Vụ vỡ đập thải nhà máy phân bón DAP số 2 ở Lào Cai: Cần xử lý nghiêm!

Sau sự cố vỡ đập thải nhà máy phân bón DAP số 2 ở Lào Cai, những ngôi nhà dân vẫn lấm lem bùn đất, hoang phế không ai dám ở.

Gần 1 tuần sau sự cố, vết tích trận lũ nước và bùn thải từ nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (thuộc Công ty Cổ phần DAP số 2) tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai dội xuống khu dân cư phía dưới vẫn in hằn, những ngôi nhà lấm lem, hoang phế không ai dám ở, dòng suối nhỏ cắt ngang tỉnh lộ 151 nhuộm trắng bột vôi như đang thời kỳ đại dịch, hai bên cỏ cây cũng chết lụi đi vì acid.

Những người dân quanh đó dù đã dời đi sơ tán an toàn, nhưng ai nấy vẫn chưa khỏi bàng hoàng, sợ hãi và đều tự an ủi rằng còn may là tử thần đã mỉm cười với họ.

Con suối nhỏ dưới chân đập thải bị ô nhiễm nặng.

Những lời hứa xuông

Ông Trần Công Vững ở tổ 7, thị trấn Tằng Loỏng nhớ lại, khi những người dân trong vùng đang sinh sống yên ổn từ bao đời thì nhà máy về, ban đầu cũng quảng bá là công nghệ “xanh, sạch, đẹp”, không độc hại tới môi trường, bà con cứ yên tâm ở, thế nhưng khi đi vào hoạt động thì lại hoàn toàn trái ngược.

“Người dân chúng tôi quanh đây ngày nào cũng phải hứng mùi hóa chất, sự cố nhà máy thì cũng xảy ra nhiều lần rồi, lần này có chăng chỉ là giọt nước tràn ly thôi”, ông Vững bức xúc.

Nhiều người cũng chưa quên, cách đây gần 4 năm, sau khi mẻ sản phẩm đầu tiên ra lò, mở ra cánh cửa hy vọng về một nhà máy phân bón hiện đại, sử dụng thiết bị, công nghệ của Mỹ và châu Âu an toàn với môi trường, đạt hiệu quả cao, hứa hẹn mang về nguồn thu cho ngân sách địa phương 300 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Ngay năm đầu tiên đi vào sản xuất là 2015, doanh nghiệp bắt đầu tụt dốc không phanh, thua lỗ chồng chất mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Song song với đó, trong cả 4 năm hoạt động, chưa năm nào nhà máy này không xảy ra vi phạm về lĩnh vực môi trường. Sau mỗi lần vi phạm, chính quyền đều có hình thức xử phạt và chế tài kèm theo, nhưng phải chăng đâu lại hoàn đó, tái phạm vẫn cứ tái phạm.

Bùn thải từ nhà máy phân bón tràn ra ngoài môi trường.

Vụ việc đã được cảnh báo

Qua tìm hiểu, trước khi sự cố vỡ đập xảy ra, tháng 5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã tới kiểm tra nhà máy DAP số 2 và đưa ra những nhận định về an toàn đập gửi tới UBND tỉnh và Tổng Cục môi trường tại báo cáo số 117. Khi đó, nước trong đập từ băng tải đến trạm bơm chỉ còn cách mép đập khoảng 10 - 15cm và bị rò rỉ ra ngoài; thân đập có dấu hiệu ngấm no nước dẫn đến nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Nhận thấy tình hình cấp bách, UBND tỉnh Lào Cai đã gửi văn bản số 2206 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổng Cục môi trường nhanh chóng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng công trình bãi thải, hồ chứa nước thải của nhà máy để có giải pháp hữu hiệu.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu công ty không tiếp tục đổ chất thải vào bãi chứa, tập trung hạ thấp mực nước trong hồ, khắc phục rò rỉ, lót đáy chống thấm, kiên cố hóa, đảm bảo an toàn cho thân đập bằng kè đá và bê tông… Đồng thời giao huyện Bảo Thắng khẩn trương hoàn thiện phương án di chuyển các hộ dân quanh khu vực bãi thải ra nơi an toàn. Tất cả những nội dung chỉ đạo đều yêu cầu hoàn tất trong tháng 6/2018.

Sau hơn 3 tháng, tới ngày 7/9, đúng lúc những cơn mưa lớn cuối cùng trong năm kéo về thì sự cố xảy ra, khi đó những vấn đề mất an toàn nghiêm trọng của bãi thải vẫn đang trong quá trình khắc phục.

Bài học và trách nhiệm

Theo ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, vụ việc đã được cảnh báo trước, nhưng doanh nghiệp còn quá chủ quan và lúng túng trong xử lý dẫn đến khắc phục chậm trễ để xảy ra sự cố.

“Thời gian tới Lào Cai cần phải làm quyết liệt, cơ quan quản lý nhà nước phải cùng với doanh nghiệp tổng rà soát. Khi phát hiện có nguy cơ thì phải yêu cầu có biện pháp giải quyết ngay lập tức, không để chủ quan kéo dài và lúng túng dẫn đến xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa rồi”, ông Dương khẳng định.

Về góc độ quản lý nhà nước, ông Dương cho rằng cần phải triển khai bài bản ngay từ lúc làm thủ tục chứng nhận đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá chặt chẽ tác động môi trường đối với các dự án và phải có biện pháp xử lý cứng rắn, cương quyết hơn đối với những trường hợp không đạt yêu cầu.

“Hồ sơ thiết kế và thi công không đạt thì cương quyết không cho dự án hoạt động. Còn những hạng mục khi phát hiện có nguy cơ mất an toàn, ngoài việc xử phạt hành chính, yêu cầu đình chỉ bằng văn bản cũng cần áp dụng các biện pháp cứng rắn như cắt điện, cắt nước buộc doanh nghiệp phải khắc phục triệt để mới cho hoạt động trở lại”, ông Dương nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên tại Lào Cai xảy ra sự cố liên quan đến hồ đập thải. Trước đó, ngay hồi đầu năm 2018 đã xảy ra hai vụ việc tương tự tại hồ thải nhà máy tuyển Apatit và hồ thải tuần hoàn Nhà máy acid trích ly, thuộc Công ty Cổ phần hóa chất Đức Giang. Hiện nay, toàn tỉnh cũng đang có gần chục hồ đập thải công nghiệp, có những hồ dung tích lên tới cả chục triệu mét khối, và bất cứ lúc nào đều tiềm ẩn những sự cố bất ngờ.

Vẫn biết rằng sự cố là điều không mong muốn và luôn có xác suất xảy ra. Nhưng sự cố xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, dù là của doanh nghiệp hay cơ quan quản lý thì đều thật đáng trách và nếu đúng như vậy thì cần phải xử lý nghiêm!/.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/vu-vo-dap-thai-nha-may-phan-bon-dap-so-2-o-lao-cai-can-xu-ly-nghiem-812140.vov