Vụ việc thầy giáo bị tố dâm ô Học sinh: Không nên khái quát hóa là đáng báo động

Liên tiếp trong 2 ngày qua, vụ việc thầy giáo bị tố cáo dâm ô HS tại Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và nhắn tin 'gạ tình' HS ở Trường THPT chuyên Thái Bình đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ. GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Giáo dục, Học viện QLGD về những vụ việc tạo nên những 'vết đen' trong ngành GD.

 TS Hoàng Trung Học

TS Hoàng Trung Học

Chỉ là hiện tượng đơn lẻ

-Thưa TS Hoàng Trung Học, việc giáo viên tiểu học bị tố cáo có hành vi dâm ô HS tại Bắc Giang và nghi án thầy giáo Trường THPT chuyên Thái Bình gạ tình HS phải chăng là hiện tượng báo động về nhân cách của người thầy?

- Trước hết cần khẳng định, hành vi dâm ô của một giáo viên tại Bắc Giang nếu được cơ quan chức năng xác minh và khẳng định rõ ràng, thực sự là đáng lên án. Việc người thầy uống rượu vào buổi trưa khi biết lịch chiều vẫn phải làm việc; khi lên lớp lại không kiểm soát được hành vi cá nhân là điều không thể chấp nhận.

Những hành động như vậy không chỉ vi phạm quy định trong văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo được cụ thể trong các văn bản của ngành và những giá trị truyền thống của người thầy trong xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, trước hiện tượng này, cũng cần phải làm rõ để tránh những nhận thức không đúng đắn.

Thứ nhất, cần khẳng định, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người thầy, được xác định là diễn ra với trường hợp cụ thể là một giáo viên tiểu học.

Thứ hai, không nên khái quát thái quá theo hướng dựa trên một trường hợp đơn lẻ để kết luận đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay đáng báo động. Trong thực tế, chúng ta cần ghi nhận đại đa số nhà giáo đang thực hiện công việc của mình một cách tận tâm, trách nhiệm, đáng được trân trọng, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

-Thưa TS Hoàng Trung Học, những sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian vừa qua có làm hoen ố hình ảnh của người thầy?

- Khi đánh giá hiện tượng này chúng ta có thể liên tưởng đến những ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của người thầy trong xã hội, trong tâm thức học trò. Tuy nhiên, nói hiện tượng này làm hoen ố những giá trị của người thầy trong xã hội hiện tại thì có vẻ hơi bi quan.

Tôi cho rằng, hiện tượng cụ thể này rất đáng lên án, nhưng xã hội cũng sẽ có cái nhìn công bằng đối với rất nhiều người thầy tận tâm hy sinh và cống hiến cho ngành trong thời điểm hiện tại.

Khi nói về ảnh hưởng của hiện tượng tiêu cực này đến hình ảnh của người thầy, đến những giá trị của nghề sư phạm có thể nhận thấy, hiện tượng thầy giáo thiếu chuẩn mực, có hành vi quấy rối HS, lên lớp trong tình trạng đã uống rượu, không làm chủ được hành vi, cảm xúc là phản sư phạm, thiếu đạo đức làm thầy.

Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự nhìn nhận của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những người chưa nhận thức đầy đủ về hiện tượng tiêu cực và có xu hướng quy chụp cho tất cả nhà giáo đang miệt mài cống hiến.

Đối với học trò, đặc biệt là học trò tiểu học - lứa tuổi có đặc điểm tâm lý luôn tin tưởng tuyệt đối, thần tượng các thầy, cô giáo, hiện tượng giáo viên dâm ô với HS sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm, nhận thức, niềm tin của các em dành cho người thầy.

Nhìn rộng ra, nó có thể ảnh hưởng đến thái độ hợp tác, hứng thú học tập, thậm chí gây mất niềm tin của học trò đối với các thầy, cô, thậm chí là khủng hoảng mất niềm tin ở những nơi hiện tượng này đã từng xảy ra. Vì vậy, khi được xác minh là có thật, chúng ta cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết.

Bên cạnh những can thiệp tâm lý chuyên nghiệp không chỉ cho những HS bị dâm ô mà còn cần có những hoạt động can thiệp ở cấp độ toàn trường cho HS để phòng ngừa những sang chấn tâm lý sau sự kiện này. Ở đây, vai trò của các chuyên gia tâm lý học đường là đặc biệt quan trọng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/vu-viec-thay-giao-bi-to-dam-o-hoc-sinh-khong-nen-khai-quat-hoa-la-dang-bao-dong-3986121-b.html