Vụ việc 'Hơn 9 năm không lấy lại được tiền tỷ đã chuyển nhầm vào tài khoản cá nhân tại Techcombank': 'Nạn nhân' đề nghị Cơ quan CSĐT vào cuộc

'Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự' - Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty Luật TNHH Đại Nam, khi nói về việc bà Nguyễn Thị Thảo không hoàn trả lại số tiền nhận chuyển khoản nhầm từ Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ vận tải Quốc tế (Cty Quốc tế) dù Cty đã nhiều lần liên hệ để yêu cầu hoàn trả lại số tiền trên.

Như Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã thông tin, trong quá trình giao dịch tại Ngân hàng Techcombank, ngày 04/6/2010, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ vận tải Quốc tế (Cty Quốc tế) đã chuyển khoản nhầm 4 tỷ đồng vào tài khoản số 108.20922454.014 tại Ngân hàng Techcombank – Chi nhánh Cửa Nam do bà Nguyễn Thị Thảo (ở phòng 505 nhà tập thể 40 Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) làm chủ tài khoản.

Sau khi phát hiện việc chuyển khoản nhầm, Cty Quốc tế đã nhiều lần đề nghị bà Thảo hoàn trả lại gốc và lãi của số tiền trên nhưng đến nay bà Thảo vẫn không hoàn trả lại. Hiện, Cty Quốc tế đã hoàn toàn mất liên lạc với bà Thảo và cũng không biết bà Thảo hiện đang ở đâu (?).

Quá trình giao dịch tại Ngân hàng Techcombank, Cty Quốc tế đã chuyển khoản nhầm 4 tỷ đồng vào một tài khoản cá nhân từ tháng 6/2010 nhưng đến nay vẫn đang bị cá nhân đó chiếm giữ…

Quá trình giao dịch tại Ngân hàng Techcombank, Cty Quốc tế đã chuyển khoản nhầm 4 tỷ đồng vào một tài khoản cá nhân từ tháng 6/2010 nhưng đến nay vẫn đang bị cá nhân đó chiếm giữ…

Ngày 05/7/2019 vừa qua, Ngân hàng Techcombank – Chi nhánh Đông Đô đã có công văn số 0791 xác thực những thông tin phản ánh trên của Cty Quốc tế. Đồng thời cho biết, ngay sau khi nhận được đơn đề nghị từ Cty, phía Ngân hàng đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thảo để thông báo đề nghị trên của Cty Quốc tế, nhưng cũng không liên hệ được.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản không làm mất quyền sở hữu của chủ sở hữu số tiền. Bên cạnh đó, chủ tài khoản khi tự nhiên nhận được một số tiền lớn chuyển khoản nhầm vào thì phải trả lại chủ sở hữu theo yêu cầu của họ nếu không muốn bị “dính” pháp luật.

Theo phân tích của luật sư, bằng những thông tin mà Cty Quốc tế cung cấp và việc bà Thảo không chứng minh được giữa hai bên có một thỏa thuận nào khác thì hành vi của bà Thảo đang có dấu hiệu vi phạm của tội danh “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo khoản 2, Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, bằng những thông tin mà Cty Quốc tế cung cấp và việc bà Thảo không chứng minh được giữa hai bên có một thỏa thuận nào khác thì hành vi của bà Thảo đang có dấu hiệu vi phạm của tội danh “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo khoản 2, Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, việc cố tình chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài hình phạt từ, người vi phạm sẽ phải trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu số tiền bị chiếm đoạt.

Theo ông Tuấn, nếu bà Thảo đã sử dụng số tiền trên thì có thể bị xem xét truy cứu “tội sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015. Với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ 2 năm, cao nhất là 7 năm tù.

Thực tế, nhiều vụ án liên quan đến nhận tiền chuyển nhầm nhưng giữ luôn không trả đã bị đưa ra xét xử với hình phạt tù. Như trường hợp Nguyễn Quốc Khánh (SN 1975, ở tỉnh Bình Dương) đã bị đi tù vì không trả lại tiền bị chuyển khoản nhầm vào tài khoản, cụ thể là ngày 22/1/2016, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương chuyển khoản nhầm vào tài khoản của Khánh số tiền 16 triệu đồng. Khi phát hiện bị chuyển nhầm, bà Sương đã yêu cầu Khánh trả lại nhưng Khánh không trả mà bỏ trốn. Sự việc được đưa ra Công an và Khánh bị TAND thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) tuyên phạt 7 tháng tù giam vì “tội chiếm giữ trái phép tài sản”.

Hay trường hợp của Nguyễn Văn Cảnh (35 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) bị TAND thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm 9 tháng tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo hồ sơ, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Ricons (Cty Ricons) có làm thủ tục chuyển khoản số tiền hơn 178 triệu đồng nhầm vào tài khoản của Cảnh. Ngay sau đó, Cty nhiều lần thông báo cho Cảnh biết là chuyển nhầm tiền nhưng Cảnh vờ như không nhận được tiền chuyển nhầm nhưng thực tế Cảnh đã rút hết số tiền trên. Cty Ricons cử người đến nhà Cảnh để yêu cầu hoàn trả tiền nhưng Cảnh không trả và nói đã xài hết tiền nên Cty đã trình báo Công an.

Liên quan đến việc chuyển khoản nhầm vào tài khoản bà Nguyễn Thị Thảo, Cty Quốc tế hiện đã gửi đơn trình báo ra cơ quan Công an để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Dấu hiệu gian dối từ hai dự án vẽ trên “giấy”?

Năm 2016, báo chí đã từng có nhiều bài phản ánh việc việc bà Nguyễn Thị Thảo có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản tại hai dự án đầu tư xây dựng nhà tại số 35 phố Nhà Chung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Dự án Khu liên hợp Kinh doanh Khách sạn Du lịch Thể thao Thương mại (Cửa Lò, Nghệ An).

Cụ thể, tháng 5/2010, bà Hiền đã chuyển khoản góp vốn cho bà Thảo 6 tỷ đồng để cùng nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích tại số nhà 35 Nhà Chung từ các hộ dân đang sinh sống nơi đây, rồi sẽ cùng nhau đầu tư và khai thác toàn bộ phần diện tích đã nhận chuyển nhượng. Vậy nhưng kể từ khi nhận tiền chuyển khoản, bà Thảo không hề triển khai những thỏa thuận mà hai bên đã ký kết (?).

Đến ngày 14/7/2010, liên quan đến Dự án Khu liên hợp Kinh doanh Khách sạn Du lịch Thể thao Thương mại tại Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), bà Thảo tiếp tục mời chào bà Hiền cùng góp vốn để hợp tác thực hiện dự án Cửa Lò. Bà Hiền đã chuyển khoản số tiền 5 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của bà thảo để góp vốn. Tuy nhiên, dự án này đã bị chấm dứt và không thể triển khai tiếp. Số tiền 5 tỷ đồng bà Hiền chuyển khoản không được hoàn trả đầy đủ.

Trong hai dự án tại Cửa Lò cũng như dự án 35 Nhà Chung, bà Thảo đều đã tự ý huy động vốn từ các nhà đầu tư khi dự án vẫn còn đang nằm trên “giấy”, điều này trái với quy định của pháp luật.

Đáng nói, sau khi nhận tiền từ các nhà đầu tư, các dự án mà bà chào mời đều dừng hoặc không triển khai nhưng bà Thảo lại cố tình né tránh hoặc trốn tránh việc hoàn trả lại số tiền đã nhận từ các nhà đầu tư.

Bà Thảo có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 14 BLHS quy định: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

Quay trở lại hai dự án mà bà Hiền đã góp vốn, sau nhiều lần hứa hẹn, bà Thảo vẫn chưa hoàn trả hết số tiền mà bà Hiền đã chuyển khoản cho hai dự án trên. Hiện bà Thảo vẫn còn nợ bà Hiền số tiền gần 3 tỷ đồng.

Nguyễn Tuấn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/vu-viec-hon-9-nam-khong-lay-lai-duoc-tien-ty-da-chuyen-nham-vao-tai-khoan-ca-nhan-tai-techcombank-nan-nhan-de-nghi-co-quan-csdt-vao-cuoc-22409