Vụ xe khách đâm xe chữa cháy trên cao tốc: Quyền ưu tiên không phải là quyền miễn lỗi

Luật Giao thông đường bộ (Điều 22) cho phép một số loại xe được quyền ưu tiên đi trước các xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào mà trong đó, xe cứu hỏa là xe được ưu tiên số 1. Tuy nhiên, việc quyết định cho phương tiện vào lưu thông ngược chiều trên đường cao tốc, dù là đối với phương tiện ưu tiên nào cũng cần phải hết sức cân nhắc và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đó là ý kiến của Luật sư Vũ Thái Hà - Công ty Luật YouMe.

Hiện trường vụ tai nạn

Khi làm nhiệm vụ, xe cứu hỏa có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Căn cứ vào các quy định này thì luật cho phép xe cứu hỏa được đi vào đường ngược chiều.

Tuy nhiên, việc quyết định cho phương tiện vào lưu thông ngược chiều trên đường cao tốc, dù là đối với phương tiện ưu tiên nào cũng cần phải hết sức cân nhắc và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên có những quy định chặt chẽ hơn khi cho phương tiện ưu tiên đi vào đường ngược chiều. Có thể chỉ cho phép xe ưu tiên đi vào đường ngược chiều khi một số điều kiện đã được đáp ứng, như toàn tuyến có xe ưu tiên đi ngược đã được cảnh báo về việc có xe đi ngược chiều.

Nhận định về vụ việc tai nạn giao thông mới đây giữa xe của cảnh sát PCCC và xe khách trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Luật sư Vũ Thái Hà cho rằng: “Để xem xét trách nhiệm trong vụ tai nạn này, chúng ta cần xem xét đến yếu tố lỗi, yếu tố là nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn và hãy bỏ ra ngoài quyền ưu tiên để tránh có định kiến chủ quan.

Để xem xét lỗi của vụ việc, chỉ cần đặt ra câu về sự lựa chọn phương án đối với cả hai lái xe. Ở đây, lái xe cứu hỏa có rất nhiều lựa chọn khác, thay vì đi ngược chiều trên đường cao tốc, hoặc ít nhất là đi ngược chiều ở làn có tốc độ cao nhất trên đường cao tốc.

Còn lái xe khách, anh ta đang chạy đúng đường và điều kiện bình thường, anh ta là người thụ động với việc có xe cắt ngang, đi ngược. Anh ta cũng khó có thể có sự lựa chọn nào khác khi mà tình huống xảy ra là tình huống bất ngờ. Tất nhiên, việc xem xét lỗi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng yếu tố nào đi chăng nữa, lái xe khách chỉ có lỗi khi anh ta có sự lựa chọn và có khả năng thực hiện lựa chọn nhưng anh ta đã không làm vậy. Do vậy, trách nhiệm đối với vụ việc này, có thể là trách nhiệm vật chất, trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm này phải được xem xét công bằng và khách quan đối với cả hai phía. Lỗi của bên nào thì bên đó phải có trách nhiệm. Quyền ưu tiên không phải là quyền miễn lỗi. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách hết sức khách quan”.

Tiến Dũng (ghi)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/vu-xe-khach-dam-xe-chua-chay-tren-cao-toc-quyen-uu-tien-khong-phai-la-quyen-mien-loi-596974.ldo