Vụ vỡ đập thủy điện ở Lào sẽ không ảnh hưởng lớn tới Đồng bằng sông Cửu Long

Khi bị vỡ, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy (Lào) đang trong quá trình thi công và tích nước, tuy nhiên chưa thể có thông số chính xác về lượng nước, còn con số 5 tỷ m3 là không chính xác.

 Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ gây ngập lụt ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào. Ảnh: IT

Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ gây ngập lụt ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào. Ảnh: IT

Nước từ thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy về Việt Nam mất khoảng 5 - 6 ngày

Liên quan đến sự việc, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào bị vỡ đêm 23/7, có nhiều thông tin cho rằng 5 tỷ m3 nước của đập này đổ xuống sẽ có ảnh hưởng tới các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nước ta.

Về vấn đề trên, tối 24/7, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Người Lao động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết: "Thông tin các báo mạng đang nói về đập thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy là hết sức không chính xác".
Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tìm hiểu, cũng như Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với phía Lào, cho thấy: "Đây là chiếc đập đang trong quá trình thi công. Dung tích thiết kế là 1,034 tỷ m3 chứ không phải 5 tỷ m3 như các báo đưa. Đập đang được thi công và đã bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác", ông Thắng cho hay.
Hiện các cơ quan khoa học của Việt Nam đánh giá, khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay, và các nhà khoa học vẫn đang giám sát chặt diễn biến sự việc.
"Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian sẽ nước từ thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5 - 6 ngày", ông Thắng cung cấp thông tin.
Trong khi đó PGS.TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong trả lời báo chí, theo thông tin ông nắm được, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy cao 73 mét và dung tích khoảng 1 tỷ m3. Hiện Lào không có hồ nào lớn để chứa được 5 tỷ m3 nước. Đây là đập không lớn nằm ở nhánh sông, và cách nước ta khoảng 800km, dọc theo dòng sông. Chính vì vậy việc vỡ đập này sẽ không có nhiều tác động tới nước ta.
Trước đó vào 20h ngày 23/7, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy (huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu) bị vỡ. Sự cố làm hàng trăm người mất tích, hơn 1.300 nhà bị ngập nước với hơn 6.600 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Đây là đập thủy điện do Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào liên doanh thi công. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Vụ vỡ đập đã gây ngập nặng cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản bị ngập hoàn toàn. Đến chiều nay (24/7), lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của 28 người và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Thông tin từ cơ quan chức năng của Lào cho biết, sáng 24/7, mực nước đo tại bản Veurnpheng huyện Sanamxay vẫn còn cao ở mức 15m. Chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ các lực lượng tham gia tìm kiếm những người còn mất tích.

Cuộc sống của hàng vạn người dân Lào bị đảo lộn sau sự cố

Chưa có thông tin người Việt bị thương vong
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, hiện chưa có thông tin về người Việt tại Lào bị thương vong trong vụ vỡ đập thủy điện. Có 1 xưởng cưa của người Việt gồm 5 công nhân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, song rất may các công nhân đã thoát nạn.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí tối 24/7, ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, có 26 công nhân Việt Nam và Lào đang bị cô lập do vỡ đập thủy điện. Những công nhân này đang bị kẹt trên 1 quả đồi. Hiện HAGL đã lên kế hoạch thuê máy bay đi Lào giải cứu các công nhân ngay trong ngày mai.
Được biết, khu vực vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy là vùng trồng chủ yếu cao su của HAGL. Tuy nhiên số cao su này là cây đã trưởng thành nên không bị ảnh hưởng nhiều. Với vườn cây ăn trái, doanh nghiệp canh tác ở khu vực khác nên không bị tác động.
Khu vực bị ngập lũ sau sự cố vỡ đập chủ yếu người Lào sinh sống. Người Việt tại Nam Lào nói chung và Attapeu nói riêng thường chỉ sang buôn bán, khai khoáng, làm các dịch vụ liên quan đến khai thác, chế biến gỗ... Tuy nhiên thời gian gần đây, khi chính quyền Lào đã siết chặt việc mua bán, khai thác gỗ, khai khoáng nên nhiều người Việt đã về nước. Cho nên rất ít khả năng người Việt bị nạn trong sự cố vỡ đập.

Văn phòng Thủ tướng Lào ngày 24/7 cho biết, Chính phủ nước này đã công bố khu vực chịu sự ảnh hưởng của ngập lụt tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, là vùng thiên tai khẩn cấp, chịu tác động trực tiếp từ sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy.

Nam Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-vo-dap-thuy-dien-o-lao-se-khong-anh-huong-lon-toi-dong-bang-song-cuu-long-321492.html