Vụ việc tại Kenanga Việt Nam lâm vào bế tắc vì chưa có quy định pháp luật?

Con đường tìm lại công bằng của doanh nhân người Malaysia trên đất Việt Nam không biết bao giờ mới kết thúc khi cơ quan chức năng trả lời rằng chưa có luật.

Như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin trong bài Hành trình 5 năm tuyệt vọng đi đòi con dấu của doanh nhân Malaysia trên đất Việt, nhiều năm nay, doanh nhân Wee Kim Hong liên tục tìm đến cơ quan chức năng cầu cứu mong được trả lại công bằng cho cá nhân ông cũng như Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam (Tên giao dịch là Công ty KVS).

Theo các tài liệu ông Wee Kim Hong gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, từ năm 2013 đến nay, ông Wee Kim Hong liên tục nhờ đến các cơ quan chức năng để tìm sự trợ giúp về pháp lý, tuy nhiên rất nhiều đơn thư gửi đi nhưng mọi việc vẫn lâm vào bế tắc.

Mới đây nhất, ông Wee Kim Hong đã cung cấp cho báo Điện tử Giáo dục Việt Nam văn bản trả lời của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, theo văn bản này, có lẽ hành trình của doanh nhân người Malaysia còn nhiều gian nan.

Ông Cao Văn Sơn nói không, cơ quan chức năng nói có

Theo đó, ông Wee Kim Hong và các cổ đông của Công ty KVS đã nhận được văn bản số 336 TB/PC- 45-Đ10, ký ngày 4/7/2018, của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội về việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của nhóm cổ đông này khi tố cáo ông Cao Văn Sơn.

Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã trả lời nhiều nội dung theo tố cáo của nhóm cổ đông của công ty KVS.

Hành trình tìm lại công lý của doanh nhân Wee Kim Hong trên đất Việt không biết bao giờ mới kết thúc. (Ảnh: LC)

Hành trình tìm lại công lý của doanh nhân Wee Kim Hong trên đất Việt không biết bao giờ mới kết thúc. (Ảnh: LC)

Một trong những nội dung ông Wee Kim Hong tố giác ông Cao Văn Sơn chính là việc tố giác ông này chiếm đoạt tiền của Công ty KVS thông qua việc ký 02 hợp đồng góp vốn đầu tư với Công ty Fraden do ông Bùi Minh Cường (Sinh năm 1971, trú tại Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) làm giám đốc.

Với nội dung này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cho rằng: Căn cứ tài liệu điều tra xác minh xác định: Việc ông Cường ký 02 hợp đồng tạm ứng vốn với Công ty KVS là có thật, hợp đồng 01/HDTUVDT/KVS đã thanh lý.

Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 02/ HDTUVDT/KVS- Fraden có tài sản đảm bảo là căn nhà 99 Mai Hắc Đế, Phường Bùi Thị Xuân, Hà Nội (là tài sản của ông Nguyễn Tiến Hùng và bà Lê Kim Dung đã ủy quyền cho ông Sơn). Công ty KVS đã giải ngân số tiền 9,5 tỷ đồng theo hợp đồng này của ông Cường.

Ông Cao Văn Sơn nói gì về vụ việc tranh chấp tại Kenanga Việt Nam?

Hiện Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng chưa có kết luận về việc ông Nguyễn Tiến Hùng và Bà Lê Kim Dung ký hợp đồng ủy quyền căn nhà 99 Mai Hắc Đế, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng cho ông Sơn để đảm bảo khoản vay tạm ứng vốn Hợp đồng số 02 nên chưa xác định được thiệt hại của Công ty KVS.

Do vậy, theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, chưa đủ căn cứ kết luận ông Cao Văn Sơn có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty KVS.

Việc ông Wee Kim Hong tố cáo ông Cao Văn Sơn chiếm đoạt con dấu của Công ty KVS.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội trong thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm cho biết: Căn cứ tài liệu xác minh thu thập được, có căn cứ xác định: Cuộc họp Hội đồng quản trị tại công ty KVS ngày 25/3/2013 được tổ chức đúng theo điều lệ của Công ty KVS.

Tại cuộc họp, ông Sơn bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KVS và bầu ông Wee Kim Hông là chủ tịch Hội đồng quản trị mới với hơn 50% số cổ phần được thực hiện đúng theo điều lệ của Công ty KVS.

Như vậy cuộc họp ngày 25/3/2018 được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội xác định là đã diễn ra và được thực hiện đúng theo điều lệ của Công ty KVS.

Điều này ngược lại hoàn toàn với những gì ông Cao Văn Sơn nói với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam khi Báo làm việc với đại diện Công ty Cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam, trong buổi làm việc, ông Sơn phủ nhận hoàn toàn việc có cuộc họp ngày 25/3/2013.

Không rõ mục đích cụ thể của ông Sơn là gì khi nói với phóng viên thông tin sai sự thật như vậy.

Việc công nhận tính pháp lý của cuộc họp này đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Tuy vậy, như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, phiên xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về nội dung ông Wee Kim Hong tố cáo ông Cao Văn Sơn chiếm đoạt con dấu vẫn chưa diễn ra.

Không làm rõ được hành vi của ông Cao Văn Sơn vì thiếu luật?

Không chỉ tố cáo việc chiếm đoạt con dấu của Công ty KVS, ông Wee Kim Hong còn tố cáo ông Cao Văn Sơn làm thất thoát tiền của công ty KVS thông qua việc lập các hợp đồng bảo lãnh cho các cá nhân và tổ chức vay tiền của các ngân hàng vào năm 2012.

Đâu là mấu chốt khiến hành trình của doanh nhân người Malaysia thêm tuyệt vọng?

Đối với nội dung này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội xác định tại thời điểm năm 2012, các văn bản pháp luật liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa có quy định điều chỉnh đối với hoạt động này của thị trường chứng khoán, do đó không thể kết luận việc công ty KVS ký bảo lãnh là đúng hay sai.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cũng thông báo, trong quá trình xác minh, ông Sơn không lên làm việc nên không làm rõ được công ty KVS đã nhận và sử dụng số tiền lãi đã nhận của Công ty cổ phần dịch vụ y tế Phúc Thái ra sao.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội không thể kết luận việc công ty KVS ký bảo lãnh là đúng hay sai. (Ảnh: NVCC)

Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội xác định chưa đủ căn cứ xác định ông Sơn làm thất thoát tiền của công ty KVS.

Ngày 15/6/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin này.

Câu trả lời của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khiến doanh nhân người Malaysia, ông Wee Kim Hong thất vọng.

Bày tỏ với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Wee Kim Hong cho biết, ông vẫn tin tưởng vào hệ thống pháp luật của Việt Nam, sự công tâm của các cơ quan chức năng trong việc giúp ông đòi lại quyền lợi trong Công ty KVS.

(Còn nữa)

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/vu-viec-tai-kenanga-viet-nam-lam-vao-be-tac-vi-chua-co-quy-dinh-phap-luat-post191611.gd