Vụ việc của đương sự đã xem xét, giải quyết

Việc đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 106/2018/DS-PT ngày 28-5-2018 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang về 'Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ); đòi QSDĐ và bồi thường thiệt hại'của gia đình ông Nguyễn Văn Men, bà Nguyễn Thị Mãnh không có cơ sở giải quyết. Từ đó, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và vụ việc đã xem xét, giải quyết theo quy định.

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, ông Nguyễn Văn Men (sinh năm 1954), bà Nguyễn Thị Mãnh (sinh năm 1960) và các con ông bà ngụ ấp Phú Quới (xã Phú An, Phú Tân) cho biết, năm 1997, gia đình có sang nhượng 700m2 đất lúa 2 vụ cho bà Lê Thị Hởi ở cùng xóm. Vị trí phía sau phần đất bán là trồng lúa, phần trước cặp Tỉnh lộ 954 là cái hầm không chịu bán, trồng nhiều cây bạch đàn. Khi nhà nước mở rộng con đường, đất này trở thành mặt tiền, diện tích được nâng lên đến 939,1m2 đất.

Khoảng năm 2009, gia đình ông xin chuộc lại phần đất sang nhượng nhưng bà Hởi không đồng ý, ông đốn cây bạch đàn cất nhà để ở. Thấy bị thiệt hại, ông làm đơn khởi kiện và vụ việc được TAND huyện Phú Tân giải quyết năm 2011 và được TAND tỉnh An Giang giải quyết năm 2012. Sau đó, TAND huyện Phú Tân xét xử lần 2 và kết quả bác yêu cầu đòi QSDĐ của gia đình ông. Cụ thể, tòa án chấp nhận một phần yêu cầu của ông Men, bà Mãnh; công nhận diện tích ông Men, bà Mãnh chuyển nhượng QSDĐ 939,1m2 đất cho bà Lê Thị Hởi; đồng thời buộc gia đình ông Men tháo dỡ, di dời nhà, vật kiến trúc trả lại diện tích 535,6m2 đất cho bà Hởi.

Ông Nguyễn Văn Men trình bày vụ việc với Báo An Giang

“Lúc sang nhượng phần đất, gia đình tôi có làm “tờ mua bán đất” nhưng tờ giấy này sau đó có dấu hiệu sửa chữa, không đúng với thực tế. Dù gia đình tôi đề nghị tòa án xem xét lại tờ giấy bán đất nhưng vẫn không được tòa án 2 cấp xem xét, giải quyết. Phần đất tôi bán trước đây chỉ 700m2 đất, sao nay lên đến 939,1m2 đất và số dư này phải là của gia đình tôi mới phải” - ông Nguyễn Văn Men bổ sung. Giải thích việc này, bà Lê Thị Hởi cho biết, số đất bà sang nhượng của gia đình ông Men, bà Mãnh giáp phần đất với nhiều người, hiện bà còn giữ tờ giấy mua bán đất. Đất sang nhượng có chiều ngang 17,50m, dài từ bờ đập đất ruộng đến mí Tỉnh lộ 954, dù diện tích mua 700m2 đất nhưng đo thực tế đến 939,1m2 đất, được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đất mua có cái hầm lớn cặp con đường lớn ở nông thôn và qua nhiều năm cải tạo nên số đất dôi dư ra. Sau đó, gia đình ông Men tự cải tạo đất, bó nền, xuống trụ đá cất nhà chiếm số đất đã bán, từ đó xảy ra tranh chấp, khởi kiện đến nhiều nơi, nhiều năm. Vụ việc này đã được tòa án xem xét giải quyết, không có việc bà giả mạo giấy tờ như gia đình ông Men và bà Mãnh vu cáo.

Sau nhiều lần tòa án xem xét giải quyết, gia đình ông Men cho là bị oan nên tiếp tục khiếu nại, khởi kiện. Đến 23-1-2016, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa giám đốc thẩm xem xét lại vụ việc. Kết quả, hủy án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, giao hồ sơ vụ việc về cho TAND huyện Phú Tân xét xử sơ thẩm lại theo quy định. Ngày 22 và 28-5-2018, TAND tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ; đòi QSDĐ và bồi thường thiệt hại”. Kết quả, sửa Bản án sơ thẩm số 48/2018/DS-ST ngày 27-2-2018 của TAND huyện Phú Tân, công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ diện tích 939,1m2 ngày 19-7-1997 giữa bà Lê Thị Hởi và ông Nguyễn Văn Men, bà Nguyễn Thị Mãnh. Do bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, sau đó vụ việc đã thi hành án theo quy định của pháp luật. Gia đình ông Men tiếp tục khiếu nại đến nhiều nơi. Ngày 10-10-2019, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ra thông báo không chấp nhận kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm của gia đình ông Men, bà Mãnh. Ngày 24-8-2020, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ra thông báo về việc không kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án số 106/2018/DS-PT ngày 28-5-2018 của TAND tỉnh An Giang do không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, TAND thực hiện chế độ 2 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn theo quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án được xét xử phúc thẩm và quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật có điểm không đúng đắn. Để đảm bảo công tác xét xử, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì những bản án, quyết định có sai lầm, có hiệu lực pháp luật vẫn phải được kháng nghị để xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử, chỉ là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực do có sai lầm, vi phạm pháp luật; hoặc phát hiện ra tình tiết mới quan trọng của vụ án mà tòa án và các đương sự chưa biết, không biết.

Bài, ảnh: N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vu-viec-cua-duong-su-da-xem-xet-giai-quyet-a301395.html