Vụ xe hợp đồng 'trá hình' chạy tuyến cố định: 'Bất lực' trong xử lý!

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tính đến nay, sở này đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 53.181 xe ôtô, trong đó dưới 9 chỗ là 34.562 xe. Còn tại Hà Nội, số lượng xe được cấp phù hiệu hợp đồng là 40.730 xe, trong đó có 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, số còn lại là xe hợp đồng trên 9 chỗ.

Xe Interbusline, BKS: 29B-61184 đón khách lẻ cạnh trường THPT Hoàn Kiếm, cách văn phòng 110A Trần Nhật Duật khoảng 100m, ngay cạnh biển cấm dừng đỗ (ảnh cắt từ Clip).

Qua tìm hiểu của Báo Lao Động, trong số này có tới 1/4 là xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định. Vậy nguyên nhân nào khiến các cơ quan chức năng “bất lực” nhìn số lượng xe khủng lên tới hàng vạn chiếc như vậy “qua mặt” mỗi ngày, “nuốt trọn” cả nghìn tỉ đồng tiền thuế?

“Lách luật” dưới chiêu “Open Tour”

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) - thừa nhận: Tình trạng xe hợp đồng hoạt động “trá hình” như hình thức tuyến cố định hiện nay rất phổ biến trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung. Tùy theo từng địa phương mà quy mô hoạt động đón trả khách của các nhà xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định có sự khác nhau.

Theo quy định hiện hành, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện theo hợp đồng vận tải, là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng. Khi vận chuyển hành khách thì lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách.

Chính vì thế, các DN hoạt động vận tải hành khách hợp đồng thường “lách luật” theo hướng này để “qua mặt” các cơ quan chức năng, chạy tuyến cố định. Thậm chí, nhiều DN lớn còn ngang nhiên thành lập nhà chờ đón khách, sử dụng các xe chung chuyển, mở “bến cóc” ngay trên các tuyến đường nội đô.

“Mặc dù biết mười mươi những DN đó sử dụng xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định, nhưng công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết lái xe đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ. Mấu chốt ở đây là các văn bản quy định loại hình vận tải theo hợp đồng còn có những điều chưa chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn, giúp sức cho các DN lợi dụng ‘lách luật” - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, xe vận chuyển khách theo hợp đồng được các đơn vị vận tải ký một chiều và sau đó ký hợp đồng vận chuyển số khách khác theo chiều ngược lại, hoạt động như kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định nhưng được đón trả khách ngoài bến xe.

Nhiều đơn vị vận tải không đăng ký kinh doanh vận tải địa phương nơi đến và xe khách được sở GTVT nơi đi cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng, khi đến địa bàn khác lại tổ chức kinh doanh vận tải, phát sinh doanh số tại địa phương nơi đến, không phải đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải và không phải nộp thuế tại địa bàn nơi đến, điều này khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, thủ tục để 1 đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách theo hợp đồng quá đơn giản, quá lỏng lẻo. Trong khi đó, đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định phải thông qua quy hoạch, lựa chọn đơn vị khai thác tuyến cố định, xem xét biểu đồ chạy sao cho không trùng với giờ đơn vị vận tải hành khách khác đang hoạt động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

Còn đối với xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định, không thể kiểm soát được số lượng hành khách, giờ xe luôn chuyển, giá thành dịch vụ và nghĩa vụ đối với nhà nước. Đặc biệt, các DN vận tải hành khách theo hợp đồng có thể dễ dàng mở bến cóc đón trả khách ngay tại trụ sở, văn phòng, chi nhánh, địa điểm kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Thanh tra sở GTVT TPHCM - cho rằng: Tình trạng DN mở “bến cóc”, chạy xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định hiện nay tương đối phổ biến. Tuy nhiên, để xử lý các doanh nghiệp trên thì rất khó. Vị này đổ lỗi: Hiện nay, vì trốn tránh nộp thuế, phí bến bãi và các khoản nhà nước quy định khác, các DN cố tình “lách luật” chạy xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định. Điển hình nhất là qua kiểm tra, các DN đó xuất trình đủ giấy tờ hợp đồng với khách, lúc này chúng tôi “biết cũng phải chịu thua”...

Được biết, hiện nay, dựa vào những kẽ hở trong nghị định 86 và thông tư 63 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, hầu hết các DN kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng đều “lách luật” dưới chiêu sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách du lịch dưới dạng “Open Tour” để hợp thức hóa hoạt động “trá hình” tuyến cố định của mình và trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng tại TP.Hồ Chí Minh đã có trên 500 DN kinh doanh vận tải “lách luật” bằng hình thức này. Còn tại Hà Nội, con số DN chạy xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định cũng lên tới trên 300 DN.

Cũng trong quá trình tác nghiệp tại TPHCM và Hà Nội, nhóm PV Báo Lao Động đã ghi lại hình ảnh hàng trăm DN “lách luật” bằng cách này nhưng lực lượng chức năng thì “bất lực” hoặc “nhắm mắt làm ngơ” trước những sai phạm của DN. Trong đó, có những DN cố tình dừng đỗ ngay trước biển cấm, hoặc xếp khách trước cửa văn phòng, nhưng đều không gặp bất cứ trở ngại nào mặc dù hoạt động đó diễn ra 24/24h và có DN chỉ nằm cách trụ sở Thanh tra sở GTVT TPHCM chừng vài bước chân.

Xe Nhật Tuấn BKS: 75B00438 xếp khách tại Đại Lộ Thăng Long (ảnh cắt từ Clip).

Cơ quan chức năng: “Có cũng như không”...

Trở lại với câu chuyện xe hợp đồng cố tình “lách luật” trốn thuế, qua nhiều tháng tìm hiểu, nhóm PV Báo Lao Động ghi nhận: Mỗi ngày có hàng vạn chiếc xe hợp đồng “trá hình” đang lưu thông theo tuyến cố định. Điều đó có nghĩa, những quy hoạch vận tải đường bộ của các tỉnh, thành phố bị phá vỡ nghiêm trọng, còn nhà nước thì “mất trắng” hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm.

Trong loạt bài “Luật ngầm’ xe dù bến cóc và lợi ích nhóm giữa Thủ đô”, Báo Lao Động đã chỉ ra, đối với mỗi chiếc xe 9 chỗ, trung bình doanh thu tối thiểu phải đạt 40 triệu đồng/tháng mới có thể hòa vốn; xe từ 9 đến dưới 45 chỗ phải đạt 60 triệu đồng; xe 45 chỗ phải đạt 75 triệu đồng và xe giường nằm phải đạt 150 triệu đồng/tháng mới hòa vốn. Như vậy, lấy doanh thu nhân với số lượng phù hiệu cấp cho xe hợp đồng và nhân với 12 tháng/năm thì doanh thu thực tế nhà nước chưa quản lý được quả là con số khủng.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, với 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ; 11.855 xe hợp đồng từ 9 đến dưới 45 chỗ và 3095 xe hợp đồng từ 45 chỗ được cấp phù hiệu, đem nhân với doanh thu tối thiểu từng đầu xe phải đạt thì số tiền nhà nước không quản lý được ước tính lên tới trên 19 nghìn tỉ đồng mỗi năm. Và nếu, con số xe của cả nước lên tới hàng trăm nghìn chiếc xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng rồi “lách luật”, “trá hình” chạy tuyến cố định thì số tiền nhà nước không quản lý được sẽ khủng khiếp đến mức nào. Con số “cực khủng” đó nói lên bức tranh đen tối của hoạt động vận tải hành khách đường bộ hiện nay.

Cũng liên quan đến việc nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm, chúng ta hãy đặt câu hỏi, vậy tiền thuế nhà nước thất thu đó sẽ đi đâu? Quay trở lại với loạt bài “Luật ngầm’ xe dù bến cóc và lợi ích nhóm giữa Thủ đô”. Như Báo Lao Động đã phân tích, ở đây, giữa DN và các cơ quan chức năng có lợi ích nhóm hay không? Dư luận cho rằng có, bởi hàng trăm, hàng nghìn DN ngang nhiên mở “bến cóc”, chạy xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định khiến nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đòng tiền thuế mỗi năm, nhưng lạ một nỗi, cơ quan chức năng “có cũng như không”.

Ở loạt bài trước, Báo Lao Động phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã ban hành văn bản yêu cầu làm rõ thông tin báo nêu, tiếp đó lại ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng “xe dù bến cóc” không được cải thiện mà các DN kinh doanh “trá hình” này còn lộng hành hơn, ngang nhiên hơn.

NHÓM PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/vu-xe-hop-dong-tra-hinh-chay-tuyen-co-dinh-bat-luc-trong-xu-ly-606854.ldo