Vụ trưởng GD Trung học: Coi trọng cả thiết kế và thi công sản phẩm STEM

'Vì một môi trường xanh' là chủ đề Ngày hội STEM năm học 2020-2021 của các trường THPT cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy diễn ra sáng 16/1 tại Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ quan điểm về giáo dục STEM tại Tọa đàm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ quan điểm về giáo dục STEM tại Tọa đàm.

Đến dự Ngày hội có PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT; ông Kiều Văn Minh- Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ngày hội thu hút 160 GV đến từ các trường THPT trực tiếp tham gia chương trình. Ngoài ra, BTC còn tổ chức trực tuyến các hoạt động để GV quan tâm đến giáo dục STEM theo dõi.

Đại biểu khai mạc Ngày hội.

Giáo dục STEM được Bộ GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh thực hiện trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 với mục đích cốt lõi là hình thành phẩm chất, năng lực thông qua việc HS đổi mới cách học, cách nghĩ.

Ngày hội STEM năm học 2020-2021 của cụm trường THPT Thanh Xuân – Cầu Giấy là sự kiện bổ ích và thiết thực nhằm tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên và khơi dậy, nuôi dưỡng hứng thú học tập cho HS.

Dựa trên chủ đề Vì một môi trường xanh, tất cả các sản phẩm dự thi, các hoạt động trải nghiệm, các sản phẩm phong phú về tính năng, ý tưởng nhưng đều gặp nhau ở mong muốn tạo ra những gì gần gũi, hữu ích, bền vững, tiết kiệm và đặc biệt thân thiện với môi trường.

Với học sinh, những sản phẩm sáng tạo góp mặt trong Ngày hội STEM không đơn thuần là các dự án học tập, đó là minh chứng của niềm say mê khám phá khoa học, tinh thần vượt lên chính mình và tận tâm thực hiện ước mơ của thế hệ trẻ. Tiêu biểu như các sản phẩm: ngôi nhà thông minh, không gian sống ngập tràn cây cỏ, nhà nổi chống lũ, thuốc trừ sâu eco bảo vệ môi trường…

Học sinh giới thiệu sản phẩm STEM.

Còn với các thầy cô giáo, Ngày hội không chỉ là cơ hội để thầy cô quan sát học sinh thực hành, trải nghiệm, mà còn là dịp để chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục STEM, được tham dự Tọa đàm Giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại Tọa đàm, các thầy cô giáo đã trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong giáo dục STEM tại nhà trường. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, giáo dục STEM góp phần nâng cao khả năng tự học, khơi gợi sự sáng tạo, khám phá bản thân, bộc lộ khả năng tiềm ẩn của HS, giúp các em có cách nhìn hướng nghiệp, chọn nghề tốt hơn… Qua đó, GV cũng phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của HS.

Học sinh thuyết trình sản phẩm STEM.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, ngành GD-ĐT đã triển khai giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông từ nhiều năm nay. Thực tế, tại các địa phương đã có nhiều mô hình hay, hiệu quả tốt từ vận dụng giáo dục STEM vào dạy học. Đỉnh cao là cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Từ hiệu quả đó, ngành GD-ĐT đã hướng dẫn các nhà trường triển khai giáo dục STEM gắn với thực hiện chương trình, đảm bảo hiệu quả trong giáo dục, đào tạo. Việc đưa STEM vào chương trình ở 3 mức độ: những bài học lồng ghép; một bài, nhóm bài phức tạp triển khai thành trải nghiệm STEM; dự án khoa học kỹ thuật…

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, điều quan trọng nhất khi giáo dục STEM là coi trọng đồng đều cả 2 vế: thiết kế và thi công sản phẩm STEM. Nếu GV chỉ hướng dẫn HS thi công ngay mà không vận dụng kiến thức kỹ năng để thiết kế sản phẩm thì chúng ta sẽ tạo ra những HS là “công nhân” chứ chưa phải là “kỹ sư”… Nhà trường và GV cần giúp HS phát hiện vấn đề trong cuộc sống rồi suy nghĩ để giải quyết vấn đề đó, mang lại hiệu quả thực sự của giáo dục STEM.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vu-truong-gd-trung-hoc-coi-trong-ca-thiet-ke-va-thi-cong-san-pham-stem-NIaPwIfGg.html