Vụ 'túi dịch trong lòng tử cung và thai hư' ở BV. FV: Mâu thuẫn hay không?

Trong thời gian qua, cộng đồng rất quan tâm theo dõi câu chuyện giữa một phụ nữ đã chia sẻ trên facebook rằng 'khi bạn có thai nhưng bệnh viện nói không và cho thuốc phá thai để 'đẩy dịch ứ', còn lãnh đạo BV FV đã khẳng định chẩn đoán và xử trí điều trị cho bệnh nhân là đúng, phù hợp.

Để giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin khách quan về câu chuyện này, PV Báo Sức khỏe Đời sống Cuối tuần đã trao đổi với TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Sản N1 (BV. Từ Dũ), với tư cách là một bác sĩ sản phụ khoa nhiều kinh nghiệm khi bà đã làm việc 30 năm trong lĩnh vực này.

TS.BS. Thu Hà

Theo TS.BS. Lê Thị Thu Hà, sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết. Thuốc ngừa thai khẩn cấp, như tên gọi, chỉ dùng trong những trường hợp “khẩn cấp” như: quan hệ tình dục đột xuất, bị cưỡng bức, bị sự cố khi sử dụng biện pháp tránh thai (bao cao su thủng, quên thuốc viên tránh thai hàng ngày... ). Và khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp như vậy, hiệu quả tránh thai khoảng 75%, có nghĩa là còn 25% có khả năng có thai.

Người phụ nữ đến khám tại BV. FV lần đầu tiên, kết quả thử thai nhanh bằng nước tiểu (Quick Stick - QS) lại âm tính. Đây là một xét nghiệm định tính, không phải định lượng, khi kết hợp với kết quả siêu âm là ứ dịch lòng tử cung, BS có thể đã loại trừ khả năng có thai nên thấy tụ dịch đó không phải là thai mà nghĩ nhiều đến ứ huyết trong lòng tử cung sau khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp. Cũng trong ngày hôm đó, sau khi sử dụng Misoprotol để đẩy “dịch ứ” ra ngoài, bệnh nhân khai ra huyết nhiều, ồ ạt nên đã nhập viện lại vào BV. FV khoảng 11g tối. Vào lúc này, kết quả thử thai nhanh lại ra dương tính.

Có vẻ bác sĩ đã quá “phụ thuộc” vào vai trò và kết quả của que thử thai. Vậy theo kinh nghiệm của bác sĩ, kết quả nào đúng, kết quả nào sai?

TS.BS. Thu Hà: Xét nghiệm nào cũng có giá trị giới hạn của nó, que thử thai nhanh (Quick stick, QS) cũng có dương “giả” và âm “giả”. Nhiều khi có người không có thai nhưng thử ra QS dương tính; hay là người ta có thai lại thử ra âm tính.

Sau khi hồi cứu, trong trường hợp này, kết quả của bệnh nhân (BN) vào buổi sáng xét nghiệm lần đầu là âm “giả”. Âm “giả” này có thể do nhiều nguyên nhân gây nên:

- Nước tiểu bị pha loãng do BN uống nước quá nhiều nên nồng độ nước tiểu bị pha loãng dưới ngưỡng phát hiện.

- Hoặc là khi BN đi tiểu và lấy mẫu thử, có thể đã rửa ráy vô tình làm nước rơi vào mẫu thử.

- Hoặc do thử thai quá sớm, trước khi trứng đã thụ tinh đến làm tổ ở tử cung, cơ thể chưa sản xuất beta HCG.

- Hoặc do que thử thai bị “lỗi”, không đảm bảo chất lượng.

Chuyện “sáng trả lời không có thai, chiều trả lời có thai” như trên vẫn có thể gặp ở các phòng khám sản phụ khoa, vì như tôi đã trình bày ở trên, xét nghiệm định tính có lúc dương “giả” lúc âm “giả”.

Vào buổi sáng, với kết quả QS âm tính và trên siêu âm không ghi nhận có thai hoặc bất thường nào khác ngoài ứ dịch lòng tử cung nên BS trả lời bệnh nhân không có thai là phù hợp.

Vào lần khám sau, ngay buổi tối cùng ngày, kết quả QS dương tính và xét nghiệm beta hCG trong máu là 3461 mUI/ml, như vậy, BV FV đã trả lời có thai vào thời điểm này là chính xác.

Vậy bác sĩ cho biết có xét nghiệm nào biết chính xác là có thai không?

Xét nghiệm định lượng beta hCG trong máu là xét nghiệm để chẩn đoán xác định là có mang thai hay không. Ngoài ra, việc theo dõi nồng độ beta hCG trong máu có thể giúp chẩn đoán những trường hợp thai bất thường như thai ngoài tử cung, thai trứng, sẩy thai.

Trong trường hợp này, kết quả QS âm tính vào buổi sáng, có cần thiết cho bệnh nhân xét nghiệm beta hCG trong máu không?

Lần khám đầu, với kết quả QS âm tính và trên siêu âm không ghi nhận có thai mà chỉ ứ dịch lòng tử cung. BS không nghi ngờ mang thai nên không nhất thiết phải cho BN làm xét nghiệm beta hCG. Dù sao đi nữa, đây cũng là một xét nghiệm xâm lấn hơn so với xét nghiệm nước tiểu vì cần phải đâm kim vào mạch máu để lấy máu ra. Khi kết quả QS âm tính, nếu bác sĩ không nghi ngờ BN mang thai mà vẫn cho xét nghiệm beta hCG và kết quả xét nghiệm này âm tính, đôi khi bệnh nhân có thể phàn nàn vì đau, vì mất máu, mất thời gian, bác sĩ lạm dụng xét nghiệm…

Tuy nhiên, trong trường hợp QS âm tính nhưng bác sĩ vẫn nghi ngờ BN mang thai thì chỉ định xét nghiệm beta hCG. Các triệu chứng gợi ý BN mang thai như mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi khẩu vị, dấu hiệu ở vú... Tuy nhiên, xét nghiệm beta hCG không có kết quả nhanh được mà cần có thời gian nhất định, khoảng 2 đến 4 tiếng sau.

Với một số dấu hiệu như rong huyết, QS âm tính, siêu âm ứ dịch lòng tử cung, nhận định ban đầu của bác sĩ không phải lúc nào cũng chính xác. Do vậy, việc theo dõi diễn biến bệnh, đáp ứng như thế nào với điều trị ban đầu là rất cần thiết cho việc chẩn đoán tiếp theo. Có những trường hợp phải qua nhiều lần khám, thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau, hoặc làm một loại thử nghiệm nhiều lần ở những thời điểm kế tiếp bác sĩ mới có thể chẩn đoán được bệnh. Điều quan trọng là tư vấn cho bệnh nhân hiểu tình trạng sức khỏe của họ để cùng hợp tác với thầy thuốc trong việc chữa trị.

Lần khám sau, khi BN vào viện với tình trạng ra huyết âm đạo nhiều, QS thử lại dương tính, xét nghiệm beta hCG lúc này là đúng chỉ định.

Xét nghiệm betaHCG

Siêu âm không phát hiện túi thai hoặc không có tim thai có phải chứng minh không có thai?

Siêu âm không có thai có nghĩa là bác sĩ “không thấy thai” qua siêu âm, chứ không phải là “không có thai”. “Có thai” và “thấy thai” là khác nhau hoàn toàn vì rất nhiều trường hợp có thai nhưng siêu âm không thấy thai. Ví dụ thai giai đoạn sớm siêu âm không thấy được túi thai. Siêu âm chỉ thấy thai khi túi thai hình thành và nằm trong lòng tử cung. Muốn mà thấy túi thai như vậy là sau khi thụ tinh từ 2 tuần trở lên, nghĩa là túi thai ít nhất từ 4 tuần trở lên sau kỳ kinh đầu tiên với với siêu âm đầu dò âm đạo và máy siêu âm độ nhạy cao. Còn siêu âm bụng, túi thai phải từ 5 - 6 tuần trở lên mới thấy được hình ảnh thai.

Siêu âm khó phát hiện được thai giai đoạn sớm hoặc thai ngoài tử cung. Những trường hợp đặc biệt như thai lưu thoái hóa, thai bám sẹo mổ lấy thai thì các bác sĩ siêu âm có kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được.

Sử dụng Misoprotol tháo lưu máu trong lòng tử cung có thể gây ra xuất huyết nhiều đến nỗi bệnh nhân phải quay lại bệnh viện vào lúc 11g30 đêm cùng ngày?

Nhưng khi đến tối khi bệnh nhân khai ra huyết nhiều, chúng ta phải xác định lại tại sao ra huyết nhiều. Thông thường ứ dịch lòng tử cung ít sẽ không làm ra huyết nhiều như vậy. Ra huyết quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hiệu, thể hiện trên lâm sàng như: da xanh, mặt tái nhợt, huyết áp tụt, mạch nhanh.

Việc cần làm lúc này đánh giá tình trạng mất máu, xác định nguyên nhân gây mất máu và điều trị theo nguyên nhân.

Những xét nghiệm gợi ý mất máu liên quan đến thai là QS dương tính và beta hCG là 3461mIU/mL. Kết quả beta hCG xác định lại chắc chắn bệnh nhân có thai.

Như vậy có phải chúng ta có thể xác định được là vào buổi sáng khi bệnh nhân nhập viện thai đã hư rồi?

Theo những thông tin đã có thì chưa thể kết luận được là thai hư vào buổi sáng.

Kết quả từ betaHCG cho thấy bệnh nhân có thai, nhưng tình trạng thai như thế nào chưa thể nói được. Biết rằng, khi nồng độ beta hCG >1500mUI/mL thì thấy túi thai trong tử cung qua siêu âm đầu dò âm đạo. Trường hợp này, betaHCG là 3.461mIU/mL nhưng không thấy túi thai trong tử cung thì có thể có những trường hợp sau:

- Đã sẩy thai trước đó, nay còn ứ dịch trong tử cung. Nếu theo dõi tiếp thì beta hCG sẽ giảm dần.

- Thai ngoài tử cung, thai bám một vị trí bất thường nào đó bên ngoài tử cung.

- BN này có sẹo mổ lấy thai nên lưu ý vị trí này, có những trường hợp nhau bám sẹo mổ cũ gây nên ra huyết ồ ạt, lượng nhiều.

Nguyên nhân nào gây ứ dịch trong lòng tử cung?

Trong trường hợp này, siêu âm cho thấy có ứ dịch trong lòng tử cung kèm theo rong huyết như vậy cho thấy dịch trong tử cung này chính là máu.

Máu trong lòng tử cung có thể do:

- Rong huyết sau dùng nội tiết, thuốc ngừa thai khẩn cấp.

- Thai ngoài tử cung.

- Sẩy thai.

- Polyp lòng tử cung.

Xử trí ứ dịch, có phải chỉ hút hoặc cho sử dụng thuốc Misoprotol để giải quyết?

Nếu rong huyết kéo dài, bác sĩ sẽ xử trí tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Tùy vào tình trạng ứ dịch và mức độ ra huyết, chúng ta sẽ có hướng xử trí khác nhau.

Nếu ứ dịch ít, chúng ta có thể cho bệnh nhân thuốc ngừa thai kết hợp đường uống, thuốc có chứa estrogen làm phát triển nội mạc tử cung. Bệnh nhân cũng có thể được dùng thuốc cầm máu hoặc chỉ theo dõi và tái khám sau vài ngày. Hoặc nếu có ứ máu cục nhiều sẽ dùng thuốc để tống ra hoặc hút ra.

Chúng ta có thể làm gì cho bệnh nhân?

Với một kết quả betaHCG như vậy kèm theo ra huyết, chúng ta cần phải cho bệnh nhân siêu âm và những xét nghiệm cần thiết nhằm chẩn đoán tình trạng thai, đánh giá tình trạng thiếu máu, nếu cần sẽ bù máu. Từ kết quả tình trạng thai, chúng ta có hướng xử trí thích hợp. Điều quan trọng là mang lại sức khỏe và sự an toàn cho người bệnh.

Xin cảm ơn TS.BS. Lê Thị Thu Hà!

Thai bám trên sẹo mổ lấy thai cũ: Không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm

TS.BS. BÙI CHÍ THƯƠNG

Chỉ cần beta hCG dương tính (>5 hoặc 25 mUI/ml tùy máy xét nghiệm) là có thai. Còn để siêu âm (SA) ngả âm đạo thấy thai trong lòng tử cung thì beta hCG cần phải đạt mức 1.500 - 2.000 mUI/ml. Nồng độ beta hCG khó có thể thay đổi một cách khác biệt lớn từ sáng đến khuya trong cùng một ngày, mà beta hCG thường tăng gấp đôi trong 48h nếu thai trong tử cung.
Việc siêu âm không thấy túi thai mà beta hCG cao thì nhiều trường hợp thai bất thường có thể xảy ra như thai ngoài tử cung, thai trứng, sẩy thai hoặc ung thư nguyên bào nuôi... Đặc biệt là thai bám vào sẹo mổ lấy thai cũ (CSP - Cesarean Section Pregnancy), lúc này người siêu âm ít kinh nghiệm sẽ khó nhận ra.
Thai bám sẹo mổ cũ khó phát hiện vì:
- Tỉ lệ thấp.
- Vị trí khó quan sát hơn.
- Bác sĩ ít chú ý hơn, ít kinh nghiệm.
- Đôi khi chỉ là khối (mass) chứ k phải là túi thai hay phôi thai nên k biết là khối gì…

Mổ lấy thai là một nguy cơ khiến lần mang thai sau dễ bị thai bám sẹo mổ cũ. Ảnh minh họa

Tỉ lệ thai bám sẹo mổ cũ khoảng 1/2.500 đến 1/1.800 và ngày càng tăng khi sinh mổ càng tăng. Những phụ nữ nguy cơ gặp bệnh này khi có: sinh mổ trước đó hoặc thủ thuật trên buồng tử cung.
Nếu không phát hiện được các thai bám ở vị trí bất thường như thai bám trên sẹo mổ cũ, dù có dùng Misoprostol hay hút lòng tử cung đều có nguy cơ gây chảy máu ào ạt, hoặc gây vỡ khối thai bám sẹo mổ cũ gây chảy máu trong ổ bụng có thể dẫn đến sốc mất máu gây chết người nếu mổ không kịp thời.
Muốn chẩn đoán thai bám sẹo mổ cũ, các bác sĩ chuyên ngành sản khoa phải nghi ngờ đến nó để đi tìm và chú ý đưa đầu dò rà hướng về mặt trước eo tử cung; đồng thời phải là một bác sĩ siêu âm có kinh nghiệm. Việc xử trí thai bám trên vết sẹo mổ cũ có thể:
- Thai nhỏ - Thai > 8 tuần: có thể tiêm Methotrexate vào khối thai, tiêm bắp bệnh nhân, hút khối thai dưới quan sát của siêu âm hoặc mổ để xẻ lấy khối thai.
Việc phòng ngừa tình trạng này là sản phụ nên hạn chế sinh mổ, ngừa thai hiệu quả khi đã có sẹo mổ.
Chú thích ảnh:

AN QUÝ thực hiện

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/vu-tui-dich-trong-long-tu-cung-va-thai-hu-o-bv-fv-mau-thuan-hay-khong-n146179.html