Vụ xả thải trái phép chấn động Malaysia

Tổng cộng đã có 5.848 người ở bang Johor của Malaysia phải điều trị vì có những dấu hiệu được cho là do hít phải khí độc từ chất thải hóa học bị đổ trái phép ở một dòng sông. Ngay khi dòng sông này được tuyên bố đã được dọn sạch, lại có thêm hai điểm nghi vấn xả thải trái phép khác được phát hiện.

5.848 người hít phải khí độc phải điều trị

Vụ việc tại Malaysia bắt đầu được phát giác hôm 7/3 vừa qua, sau khi một nhóm học sinh ở bang Johor phải nhập viện vì có biểu hiện bị nhiễm độc. Trong ít ngày sau đó, số người phải điều trị với các triệu chứng bị nhiễm độc khí metan như khó thở, đau đầu và nôn mửa đã tăng nhanh chóng.

Lực lượng chức năng Malaysia xử lý chất thải độc hại ở sông.

Lực lượng chức năng Malaysia xử lý chất thải độc hại ở sông.

Tổng cộng, theo giới chức địa phương, đã có 5.848 người phải điều trị do hít phải khí độc. Nhiều người trong số này đã phải nhập khoa chăm sóc tích cực để điều trị. Sau khi tiến hành điều tra, giới chức địa phương kết luận các vụ ngộ độc nói trên là do chất thải hóa học độc hại đã được đổ trái phép xuống sông Sungai Kim Kim, thuộc khu Pasir Gudang.

Theo truyền thông địa phương, chất thải đổ xuống sông là một loại dầu thường được sử dụng để bôi trơn các động cơ tàu thủy, sản sinh ra khí metan và benzene. Ước tính, hơn 40 tấn dầu này đã được xả xuống sông.

Ngay sau đó, giới chức địa phương đã tiến hành nạo vét dòng sông. Chủ tịch Ủy ban Sức khỏe, Môi trường và Nông nghiệp Johor Sahruddin Jamal cho biết, việc nạo vét con sông ở một số thời điểm đã phải dừng lại vì tình trạng ô nhiễm chất thải hóa chất quá nặng nề.

Thời tiết nắng nóng trong những ngày này càng khiến cho chất độc bị bốc lên mạnh. Các nghị sỹ của bang Johor sau khi phát hiện vụ việc đã đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp ở thị trấn Johor Bahru nhưng Chính phủ Malaysia sau khi đánh giá tình hình đã quyết định không thực hiện bước đi như vậy.

Trước các diễn tiến của vụ việc, ngày 13/3, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Malaysia Maszlee Malik đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ 111 trường học ở Pasir Gudang. 92 trường mầm non và nhà trẻ bị ảnh hưởng trong khu vực này cũng đã ngừng hoạt động.

Hoàng tử bang Johor Ibrahim Iskandar ngày 19/3 cũng đã tuyên bố hủy tiệc trà và yến tiệc mừng sinh nhật ông dự kiến diễn ra trong tuần qua. Theo vị hoàng thân, ông không muốn vui vẻ trong khi nhiều người đã bị ốm, trong đó có những người vẫn đang phải ở trong phòng cấp cứu vì hành vi xả thải trái phép của một số người.

Việc hủy bỏ các sự kiện như vậy cũng sẽ tạo điều kiện để các cơ quan chức năng tập trung xử lý tình hình. Đến ngày 19/3, sau khi đi thị sát và đo đạc chất lượng không khí, Bộ trưởng Năng lượng, khoa học, công nghệ, môi trường và biến đổi khí hậu Malaysia Yeo Bee Yin tuyên bố sông Sungai Kim Kim đã được làm sạch và đảm bảo an toàn.

“Máy dò khí đã phát hiện hợp chất hữu cơ dễ bay hơi”, Bộ trưởng Malaysia cho hay. Theo bà Bee Yin, tổng cộng đã có 900 tấn đất và 1.500 tấn nước ô nhiễm đã được xử lý. Trong quá trình này, hàng tấn hóa chất độc hại đã được vớt lên khỏi dòng sông.

Toàn bộ các chất thải hóa học đã được vận chuyển đến các khu xử lý để xử lý. Giới chức Malaysia thông báo sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thêm 15 ngày nữa để đảm bảo an toàn cho công chúng. Về phía công tác điều tra, ngày 11/3, chính quyền bang Johor đã thông báo bắt giữ hai chủ nhà máy và một công nhân bị tình nghi đổ chất thải công nghiệp xuống sông Sungai Kim Kim.

Vài ngày sau đó, họ đã bắt giữ thêm tám đối tượng khác. Cảnh sát trưởng bang Johor Datuk Mohd Khalil Kader Mohd cho biết đã thu giữ một chiếc xe tải được cho là đã được sử dụng để đổ hóa chất xuống sông.

Theo ông Kader Mohd, vụ án đang được điều tra theo điều 34B, Bộ luật chất lượng môi trường của Malaysia, trong đó quy định về hành vi gây ô nhiễm không khí nguy hiểm, xử lý bất cẩn các chất độc hại và gây thương tích nặng tới cộng đồng.

Hiện, cảnh sát Malaysia vẫn đang đẩy mạnh việc thu thập bằng chứng, hoàn thiện hồ sơ để chuyển cho cơ quan công tố. Theo luật, nếu bị kết tội theo điều luật nói trên, những đối tượng đã bị bắt giữ có thể bị phạt tù tới năm năm hoặc bị phạt tiền ở mức 500.000 ringgit (tương đương 122.000 USD).

Một người bị nhiễm độc được đưa đi cấp cứu.

Nước láng giềng cũng lo âu

Chỉ một ngày sau khi thông báo môi trường đã được trả lại bình thường, ngày 18/3 vừa qua, người dân địa phương đã phát hiện thêm hai con sông khác ở Pasir Gudang cũng được cho là đã bị đầu độc vì bị đổ chất thải hóa học bất hợp pháp.

Theo truyền thông Malaysia, người dân đã phát hiện 10 thùng nhựa chứa các hóa chất ở sông Sungai Masai nằm ngày cạnh đường cao tốc Pasir Gudang. Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 19/3 đưa tin, các loại máy móc hạng nặng và các thiết bị xử lý chất thải đã được nhìn thấy tại một địa điểm dọc sông Sungai Masai.

Một số công nhân mặc đồ bảo hộ cũng có mặt tại hiện trường. Hai nhân viên cảnh sát cũng đã lập hàng rào xung quanh khu vực, ngăn truyền thông và công chúng tiếp cận hiện trường. Địa điểm nghi là nơi xả thải trái phép mới này nằm cách sông Sungai Kim Kim khoảng 18km đến 20km và là một tuyến đường thủy chính chảy ra Eo biển Johor giáp Singapore.

Ngoài ra, tại sông Sungai Sembilang ở gần khu nghỉ dưỡng Taman Tanjung Puteri, người dân cũng đã phát hiện bảy vỏ thùng chứa hóa chất đã bị vứt lại ở khu vực một miệng cống và bên dưới một cây cầu bắc giữa sông. Con sông này cách sông Sungai Kim Kim chỉ 2km và cách một trong những ngôi trường đã bị đóng cửa chỉ 500m. Một người dân địa phương tên Ahmad Roh Ariffin nói rằng chất lỏng từ các thùng được phát hiện đã ngấm xuống sông, gây ra mùi hôi thối.

“Chúng tôi rất lo lắng vì mùi từ sông bốc lên rất khủng khiếp. Một số người cho biết họ bị khó thở và buồn nôn”, ông Roh Ariffin cho hay. Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 18/3, Thủ hiến bang Johor Osman Sapian kêu gọi công chúng hạn chế không đến gần hai “bãi rác” mới được phát hiện. Ông Osman Sapian cho biết đã chỉ đạo Sở Môi trường của bang tiến hành điều tra ngay lập tức.

“Tôi đã nghiêm túc xem xét các đơn trình báo về một số khu vực được cho là đã bị xả thải hóa chất ở Masai”, ông Osman Sapian nói cho biết các khu vực này sẽ được đóng cửa đến khi giới chức địa phương hoàn tất việc điều tra cũng như làm sạch môi trường.

Ngày 22/3, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Joho Azman Adnan cho biết, các trường này sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 31/3 tới, sau khi Hội phụ huynh, nhà trường, cộng đồng, cơ quan của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cũng như khu vực tư nhân đã nỗ lực dọn dẹp để làm sạch khuôn viên các trường.

Ngày 19/3, Ủy ban quản lý các thảm họa quốc gia Malaysia đã quyết định dừng chiến dịch dọn dẹp dòng sông có tên Ops Sungai Kim Kim sau khi xác định tình hình ở khu vực này đã gần như trở lại bình thường.

“Do đó, tất cả các trường học ở Pasir Gudang sẽ mở cửa trở lại từ ngày Chủ nhật, 31/3”, ông Azman cho biết. Vì sông Sungai Masai chảy ra Eo biển Johor giáp Singapore nên giới chức Singapore cũng đã phải theo sát tình hình để có thể có biện pháp đối phó kịp thời.

Song, Cơ quan môi trường, vệ sinh và nông nghiệp quốc gia Singapore cho biết, chất lượng không khí, nước cũng như nguồn nước của nước này đến tuần qua không bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Bộ trưởng Tư pháp Singapore K Shanmugam cũng đã lên án hành vi xả chất thải hóa học bất hợp pháp là vô trách. “Chúng tôi sẽ hợp tác với những người đồng cấp Malaysia để giám sát tình hình”, Bộ trưởng K Shanmugam cho hay.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/vu-xa-thai-trai-phep-chan-dong-malaysia-d94008.html