Vụ Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường: 'Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay'

Trong khi Vinasun cho rằng GrabTaxi có hàng loạt vi phạm khiến lợi nhuận của đơn vị này sụt giảm, hàng ngàn tài xế phải nghỉ việc thì phía GrabTaxi lại khẳng định kinh doanh đúng luật và yêu cầu tòa đình chỉ vụ kiện.

Clip: Lần thứ tư mở phiên tòa xử vụ Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng

Sáng 17/10, tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) đưa vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi) ra xét xử.

Đại diện Vinasun tại tòa.

Đại diện GrabTaxi.

Đại diện nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng tại tòa là ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Vinasun. Trong khi đó, đại diện bị đơn có ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore) là CEO Grab tại Việt Nam được ủy quyền tham gia phiên tòa. Đây là lần thứ tư phiên tòa được mở để giải quyết vụ kiện tranh chấp này.

Trong phần thủ tục, phía bị đơn là GrabTaxi đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt người giám định nên không thể làm rõ kết quả trưng cầu giám định. Ngoài ra, bị đơn đề nghị không công bố các tài liệu là bí mật kinh doanh của GrabTaxi cũng như các hợp đồng giữa bị đơn với các đối tác.

Phát biểu quan điểm của mình, đại diện VKS cho rằng, trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ kết quả giám định nên không cần thiết phải hoãn phiên tòa do không ảnh hưởng đến việc tranh tụng. Từ đó, VKS đề nghị tiếp tục phiên tòa xét xử.

Sau khi hội ý, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa của phía bị đơn. Theo HĐXX, dù giám định viên không có mặt nhưng đã có kết quả giám định trong hồ sơ vụ án, nếu trong quá trình tranh tụng, HĐXX nhận thấy cần triệu tập để làm rõ các vấn đề thì sẽ cân nhắc sau.

Về yêu cầu của bị đơn không công khai các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa GrabTaxi và đối tác vì đó là bí mật kinh doanh, không được cung cấp cho bên thứ ba, HĐXX cho rằng, phía GrabTaxi có yêu cầu tòa bảo mật danh sách hợp tác xã và hợp đồng hợp tác kinh doanh của tài xế với hợp tác xã. Yêu cầu trên bị Vinasun khiếu nại và được Phó Chánh án TAND TP.HCM đồng ý cho Vinasun tiếp cận, sao chụp hồ sơ của GrabTaxi. Phía GrabTaxi có khiếu nại lên cấp cao hơn nhưng đều không được chấp nhận bởi việc Vinasun tiếp cận tài liệu là không vi phạm pháp luật. Do đó, HĐXX không chấp nhận giữ bí mật kinh doanh của GrabTaxi.

Tại tòa, Vinasun cho rằng phía GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh… Hành vi này đã gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun, khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

GrabTaxi đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vi phạm đề án thí điểm của bộ GTVT, khuyến mại tràn lan, phá giá... và là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Đến hết quý II/2017, hơn 8.000 nhân viên của Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi. Vinasun yêu cầu tòa buộc GrabTaxi phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên 41 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm trong hai năm 2016, 2017.

Trong khi đó, đại diện GrabTaxi lại cho rằng, cáo buộc của phía Vinasun là không có căn cứ. Việc kinh doanh của GrabTaxi không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Người đại diện của GrabTaxi cũng khẳng định họ kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam, đúng các quy định về kinh doanh vận tải và nộp thuế đầy đủ chứ không hề trốn thuế như Vinasun trình bày.

Phía GrabTaxi đề nghị HĐXX không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Vinasun, đình chỉ vụ án.

Phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-vinasun-kien-grabtaxi-doi-boi-thuong-su-noi-su-phai-vai-noi-vai-hay-a407620.html