Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ: Dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam, NHNN mua vào ngoại tệ

Năm 2019, trước mắt, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nhưng có sự phân hóa rõ rệt đối với các ngân hàng. Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ cứng nhắc trong điều hành chính sách.

Đây là một phần nội dung chia sẻ của ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên – năm 2019 với chủ đề “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức.

Đây là một phần nội dung chia sẻ của ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên – năm 2019 với chủ đề “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức.

Năm 2018 diễn biến trên thị trường tiền tệ có nhiều điều đặc biệt và “thú vị"

Mặc dù có nhiều biến động trong năm nhưng năm 2018 được đánh giá là năm thành công trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Cụ thể, lạm phát của Việt Nam năm 2018 ở mức bình quân 3,54%; tăng trưởng GDP 7,08%.

Đối với điều hành chính sách tiền tệ, theo ông Phạm Thanh Hà, năm 2018 có điều đặc biệt và “thú vị” là diễn biến trên thị trường 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm trái chiều nhau. 6 tháng đầu năm 2018 tín dụng tăng trưởng rất nhanh, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng nhanh hơn tín dụng chung; tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước mua vào rất nhiều ngoại tệ, mua giao ngay, thậm chí là mua kỳ hạn.

Nhưng đến tháng 7/2018 mọi thứ thay đổi, tín dụng tăng chậm lại, tín dụng ngoại tệ bắt đầu giảm và giảm sâu hơn thị trường chúng do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán giao ngay ngoại tệ, đến cuối năm NHNN phải tính đến phương án bán kỳ hạn.

Về lãi suất, thanh khoản của các ngân hàng rất tốt ở 6 tháng đầu năm nên lãi suất ổn định, nhưng ở những tháng cuối năm bớt “dư giả”, lãi suất bắt đầu tăng lên. NHNN phải điều hành tương đối linh hoạt kết hợp với các công cụ để có được thành công chung năm 2018. Mặt bằng lãi suất năm 2018 cơ bản là ổn định, và không có áp lực quá lớn về tăng lãi suất. Lãi suất huy động, lãi suất cho vay cuối năm cũng xấp xỉ bằng đầu năm, dù cho quý II/2018 lãi suất huy động của thị trường 1 (huy động tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) đều giảm rất sâu và sau đó tăng trở lại ở quý tiếp theo.

Thống kê của NHNN cho thấy, toàn cầu có khoảng 8 NHTW tăng lãi suất, NHNN vẫn giảm lãi suất trên thị trường mở.

Tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu 17%, NHNN rất thận trọng trong kiểm soát tín dụng, cố gắng tiết kiệm nhất tăng trưởng tín dụng nhằm (i) ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất huy động vốn, giữ được chất lượng tài sản của các TCTD và vẫn hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế. NHNN đã cố gắng, đến cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng đạt 14% so với 2017.

Tỷ giá năm 2018 đối mặt với nhiều áp lực. Các đồng tiền trong khu vực và quốc tế đã giảm giá rất nhiều trong bối cảnh FED tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018 đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ. Trong bối cảnh đó, đã có những thời điểm thậm chí có thông tin nhà đầu tư nước ngoài bán ròng có thể rút tiền ra khỏi Việt Nam.

Nhưng cuối cùng NHNN đã giữ ổn định tâm lý, giữ được tỷ giá ổn định, giữ được dòng đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). Kết thúc năm tỷ giá biến động trên 2%, được xem là khá ổn định.

Ngân hàng Nhà nước đang mua vào ngoại tệ

Quý I/2019, hiện đã đi qua 2,5 tháng, tình hình thị trường chung là khá ổn định. Tín dụng tiếp tục đà tăng của năm 2018, với tháng 1/2019 tăng khá cao, tháng 2 tăng trưởng chậm lại, đến giờ này tăng trưởng ổn định không có đột biến. Thanh khoản thị trường khá ổn định, trước tết NHNN có tung tiền ra nhưng sau NHNN đã thu về, hiện đó số dư đã giảm nhanh chóng về con số rất nhỏ, áp lực thanh khoản giảm nhanh và chúng ta khá yên tâm thanh khoản.

Đối với dòng vốn vào, từ tháng 12/2018 dòng vốn bắt đầu quay trở lại với Việt Nam, các ngân hàng mua vào ngoại tệ và bán ngoại tệ cho NHNN. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào ngoại tệ, tuy không dồn dập như cùng kỳ năm 2018, nhưng số lượng mua vào hiện này khá lớn và hỗ trợ được thị trường.

Lãi suất bắt đầu ổn định trở lại. Một số ngân hàng đã tăng lại suất trước tết, nhưng bây giờ đang có kế hoạch giảm lãi suất huy động vốn do áp lực thanh khoản giảm đi. Tôi cho rằng thanh khoản sắp tới sẽ ổn định.

NHNN dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 tương tự năm 2018. Qua diễn biến trong hơn 2 tháng vừa qua, NHNN thấy tín dụng đang đi đúng mục tiêu của NHNN, thanh khoản tốt, tỷ giá ổn định và sát với tỷ giá mua vào của NHNN. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được cắt giảm do chủ trương chống đô la hóa (chỉ có xuất khẩu và vay ngắn hạn được vay ngoại tệ); tăng trưởng tín dụng 14%.

Ông Phạm Thanh Hà cho biết thêm, đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng tăng trưởng trên 1%, do tháng 1 tín dụng tăng nhưng tháng 2 tín dụng giảm.

Sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng nhưng không cứng nhắc

Những diễn biến của hơn 2 tháng đầu năm 2019 cho thấy khởi đầu của năm 2019 có nhiều thuận lợi, nhiều thông tin tốt hơn: số lần tăng lãi suất của FED, diễn biến lạc quan của cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ Trung – cam kết của Trung Quốc về đồng NDT, thực tế về dòng vốn vào từ tháng 12/2018, tâm lý thị trường ổn định và lạc quan….

Năm ngoái, yếu tố bên ngoài có nhiều bất lợi, yếu tố trong nước vững nên thị trường tiền tệ được giữ ổn định cả năm. Năm nay, yếu tố bên ngoài có vẻ thuận lợi hơn, chúng ta tiếp tục giữ vững các yếu tố nền tảng trong nước.

Đối với tín dụng trong nước, chúng ta phải tính đến nguồn lực như tổng mức huy động, tổng phương tiện thanh toán…. phù hợp với việc “tiêu tiền” nên phải kiểm soát tín dụng đó là chưa kể đến vòng quay tiền lớn nên gây áp lực lên lạm phát.

Theo ông Phạm Thanh Hà, kinh nghiệm năm 2018, NHNN phải kết hợp nhiều công cụ để điều hành thị trường tiền tệ, không chỉ ở tăng trưởng tín dụng mà còn công cụ tỷ giá, lãi suất…

Vì vậy, trước mắt, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng, nhưng sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Những ngân hàng có sự tăng trưởng tốt, kiểm soát rủi ro tốt, phân bổ tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, đạt chuẩn về Thông tư 41/NHNN, NHNN khuyến khích tăng trưởng tín dụng cao hơn. Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng trước mắt của NHNN không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ cứng nhắc, không lắng nghe trong điều hành chính sách.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/vu-truong-vu-chinh-sach-tien-te-dong-von-nuoc-ngoai-tro-lai-viet-nam-nhnn-mua-vao-ngoai-te-3497629.html