Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính: Còn tình trạng lợi dụng hội phụ huynh thu những khoản không phù hợp

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, một số địa phương hay người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng quy định dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh thu những khoản thu không phù hợp.

Video: Nữ hiệu trưởng bị tố lạm thu hàng tỷ đồng vẫn được tái bổ nhiệm?

Cùng với những háo hức bước vào năm học mới, xã hội không khỏi lo lắng về tình trạng lạm thu diễn ra tại không ít nhà trường ở nhiều địa phương trên cả nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, để hạn chế đến mức tối đa tình trạng này, năm nay, Bộ GD-ĐT cùng nhiều địa phương ban hành các văn bản chống tình trạng lạm thu ở các trường. Thậm chí Hà Nội đã công bố 31 đường dây nóng tiếp nhận phản hồi của người dân về tình trạng lạm thu đầu năm học.

- Lạm thu vẫn xảy ra tại nhiều trường học trong những ngày đầu năm, thưa ông?

Đây là vấn đề không phải là mới, năm nào chúng ta cũng bàn đến lạm thu, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh tra, xử lý nhiều trường hợp.

Tuy nhiên, một số địa phương hay người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng quy định dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh thu những khoản thu không phù hợp. Ngày 29/3, Bộ GD-ĐT đã có văn bản 1029 gửi các địa phương hướng dẫn chấn chỉnh tình trạng lạm thu.

Theo đó, bộ yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương từ sở GD-ĐT đến Phòng GD-ĐT, đặc biệt, là người đứng đầu cơ sở giáo dục chấn chỉnh tình trạng này.

Thời gian qua, thực tế cho thấy một số nơi xảy ra tình trạng lạm thu, triển khai thu và quản lý vẫn còn tình trạng áp đặt.

- Cụ thể văn bản 1029 hướng dẫn các địa phương ra sao, thưa ông?

Văn bản này được gửi tới các địa phương với nhiều nội dung.

Một số địa phương hay người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng quy định dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh thu những khoản thu không phù hợp.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT

Thứ nhất, ổn định giá cả thị trường với ngành Giáo dục như giá các sách giáo khoa, thiết bị trường học, đặc biệt việc tăng học phí cần xem xét và có lộ trình cho phù hợp.

Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ từ kế hoạch năm học đến kế hoạch kêu gọi tài trợ xã hội hóa hay các vấn đề liên quan đến thu chi của năm học đều được quán triệt đầu năm học.

Sau khi Bộ GD-ĐT gửi văn bản, nhiều địa phương đã triển khai và các địa phương cũng đã gửi cho các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý như huyện, phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các ban ngành liên quan.

Bộ hướng dẫn công tác thanh - kiểm tra kế hoạch đào tạo trong năm để phát hiện tình trạng lợi dụng Hội cha mẹ học sinh, lợi dụng xã hội hóa hay lợi dụng Thông tư 29 để thu các khoản theo kiểu áp đặt khiến phụ huynh bất bình.

- Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến rà soát, sửa đổi Thông tư 55 ban hành về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, tài trợ về hệ thống giáo dục quốc dân?

Năm 2017 – 2018, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các vụ, cục chức năng để rà soát, sửa đổi Thông tư 29 và Thông tư 55. Đặc biệt, là Thông tư 55 để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục, các địa phương mượn hội cha mẹ học sinh để thu các khoản không đúng quy định của Thông tư 55.

Hội phụ huynh học sinh chỉ thu các khoản để phục vụ hoạt động của hội chứ không thu các khoản khác như tài trợ, tự nguyện... Phần đa phụ huynh học sinh hiểu chưa rõ và chưa biết Thông tư 55.

Sắp tới, Thông tư 55 sẽ được Bộ GD-ĐT truyền thông rộng rãi.

Bài liên quan

Kỷ luật hiệu trưởng dùng 'tiểu xảo' để lạm thu

Thanh tra Bộ GD-ĐT: Lạm thu, dạy thêm học thêm vẫn diễn biến phức tạp

- Quy trình phân cấp trong quản lý Nhà nước về về tài chính của cơ sở giáo dục thế nào, thưa ông?

Theo quy định, Ngân sách hàng năm các đơn vị xây dựng kế hoạch và gửi lên cấp trên. Lúc này, Sở Tài chính sẽ tổng hợp các nhu cầu về tài chính và trình Hội đồng nhân dân, UBND và gửi Bộ tài chính tổng hợp trình Quốc hội xem xét, cân đối.

Trong phân cấp tài chính có quyết định 46 của Thủ tướng Chính Phủ quy định rõ trong ưu tiên, cân đối ngân sách cho gáo dục, phân bố lương và các khoản theo lương là 82%; các khoản chuyên môn nghiệp vụ, số khoản thu hành chính 18%.

Điều đáng chú ý, Quốc hội ban hành Nghị quyết 37 chi cho ngân sách giáo dục hằng năm là không thấp hơn 20%. Đây là nguồn động lực lớn, nâng cao điều kiện vật chất.

- Mới đây, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí ngoài công lập, hỗ trợ học sinh diện phổ cập đồng bào vùng sâu vùng xa. Điều này khiến nhiều phụ huynh vui, tuy nhiên cũng có phụ huynh cho rằng, nhà trường sẽ lợi dụng chủ trương này để đề ra chủ trương không hợp lý, thưa ông?

Theo Nghị quyết của Chính phủ, hiện Bộ đã sửa đổi Nghị định 86. Từ năm nay, Bộ miễn học phí cho trẻ em dưới 5 tuổi, học sinh ở vùng khó khăn, hải đảo.

Lộ trình tiếp theo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ đề xuất Chính phủ và Quốc hội sẽ có lộ trình với cấp học 9 năm.

Còn đối với lo ngại các khoản thu, Bộ rà soát, hạn chế tối đa và có văn bản thanh tra, điều tra, kêu gọi phụ huynh tố cáo vấn đề lạm thu.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vu-truong-ke-hoach-tai-chinh-con-tinh-trang-loi-dung-hoi-phu-huynh-thu-nhung-khoan-khong-phu-hop-d421607.html