Vụ trưởng Vụ 2 VKSNDTC: Chỉ mình Bộ Công an làm công tác giám định là không khách quan

'Khi điều tra cán bộ công an mà lại đi nhờ Cơ quan giám định của ngành Công an giám định thì không ổn, không minh bạch, không khách quan…'.

Vụ Trưởng Vụ 2 VKSND Tối cao Lê Minh Long trả lời phóng viên Pháp luật Plus về những tranh cãi chỉ một mình Bộ Công an làm công tác giám định.

Chiều ngày 21/5 tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp.

Trước đó, tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Trong phiên họp dự thảo, Phó viện Trưởng VKSND Tối cao Bùi Mạnh Cường nêu: Hiện nay, trên lý thuyết thì giám định âm thanh, hình ảnh có Cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng không làm nên thực tế chỉ có Bộ Công an thực hiện.

Một số lĩnh vực hiện nay chỉ có một cơ quan giám định duy nhất là Bộ Công an, điều này là không khách quan- ông Cường nói và khẳng định việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát là đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

VKSND Tối cao đề xuất muốn làm thêm nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương không đồng tình đề xuất này.

Trong khi đó, nhiều ý kiến của một số cán bộ Viện kiểm sát cho rằng: Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát là đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và rất cần thiết.

Vụ Trưởng Vụ 2 VKSND Tối cao Lê Minh Long.

Vụ Trưởng Vụ 2 VKSND Tối cao Lê Minh Long.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp luật Plus, về thực tế hiện nay chỉ duy nhất Bộ Công an làm công tác giám định có đảm bảo tính khách quan, vô tư?

Vụ trưởng Vụ 2 VKSND Tối cao Lê Minh Long cho hay: “Chức năng giám định là một trong hoạt động chuyên môn, công tác giám định của Cơ quan hoạt động điều tra VKSND Tối cao là một trong hoạt động rất quan trọng.

Trong đó giám định nhiều lĩnh vực như; giám định âm thanh, giám định chữ viết và giám định hình ảnh.Toàn bộ những hoạt động nói trên đều đòi hỏi tính cấp thiết, tính bảo mật, nhằm đảm bảo, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra.

Tôi lấy ví dụ; Trong trường hợp Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiến hành điều tra về tội tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Khi điều tra cán bộ công an mà lại đi nhờ Cơ quan giám định của ngành Công an giám định thì không ổn, không minh bạch, không khách quan.

Trong hoạt động điều tra, kết quả giám định cũng là một trong những hoạt động bí mật, vì kết quả giám định để phục vụ cho công tác điều tra tiếp theo mà khi trưng cầu giám định có yếu tố không đảm bảo, có những thông tin bị rò rỉ sẽ bất lợi cho hoạt động điều tra.

Đặc biệt là cán bộ tư pháp đều là những người có quan hệ, những cán bộ vi phạm trong hoạt động điều tra thường là những người có mối quan hệ với các Cơ quan giám định, vì họ làm công tác chuyên môn trong công tác điều tra.

Do đó, chỉ mình Bộ công an làm công tác giám định là không khách quan".

Tham nhũng trong hoạt động tư pháp, tội xâm phạm hoạt động tư pháp có đặc điểm riêng là khi thực hiện hoạt động tư pháp, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thực hiện các hành vi xâm hại đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các hoạt động tư pháp trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với vụ án hình sự, các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp là những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xử sự trong hoạt động tư pháp, do người (có thẩm quyền hoặc có liên quan đến hoạt động tư pháp) thực hiện trong quá trình thực thi các hoạt động tư pháp đã cố ý hoặc vô ý xâm hại đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án, xâm phạm đến quyền con người và xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, xã hội.

Ly Ly

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vu-truong-vu-2-vksndtc-chi-minh-bo-cong-an-lam-cong-tac-giam-dinh-la-khong-khach-quan-d125146.html