Vụ Vinasun kiện GrabTaxi: Tiếp tục tranh cãi về thiệt hại

Trong khi phía Vinasun cho rằng, thiệt hại của công ty mình là do GrabTaxi, thì GrabTaxi lại phủ nhận và khẳng định việc Vinasun kiện đòi bồi thường là không có căn cứ.

Vinasun giữ nguyên yêu cầu đòi bồi thường

Chiều 23/11, Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) tiếp tục phiên tòa xét xử kiện Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và GrabTaxi.

Trước đó, vào sáng hôm qua (22/11), cấp tòa này mở lại phiên xử này sau thời gian tạm ngưng để yêu cầu công ty Cửu Long (đơn vị giám định thiệt hại trong vụ án) cung cấp tài liệu liên quan đến việc giám định thiệt hại của phía Vinasun.

Theo đó, tòa đã có văn bản yêu cầu công ty giám định Cửu Long giải thích về giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, công ty căn cứ vào đâu để kết luận giá cổ phiếu Vinasun sụt giảm.

Trong văn bản trả lời, công ty Cửu Long cho rằng, căn cứ điểm số thị trường chứng khoán TP.HCM ngày 31/12/2015 tại 3 công ty chứng khoán, các công ty này đều nhận định chính sự xâm nhập thị trường của GrabTaxi làm sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp, dẫn đến cổ phiếu Vinasun giảm sút.

Công ty Cửu Long căn cứ vào nhận định của 3 công ty chứng khoán để kết luận đủ cơ sở kết luận yếu tố tác động tiêu cực duy nhất là sự xuất hiện của Uber, Grab.

Khi chủ tọa công bố văn bản trả lời của công ty Cửu Long, phía Vinasun đồng tình với cách giải thích trên. Trong khi đó, đại diện GrabTaxi phản đối kịch liệt.

Đại diện Vinasun.

Đến phiên tòa chiều nay, HĐXX hỏi hai bên nguyên và bị đơn có câu hỏi mới hay vấn đề gì mới trình bày không. Hai bên đều cho biết không còn câu hỏi nào khác. Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chấm dứt phần hỏi, chuyển sang phần tranh luận.

Tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Đức, bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn cho rằng, ông hoàn toàn đồng tình với giải tích của công ty Cửu Long về sự thiệt hại của Vinasun, mà nguyên nhân là từ những sai phạm của GrabTaxi. Vị luật sư này cũng cho rằng, Vinasun yêu cầu GrabTaxi phải bồi thường là hợp lý.

Theo luật sư Đức, trong các kết luận của công ty Cửu Long đều đưa ra những số liệu cụ thể thể hiện mức độ thiệt hại của Vinasun, trên thực tế, con số thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong kết luận.

Theo kết luận giám định của công ty Cửu Long, tổng số thiệt hại do Grab và Uber gây ra là 158,6 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do GrabTaxi gây ra là 85,9 tỷ đồng. Do các số liệu thiệt hại khác nhau nhưng đều có điểm chung là thiệt hại của Vinasun do GrabTaxi gây ra.

LS Đức khẳng định sự xuất hiện và xâm nhập thị trường của Grab là nguyên nhân chính làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó có Vinasun.

Về thiệt hại thực tế, theo luật sư Đức, mỗi năm có hơn 8.000 tài xế nghỉ việc và Vinasun phải bỏ ra số tiền gần 9 tỷ đồng để trợ cấp những người lao động này. Số xe nằm bãi ngày càng nhiều, Vinasun cũng phải bỏ ra nhiều chi phí để bảo trì, trả nợ ngân hàng và các chi phí khác cho việc số xe nằm bãi này.

“Đối với những sụt giảm thị trường và lợi nhuận của Vinasun là có mối quan hệ nhân quả với Grab và do sự xâm nhập thị trường taxi của Grab. Tôi đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và quan điểm của VKS về việc Grab bồi thường gần 42 tỷ đồng cho Vinasun”, luật sư Đức nêu.

Trình bày bổ sung, người đại diện Vinasun cho rằng số lượng Grab tăng lên tương ứng với sự sụt giảm của Vinasun. Do Grab thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi, những chuyến xe 0 đồng…nên khách hàng chuyển qua sử dụng GrabTaxi, thay vì sử dụng dịch vụ của Vinasun.

Người đại diện của Vinasun cũng cho biết, nguyên nhân của những thiệt hại của Vinasun là từ GrabTaxi nên yêu cầu đơn vị này phải bồi thường.

Grab cũng có những lý lẽ của riêng mình

Là người bảo vệ quyền lợi cho GrabTaxi, luật sư Đinh Tiến Dũng cho rằng, bản thân báo cáo của các công ty trong bản giám định là không chính xác, không toàn diện thì căn cứ vào đâu lại cho rằng nguyên do là Grab gây ra.

Đại diện GrabTaxi.

Luật sư cho rằng, việc xác định thiệt hại trong vụ án này là không có cơ sở và không có mối quan hệ nhân quả nào. “Ai dám khẳng định số lượng xe nằm bãi là chính xác? Lý luận mà phía nguyên đơn đưa ra là vô lý”, luật sư trình bày.

Liên quan đến vấn đề xác định thiệt hại và chi phí liên quan trong báo cáo của công ty Cửu Long, luật sư Dũng đặt ra câu hỏi, đó có phải là thiệt hại không.

“Những chi phí mà báo cáo nêu ra là chi phí cố định của nguyên đơn khi thể hiện thiệt hại về số xe nằm bãi. Còn giá trị vốn hóa thị trường không phải là tài sản của Vinasun thì không thể coi là thiệt hại. Nếu xác định lợi nhuận giảm là thiệt hại thì nguyên đơn phải thể hiện rõ doanh thu của năm trước, năm nay và chi phí tăng hay giảm. Bởi lợi nhuận giảm là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra”, luật sư Dũng phân tích.

Về số lượng tài xế, theo phía Grab, Vinasun đã đưa ra những thông tin mâu thuẫn khi họ đưa ra những con số người lao động bị sa thải. Về các con số mà Vinasun đưa ra, Grab đề nghị phía Vinasun cung cấp bằng chứng.

Đáp trả ý kiến của Grab, đại diện Vinasun lý giải về số lượng xe nằm bãi của Vinasun là có thật. Liên quan đến cổ phiếu và cổ tức mà Vinasun đã trình bày, phía nguyên đơn vẫn giữ nguyên quan điểm và cho rằng, cần có học vấn và kiến thức mới hiểu được.

Không đồng ý với Vinasun, phía Grab lại cho rằng, phía Vinasun đang cố tình cung cấp số liệu sai. Ở mỗi phiên tòa, nguyên đơn lại đưa ra số liệu mới và phía Grab vẫn chưa nhận được bất cứ bằng chứng nào.

Đại diện Grab cho biết, Grab đồng ý với lời trình bày của Vinasun liên quan đến số xe nằm bãi. Tuy nhiên, nguyên nhân có phải do Grab hay từ lý do nào khác thì cần phải xem xét lại. Bên cạnh đó, Grab cho rằng những lập luận liên quan đến cổ phiếu, cổ tức mà phía luật sư Vinasun đưa ra là không chính xác.

Cuối giờ làm việc buổi chiều, HĐXX quyết định vào hội ý. Khi trở lại phiên tòa, HĐXX thông báo, đây là phiên tòa phức tạp và liên quan đến nhiều bên nên xét thấy cần thời gian để xem xét, cân nhắc toàn diện. Vì nhiều lý do khách quan nên không thể kết thúc phiên tòa sớm, HĐXX thống nhất phiên tòa chiều nay nghỉ và sẽ tiếp tục làm việc vào 8h sáng ngày 30/11.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-vinasun-kien-grabtaxi-tiep-tuc-tranh-cai-ve-thiet-hai-a412057.html