Vụ vỡ ống dẫn thủy điện sông Bung 2: Hãi hùng từ những con số

Chất lượng bê tông không đạt mác thiết kế, 40% mẫu không đạt cường độ chịu nén, 86% mẫu không đạt cường độ chịu kéo và 100% mẫu không đạt dung trọng thiết kế,...

Sự cố vỡ cửa van hầm dẫn dòng công trình thủy điện sông Bung 2 (xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), đã khiến hơn 25 triệu m³ nước từ lòng hồ ào ạt trút xuống cuốn phăng tất cả tài sản của người dân nơi đây. Đã hơn 2 năm trôi qua, mảnh đất nghèo này đang dần hồi sinh và đổi thay, nhưng sâu trong tâm trí hàng trăm người dân thôn Pà Oi, xã La Dêê, nơi hạ nguồn thủy điện thì ký ức ngày ấy vẫn quá kinh hoàng, ám ảnh.

Theo đó, 16h ngày 13/9/2016, sự cố vỡ ống dẫn thủy điện xảy ra, dòng nước "giận dữ" ào ào đổ xuống cướp đi tất cả tài sản người dân. Đau xót hơn, 2 công nhân Đặng Văn T. (quê Hải Dương) và Nguyễn Minh L. (quê Phú Thọ) cũng vĩnh viễn ra đi từ ngày đó.

Vụ vỡ ống dẫn khiến vùng hạ du sông Bung 2 tan hoang, tiêu điều.

Sau khi sự việc xảy ra, bộ Công thương, tập đoàn Điện lực (EVN) vào cuộc xác định nguyên nhân, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm trời, EVN được cho vẫn chỉ đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật, kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan đến sự cố này.

Về vụ việc này, theo kết luận của bộ Công thương, thủy điện Sông Bung 2 có EVN là chủ đầu tư từ 4/2013 trở về trước, tổng công ty Phát điện 2 (GENCO 2) là chủ đầu tư tiếp về sau; đại diện chủ đầu tư là ban Quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 (ASB2); công ty Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3) là nhà thầu lập dự án, khảo sát xây dựng và lập bản vẽ thi công; liên danh nhà thầu tư vấn PECC3 và viện Thiết kế Côn Minh Trung Quốc là nhà thầu thiết kế kỹ thuật; công ty Tư vấn xây dựng 2 (PECC2) là nhà thầu thẩm tra; tổng công ty Xây dựng Lũng Lô là nhà thầu xây dựng hầm dẫn dòng.

Theo bộ Công thương, EVN phải chịu trách nhiệm với chức năng là chủ đầu tư về đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình hầm dẫn dòng. Theo đó, GENCO 2 cũng phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về quyết định tiến độ, thời điểm tích nước, chất lượng, kết quả đóng cống tích nước. ASB2 chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về quản lý và giám sát chất lượng xây dựng công trình. PECC3 và viện Thiết kế Côn Minh Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thiết kế xây dựng công trình. PECC2 chịu trách nhiệm về chất lượng thẩm tra thiết kế kỹ thuật chất lượng công trình; tổng công ty xây dựng Lũng Lô phải chịu trách nhiệm về chất lượng thi công hầm dẫn dòng.

Cơ quan chức năng đang xem xét xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan trong sự cố nghiêm trọng này.

Những con số từ kết luận của cơ quan chức năng bộ Công thương cũng thể hiện, việc tổ chức thi công của nhà thầu chưa tốt dẫn đến chất lượng bê tông không đạt mác thiết kế. Cụ thể: 40% mẫu không đạt cường độ chịu nén, 86% mẫu không đạt cường độ chịu kéo, 100% mẫu không đạt dung trọng, việc bố trí cốt thép lớn hơn so với yêu cầu...

Nghiêm trọng hơn, kết cấu tháp van hầm dẫn dòng là kết cấu chịu lực quan trọng, phức tạp nhưng dự án không thực hiện tính toán kết cấu ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật; phương pháp tính toán chưa phù hợp nên vẫn thiếu cốt thép chịu lực trụ pin, tháp van hầm dẫn dòng; chất lượng thi công bê tông cốt thép không đạt yêu cầu... Đây được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố.

Thủy điện Sông Bung 2 có dung tích hồ chứa 94,3 triệu m³, đập dâng cao 98 m, công suất 100 MW có số vốn đầu tư ban đầu hơn 3.600 tỷ đồng, sau đó đội vốn thêm hơn 1.600 tỷ đồng. Trong số các đơn vị có liên quan thì viện Thiết kế Côn Minh Trung Quốc là nhà thầu thiết kế kỹ thuật. Nhưng viện này không có giấy phép thầu hoạt động tại Việt Nam. Hiện, chưa rõ lý do gì khiến PECC3 lại liên danh với đơn vị này trở thành nhà thầu thiết kế kỹ thuật.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vu-vo-ong-dan-thuy-dien-song-bung-2-hai-hung-tu-nhung-con-so-a363608.html