Vụ vượt ngục bí ẩn khiến cảnh sát Mỹ đau đầu hơn nửa thế kỷ

Chỉ với những chiếc thìa, dĩa và bè làm từ áo mưa, ba tù nhân thoát khỏi trại giam được xây trên đảo. Bí ẩn về số phận của họ khiến cảnh sát Mỹ chưa thể đưa ra giải đáp sau 55 năm.

Nhà tù liên bang Alcatraz từng được coi là trại giam an toàn nhất của Mỹ, bởi nó được cải biến từ một pháo đài dựng ngoài đảo xa.

Alcatraz nằm cách bờ biển San Francisco, California, Mỹ, hơn 2 km, chuyên giam giữ những tù nhân nguy hiểm nhất nước này từ 1934-1963.

Những dãy nhà tù chính được xây dựng trong giai đoạn 1910-1912 để làm một nhà tù quân sự.

‘Vụ trốn tù vĩ đại’

Nhà tù Alcatraz. Ảnh: AP.

Nằm trong vùng nước lạnh và dòng chảy mạnh, sương mù bao phủ phần lớn thời gian trong năm, giới chức Mỹ từng coi Alcatraz là nhà tù có hệ thống an ninh mạnh nhất.

Tuy nhiên, đêm 11/6/1962, tù nhân Frank Lee Morris, cùng hai bạn tù là anh em Clarence và John Anglin đã vượt qua một lỗ trên tường nhà giam đào bằng thìa, dĩa, chiếc dũa ăn cắp được khi lao động bắt buộc, trốn khỏi nhà tù Alcatraz tạo nên một vụ vượt ngục táo bạo nhất lịch sử nước Mỹ.

Báo chí Mỹ ngày nay vẫn gọi cuộc đào thoát này là "Vụ trốn tù vĩ đại", không chỉ bởi sự liều lĩnh của những kẻ vượt ngục, mà còn do số phận bí ẩn của chúng sau đó.

Một năm sau, nhà tù Alcatraz bị đóng cửa rồi trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Ước tính mỗi năm Alcatraz đón khoảng 4.000 du khách tới vào lễ tạ ơn.

Trong lịch sử giam giữ gần ba thập kỷ của mình, Alcatraz ghi nhận 36 vụ vượt ngục: 23 vụ bất thành, 6 vụ khác thì tù nhân bị bắn hạ, hai tù nhân khác chết đuối, theo CBS San Francisco.

Cảnh sát Mỹ cho tới nay vẫn chưa có thông tin về số phận của ba kẻ đào tẩu, dù nhiều người nói chúng đã chết đuối, song giới chức chưa từng xác nhận.

“Chúng bò ra khỏi các buồng giam, leo lên mái nhà tù, rồi sau đó bơi về phía vịnh San Francisco. Những kẻ này đã phá vỡ hệ thống”, John Catwell, một nhân viên trông coi khu du lịch Alcatraz, nói với các du khách.

Cantwell đã 26 năm làm việc ở Alcatraz, ông cho biết Hollywood từng sử dụng chính nơi này làm bối cảnh cho bộ phim “Trốn thoát khỏi Alcatraz”, dựa trên các tình tiết do cơ quan điều tra Mỹ công bố về vụ vượt ngục.

Buồng giam của ba phạm nhân Frank Lee Morris, anh em Clarence và John Anglin, được mở cửa cho công chúng. Đó là những căn phòng có kích thước 1,5 x 2,7 mét.

Đêm 11/6/1962, chúng quyết định đào thoát, sau nhiều tháng dùng thìa, dĩa, dũa, đào xuyên lớp tường bằng xi măng. Ba tên tội phạm lợi dụng hệ thống ống nước, ống thông khí để trèo lên nóc nhà tù. Sau đó, chúng chạy về phía bắc nhà giam, trượt xuống đất theo hệ thống ống khói.

Cảnh sát Mỹ, sau vô số cuộc khám nghiệm hiện trường, công bố thông tin bộ ba vượt ngục đã dùng khoảng 50 chiếc áo mưa, kết thành bè, để từ đó vượt qua vịnh San Francisco quanh năm bao phủ trong sương mù.

Cho tới nay, chưa ai có bằng chứng để xác nhận chúng đã chết hay đã vào bờ an toàn.

Kế hoạch tinh vi

Cảnh sát tìm được chiếc bè làm bằng áo mưa của ba phạm nhân trốn trại. Ảnh: AP.

Frank Lee Morris, anh em Clarence và John Anglin đã chuẩn bị cho cuộc vượt ngục trong nhiều tháng, ăn cắp đồ nghề trong các trại lao động bắt buộc, đem về giấu trong buồng giam. Cảnh sát Mỹ sau này tìm thấy các bộ phận làm mái chèo, được ghép từ nhiều mảnh gỗ, dạt vào đảo Angel gần nhà tù.

Dựa trên dấu vân tay và nhiều xét nghiệm khác, cơ quan điều tra khẳng định đây là mái chèo được bộ ba vượt ngục sử dụng.

Sáng 12/6/1962, các giám thị trại giam Alcatraz mới biết tù nhân vượt ngục khi vào kiểm tra buồng giam. Các phạm nhân dùng khăn giấy xếp thành hình người, phần đầu được làm từ thạch cao, sơn lên để gắn tóc thật vào. Do đó, đêm trước khi vụ vượt ngục xảy ra, các quản giáo vẫn tưởng rằng tù nhân đang nằm ngủ trong buồng.

“Từng hành động trong chuỗi hành động vượt ngục được tính toán rất tinh vi”, Michael Dyke, phó chánh thanh tra cơ quan giám sát phạm nhân Mỹ, bình luận.

Ông Dyke đã dành 14 năm nghiên cứu về vụ vượt ngục táo bạo này. Chuyên gia về an ninh nhà tù, phát hiện ra ba phạm nhân đã đọc rất nhiều số của tạp chí Cơ học Phổ thông, liên quan tới kỹ thuật làm bè.

“Có giả thiết cho rằng chúng đã rời đảo theo một thời gian nhất định, căn cứ lúc thủy triều có lợi nhất với việc trốn chạy. Giả thiết khác nói ba tên tù vượt ngục đã ở Nam Mỹ. Song theo tôi, dường như chúng đã không thể đạt được mục đích”, Dyke nói.

Cơ quan giám sát nhà tù Mỹ, cho rằng chứng hạ thân nhiệt đã khiến Morris và anh em nhà Anglin chết trên đường bỏ trốn, thủy triều cùng những loài ăn xác chết trên biển đã làm nốt phần việc còn lại.

Nếu còn sống, Frank Morris hiện 90 tuổi, John và Clarence Anglin lần lượt là 86 và 87 tuổi.

“Tôi tin họ đã cập bờ an toàn, không ai biết. Tôi đoán họ đã tới Brazil”, cựu tù nhân Alcatraz, ông William Baker nói.

Baker 23 tuổi khi vào tù ở Alcatraz, ông nói đã gặp Frank Morris. “Anh ta là một gã ít nói, rất kiên nhẫn. Anh ta thực sự có thể làm tạo ra rất nhiều công cụ”.

Phòng giam của một trong ba kẻ vượt ngục, trên giường là chiếc đầu hình nộm đánh lừa giám thị. Ảnh: AP.

Là nơi ghi dấu khát khao tự do, cũng như sự tuyệt vọng muốn thoát khỏi Alcatraz của các tù nhân, câu chuyện vượt ngục không thể tưởng tượng nổi khiến nơi này trở thành điểm du lịch hấp dẫn từ thế kỷ trước tới nay.

Cuộc tìm kiếm ba phạm nhân đào tẩu, diễn ra trên diện rộng với sự tham gia của nhân viên nhà tù Alcatraz, cảnh sát, hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, song những gì thu được không nhiều. Lực lượng truy lùng chỉ vớt được một mái chèo và một bọc cao su dán kín trong đó có sổ ghi địa chỉ, mấy chục bức ảnh gia đình của ba tù nhân.

Cảnh sát Mỹ, về lý thuyết, vẫn chưa khép lại vụ án do chưa tìm được thi thể phạm nhân. Bí ẩn về số phận Morris cùng hai đồng phạm vẫn là câu hỏi chưa lời đáp.

Văn Việt

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vu-vuot-nguc-bi-an-khien-canh-sat-my-dau-dau-hon-nua-the-ky-post202973.html