Vụ việc 2 PV báo GĐVN bị hành hung: 'Chưa có thông báo của cơ quan điều tra là trái quy định'

Luật sư Phạm Ngọc Minh cho rằng, đến nay cơ quan điều tra chưa có thông báo gì về vụ việc 2 PV báo GĐVN bị hành hung, hủy hoại tài sản là trái quy định pháp luật.

Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng đến nay liên quan sự việc 2 phóng viên báo Gia đình Việt Nam bị hành hung, hủy hoại tài sản khi tác nghiệp tại Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Mai Linh (gọi tắt là Công ty Mai Linh), báo Gia đình Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo, kết luận nào từ phía cơ quan điều tra.

Liên quan đến những diễn biến của vụ việc, báo Gia đình Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Ngọc Minh - GĐ Công ty Luật TNHH Everest.

Đến nay đã hơn 3 tháng kể từ ngày xảy ra sự việc nhưng cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông chưa có bất kỳ thông báo kết luận nào. Theo luật sư, điều này có đúng với quy định của pháp luật?

Luật sư Phạm Ngọc Minh: Ngày 18/07/2018, ngay sau khi thoát được ra khỏi căn phòng được cho là phòng họp của Công ty Mai Linh, hai phóng viên đã đến Công an phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) để trình báo sự việc.

Buổi chiều cùng ngày, đại diện của Công an quận Hà Đông, Viện Kiểm sát nhân dân quận Hà Đông và Công an phường Văn Quán đã phối hợp để tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.

Trong hình là người được cho là lãnh đạo của Công Ty XKLĐ Mai Linh đã đe dọa, giam giữ, đạp điện thoại, đòi cắt gân phóng viên

Theo trình bày của hai phóng viên (tạm gọi là người bị hại) thì các hành vi của các đối tượng được cho là nhân viên của Công ty Mai Linh có dấu hiệu rõ ràng của hàng loạt tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự như: “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay đã 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tin tố giác, kiến nghị khởi tố nhưng cơ quan cảnh sát điều tra vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào trả lời cho các phóng viên là trái với quy định của pháp luật.

Phải chăng vụ việc trên quá phức tạp nên cơ quan điều tra chưa thể đưa ra kết luận?

Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo quan điểm cá nhân tôi, vụ việc có dấu hiệu phạm tội "rõ như ban ngày" . Ngay sau khi thoát được ra khỏi Công ty Mai Linh, hai phóng viên đã tìm đến cơ quan Công an phường Văn Quán để trình báo sự việc. Việc điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được tiến hành trong ngày nên không thể coi đây là vụ việc phức tạp và không chứng minh được tội phạm.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - GĐ Công ty Luật TNHH Everest nhận định: Vụ việc có dấu hiệu phạm tội rõ ràng nhưng không hiểu sao đến nay cơ quan điều tra chưa có kết luận.

Trong vụ việc trên, hai phóng viên trình bày: Trong thời gian ngắn, đại diện của Công ty Mai Linh đã trấn áp, tịch thu điện thoại, dọa cắt gân. Phía đại diện Công ty Mai Linh lại cho rằng họ bị phóng viên tống tiền?. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách tổng thể, vụ việc trên có nhiều nghi vấn như sau:

Đối với Công ty Mai Linh, lời trình bày của đại diện bên công ty cho rằng lời khai của hai phóng viên là gian dối. Cụ thể, trong điều kiện bình thường, các phóng viên không có lý do để gian dối. Và nếu lời khai này là sự thật, thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các phóng viên. Về nguyên tắc, cơ quan điều tra phải điều tra và làm rõ các thông tin trên.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi được biết là phía bên cơ quan Công an vẫn chưa làm việc với các phóng viên về nội dung này mặc dù đã có sự thông báo:Nếu có sự tống tiền, không khó để Công ty Mai Linh có thể thu thập chứng cứ với các bản ghi âm, ghi hình. Vì việc phóng viên đến làm việc với Mai Linh đã được thông báo trước đó nhiều ngày”.

Đối với hai phóng viên, việc họ trình báo, lấy lời khai đã được tiến hành ngay sau đó, do đó không có khả năng của việc thông cung, đây chỉ là giả thiết không có cơ sở. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, xác minh.

Trong khoa học hình sự, bất cứ sự việc gì xảy ra đều để lại dấu vết, và cụ thể trong vụ việc này, đó là những con dao, cái búa dùng để đe dọa, mảnh vỡ của điện thoại là những chứng cứ có thể dễ dàng thu thập ngay lập tức. Do đó, nếu cơ quan điều tra trả lời là không thu thập đủ căn cứ để khới tố vụ án là thể hiện sự thiếu khách quan chứ không đơn giản là do nghiệp vụ yếu kém.

Tôi xin lấy ví dụ như sau: 1 vụ án cướp của giết người đã xảy ra nhiều ngày, thậm chí tử thi đã bị phân hủy, hung thủ có thủ đoạn xảo quyệt để xóa dấu vết nhưng hầu hết sự thật đều được làm sáng tỏ. Như vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi với vụ việc đơn giản này. Và nếu không phải có sự không khách quan trong vụ việc này thì liệu rằng đến thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không?

Theo Luật sư cần làm gì để đẩy nhanh diễn biến của sự việc?

Luật sư Phạm Ngọc Minh: Theo tôi, trong trường hợp này cơ quan điều tra phải thay đổi điều tra viên được phân công giải quyết vụ án. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thi hành công vụ của những người tiến hành tố tụng có liên quan.

Công ty Luật TNHH Everest và báo Gia đình Việt Nam cũng sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nội dung này.

Cơ quan điều tra cần nhanh chóng thu thập chứng cứ để đưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bởi vụ việc trên đã có dấu hiệu phạm tội rõ ràng.

Xin cảm ơn Luật sư!

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

“Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

b) Khám nghiệm hiện trường;

c) Khám nghiệm tử thi;

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.”

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/vu-viec-2-pv-bao-gdvn-bi-hanh-hung-chua-co-thong-bao-cua-co-quan-dieu-tra-la-trai-quy-dinh-d134753.html