáng 30.10, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đối với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, Sở NN&PTNT và huyện phải tổ chức cưỡng chế vi phạm.

Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. “Sau khi Thanh tra TP thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, ông Chung chỉ đạo.

Ngày 22.10, Thanh tra TP.Hà Nội đã chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí trong giai đoạn từ năm 2008-2018 và thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2006.

Hoàng An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vu-xe-thit-dat-rung-soc-son-ha-noi-thua-nhan-xu-ly-chua-triet-de-934843.html