Vụ tử vong sau khi sốt cao chỉ uống G3, NuSkin Trung Quốc có vô can?

Cái chết của Lâm Lệ, nhân viên bán hàng đa cấp của hệ thống NuSkin (Trung Quốc), tiếp tục khiến dư luận nước này đặt câu hỏi 'trách nhiệm của NuSkin là gì?'.

Theo Sina, ngày 3/2, Lâm Lệ (đã đổi tên) nhân viên bán hàng đa cấp của hệ thống NuSkin ở Trung Quốc đã chết vì viêm phổi và suy đa phủ tạng. Nguyên nhân chính được cho là cô chỉ uống nước ép của G3 - một sản phẩm của NuSkin - khi có biểu hiện sốt cao mà không đến bệnh viện điều trị.

Cuộc dàn xếp không thành

Ngày 20/3, đại diện của NuSkin đã có cuộc gặp mặt với người nhà của Lâm Lệ để thảo luận dàn xếp vụ việc. Tuy nhiên, Tô Vĩ - chồng của Lâm Lệ - sinh bệnh sau cái chết của vợ đã không có mặt. Cuộc dàn xếp không thành công.

Cô Lâm tử vong vì uống nước ép thay vì đi bệnh viện. Ảnh: Sohu.

Cô Lâm tử vong vì uống nước ép thay vì đi bệnh viện. Ảnh: Sohu.

Tối 20/3 NuSkin phát đi thông báo chính thức về việc nhà phân phối sản phẩm G3 đã có những tuyên truyền phi thực tế, vi phạm quy tắc phân phối nên đã chấm dứt hợp đồng với nhà phân phối này.

Người đại diện NuSkin bày tỏ thành ý cảm thông sâu sắc về cái chết của cô Lâm Lệ và rất lấy làm tiếc vì không đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

Theo thông tin trên website, NuSkin là một công ty đa cấp của Mỹ chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Năm 2003, công ty đến Trung Quốc và năm 2006 xin được giấy phép kinh doanh đa cấp tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Hệ thống sản phẩm của NuSkin tại Trung Quốc bao gồm 4 dòng chính và 125 loại sản phẩm. Trong đó, đại bộ phận là mỹ phẩm và chỉ có 14 sản phẩm thực phẩm chức năng bao gồm cả loại trà Xinhua Trade Tea Capsule. Những sản phẩm được đăng ký thương hiệu sớm nhất là từ tháng 7/2012. Nhà báo Hoàng Hiểu Linh cho biết theo mô thức kinh doanh của NuSkin Trung Quốc và trên nhãn mác sản phẩm hiển thị sản phẩm, G3 không thuộc mặt hàng phân phối theo phương thức đa cấp.

Loại nước ép được cho là thần kỳ có thể chữa khỏi bệnh. Ảnh: Sohu.

Hiện tại gia đình Lâm Lệ đã đệ đơn lên Bộ Công Thương về việc sản phẩm của NuSkin được tuyên truyền trái sự thật. Website của công ty này đã không còn thông tin về sản phẩm này. Một số thành phố lớn như Giang Tô, Nam Kinh đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tiến hành điều tra về các sản phẩm có liên quan của nhãn hàng này.

Giám đốc đối ngoại của NuSkin tại tỉnh Giang Tô cho hay những mặt hàng vi phạm đã được thu hồi và tiến hành kiểm tra giám định. NuSkin Trung Quốc đã có những động thái tích cực làm dịu dư luận. Người đại diện công ty cho biết đã thành lập tổ điều tra nội bộ làm rõ sự việc.

Phía gia đình Lâm Lệ đã chuẩn bị tài liệu báo án lên cơ quan công an và đang cân nhắc việc thành lập đoàn luật sư kiện lên tòa án Mỹ.

Trách nhiệm của NuSkin là gì?

Luật sư của bị hại, ông Đinh, nói với tờ The Paper, Lâm Lệ cho rằng nước ép G3 có thể trị bệnh nên đã trì hoãn thời gian đi bệnh viện khiến cảm cúm tiến triển thành viêm phổi, suy đa tạng. NuSkin không thể chối bỏ trách nhiệm. Việc phóng đại quá mức về sự thần kỳ của sản phẩm, những lời tuyên truyền giả dối mang tính chất tẩy não là vi phạm luật quảng cáo, tính công bằng trong cạnh tranh. NuSkin sẽ phải bị trừng phạt và mặt khác phải chịu trách nhiệm với cái chết của Lâm Lệ.

Nuskin có trách nhiệm gì trong cái chết của người dùng sản phẩm G3. Ảnh:Sina.

Luật sư Đinh cũng cho rằng cơ quan điều tra nên thông qua nhân viên trong hệ thống đa cấp để thu thập chứng cứ về việc tuyên truyền sai sự thật là do chỉ thị của nhà phân phối hay của NuSkin và NuSkin có biết điều đó không? Nếu biết, họ đang mặc nhận hay giả vờ không biết để nhà phân phối và nhân viên tiến hành việc tuyên truyền giả dối này?

Luật sư Trương Tân Niên thuộc văn phòng luật sư Bắc Kinh cho rằng NuSkin có giấy phép kinh doanh đa cấp, nhưng sản phẩm nước ép G3 không được đăng ký với bộ công thương bằng phương thức phân phối đa cấp.

Ông Trương cũng cho hay dưới hệ thống pháp luật hiện hành, nhà phân phối và doanh nghiệp ít tồn tại những liên quan về mặt pháp lý. Vì vậy, quá trình thu thập chứng cứ, định tội doanh nghiệp cần có những chứng cứ đủ hiệu lực pháp lý, chứng minh mối quan hệ này mới có thể phá vỡ “lá chắn - nhà phân phối” của doanh nghiệp.

Nếu giữa NuSkin và nhà phân phối không có hợp đồng hay thỏa thuận bằng văn bản về việc tuyên truyền sản phẩm, tập huấn, sẽ rất khó định tội. NuSkin có thể đẩy trách nhiệm cho nhà phân phối tự ý tuyên truyền trái sự thật.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng cho rằng việc phóng đại tác dụng của sản phẩm có thể được khép vào tội lừa đảo, tuyên truyền sai lệch về sản phẩm. Nhà phân phối phải chịu trách nhiệm.

Trà giảm cân đã bị thu hồi, bạn cần biết để không 'tiền mất, tật mang' Dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo, thu hồi nhưng nhiều sản phẩm trà giảm cân chứa sibutramine (chất độc có thể gây bệnh tâm thần) vẫn bán tràn lan trên thị trường online.

Diên Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-tu-vong-sau-khi-sot-cao-chi-uong-g3-nuskin-trung-quoc-co-vo-can-post931199.html