Vụ xả súng ở Đắk Nông: Ông Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình

Hành vi của bị cáo Hiến là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, HĐXX đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Ngày 12/7, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã xử phúc thẩm vụ án hình sự nổ súng tranh chấp đất xảy ra tại công ty Long Sơn (tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) khiến 3 bảo vệ công ty TNHH thương mại, đầu tư Long Sơn tử vong và 13 người khác bị thương.

Bị cáo Đặng Văn Hiến tại phiên phúc thẩm

Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tháng 2/2008, UBND tỉnh Đắk Nông giao đất rừng tại tiểu khu 1535 (thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cho công ty TNHH thương mại, đầu tư Long Sơn (công ty Long Sơn) để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Đến tháng 6/2013, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu mua lại dự án và để vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (59 tuổi) đứng tên làm giám đốc.

Song lúc này, các hộ ông Hoàng Văn Thắng, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình đã lấn chiếm đất của công ty. Hai bên đã nhiều lần đánh nhau nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp giải quyết.

Ngày 15/10/2016, ông Sửu gọi ông Thiện và một số bảo vệ của công ty vào san ủi cây trồng trên diện tích đất mà gia đình ông Thắng, Hiến xâm canh.

Đến sáng ngày 23/10, ông Sửu, Thiện chỉ đạo Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến, Lê Thanh Phong cùng 30 nhân viên khác với đầy đủ vật dụng, máy móc tới san ủi khu vực đất gia đình ông Thắng.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Sáng cùng ngày, ông Hiến phát hiện khoảng 10 nhân viên công ty Long Sơn với khiên chắn, dao gậy đang chốt chặn ở các đường mòn. Qua cuộc điện thoại, ông Thắng cũng cho Hiến biết vườn điều của nhà ông cũng đã bị lực lượng tương tự vào ủi. Nghe như vậy, ông Hiến gọi vợ và Hà Văn Trường (người làm thuê), cùng nhiều người khác, trong đó có Ninh Viết Bình và Ninh Viết Thọ đến hỗ trợ.

Ông Hiến lấy một khẩu súng trong nhà mang theo, đến nơi cách công nhân và máy ủi khoảng 5m, liền bắn chỉ thiên 1 phát. Hai bên xô xát, ông Hiến bắn một phát vào nhóm người này rồi vào nhà đóng cửa. Qua cửa sổ, ông tiếp tục bắn nhiều phát vào nhóm công nhân.

Sau đó, Ninh Viết Bình và ông Hiến cùng cầm súng tiến lên hướng máy ủi và công nhân công ty Long Sơn và bắn nhiều phát đạn. Hậu quả của vụ xả súng đã làm Điểu Vinh, Điều Tào, Dương Văn Tiến (nhân viên công ty Long Sơn) tử vong tại chỗ, 13 người khác bị thương, mất từ 6% đến 54% sức khỏe.

Sau khi gây án, Hiến cầm khẩu súng về vứt ở hiên nhà rồi cùng với Hà Văn Trường bỏ trốn sang nhà ông Trần Văn Lập (xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Còn Ninh Viết Bình về nhà, vứt súng và 2 vỏ đạn xuống suối rồi đi làm như chưa có chuyện gì xảy ra.

Riêng ông Hiến và Trường, sau khi đến nhà ông Lập, đã gặp Đoàn Văn Diện và bày tỏ ý định muốn bỏ trốn. Ông Hiến nhờ Diện cầm sim điện thoại của mình đến khu vực huyện Bù Đăng, lắp vào máy rồi gọi điện thoại vào tổng đài 900 để đánh lạc hướng điều tra. Diện sau đó bị cơ quan công an khởi tố về tội che giấu tội phạm, nhưng được cho tại ngoại.

Quá trình điều tra xác định số tài sản (cây điều, cà phê) của các gia đình bị công ty Long Sơn hủy hoại có giá trị tổng thiệt hại là hơn 73,6 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định các ông Sửu, Thiện đã vi phạm vào tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thuộc trường hợp có tổ chức, gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…

Xét thấy hành vi của bị cáo Hiến là đặc biệt nguy hiểm, gây mất trật tự xã hội nên HĐXX đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Đối với với các bị cáo Bình, Trường, Sửu, Thiện, Diện có thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, gia đình đã khắc phục một phần hậu quả nên HĐXX quyết định giảm từ 20 năm xuống 18 năm tù đối với bị cáo Bình.

Bị cáo Trường cũng được giảm từ 12 năm xuống còn 4 năm; bị cáo Sửu từ 6 năm xuống còn 4 năm; Bị cáo Thiện từ 4 năm xuống 2 năm; Bị cáo Diện từ 9 tháng tù giam chuyển thành án treo.

Đoàn Nga

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/y-an-tu-hinh-trong-vu-xa-sung-19-nguoi-thuong-vong-o-dak-nong-462608.html