Vụ Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Quyền của chủ quản tới đâu?

Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) 2018 không còn khái niệm cơ quan chủ quản trong khi khái niệm chủ sở hữu và cơ quan quản lý, theo luật, vẫn chưa có hướng dẫn.

Chiều 10-6, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (gọi tắt là TLĐ) đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí chia sẻ thông tin liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng (trực thuộc TLĐ) phản ứng những chỉ đạo của đơn vị này.

Tổng liên đoàn: “Đáng tiếc với ứng xử của ĐH Tôn Đức Thắng!”

Mở đầu buổi chia sẻ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch TLĐ, nhiều lần khẳng định về vai trò của TLĐ trong việc phát triển Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Cụ thể, TLĐ đã cấp, cho vay và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất cho trường. Ông Hiểu khẳng định ngoài sự nỗ lực của nhà trường thì sự phát triển của trường không tách khỏi sự lãnh đạo của TLĐ.

Ông Hiểu cũng nhắc lại thời kỳ khó khăn của nhà trường và khẳng định TLĐ không cấp cho trường 1.000 tỉ đồng tiền mặt nhưng bằng nhiều hình thức khác như nói trên với số tiền lớn hơn con số 1.000 tỉ đồng.

Về việc trường “tố” TLĐ có ba văn bản buộc nộp 30% tiền chênh lệch thu chi, ông Hiểu khẳng định chưa bao giờ TLĐ có văn bản nào đòi tiền nhà trường.

Các văn bản nhắc đến tiền của TLĐ, ông Hiểu lý giải do năm 2017, đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của TLĐ tiến hành kiểm tra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Sau quá trình làm việc, đoàn kiểm tra trích dẫn Quy định 1684/2006 của TLĐ thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Vì vậy, đoàn kiểm tra có kiến nghị về việc thực hiện các quyết định trên với Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐ. Tuy nhiên, kiến nghị này của đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch TLĐ phê chuẩn và triển khai vì lãnh đạo TLĐ cho rằng ngoài quy định của TLĐ, trường còn thực hiện theo Quyết định 158/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc trường cho rằng TLĐ can thiệp vào nhân sự trường, ông Hiểu cho rằng Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đến ngày 1-7-2019 mới có hiệu lực. Tuy nhiên, thời điểm TLĐ có văn bản chỉ đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng là dựa vào quy định hiện hành: “Lúc nào luật có hiệu lực mới thay thế luật cũ, nên chỉ đạo tại Công văn 665 của TLĐ không sai”, ông Hiểu khẳng định và cho biết theo quy định, những vấn đề lớn như nhân sự chủ chốt của trường TLĐ phải cho ý kiến, vì đây chính là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.

Cuối cùng, ông Hiểu khẳng định đây là sự việc đáng tiếc và không bằng lòng với phản ứng quá gay gắt của nhà trường. “Chúng tôi chưa bao giờ từ chối trao đổi về các vấn đề nhà trường quan tâm. Thậm chí gần đây chúng tôi tổ chức cuộc họp để giải quyết những vấn đề liên quan đến trường, nhà trường cũng không chịu bố trí lãnh đạo ra họp…” - ông Hiểu dẫn chứng.

Thông tin liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong những ngày qua ít nhiều ảnh hưởng đến danh tiếng ngôi trường này. Ảnh: TN

Thông tin liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong những ngày qua ít nhiều ảnh hưởng đến danh tiếng ngôi trường này. Ảnh: TN

Tổng liên đoàn áp luật cũ, trường theo luật mới

Về vấn đề nhân sự của trường, TLĐ cho rằng luật mới đến ngày 1-7 mới có hiệu lực nên để đảm bảo hoạt động thông suốt của nhà trường do ban giám hiệu trường kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 7-2019 nên việc kiện toàn nhân sự của trường vẫn áp theo quy định hiện hành (luật năm 2012).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, căn cứ yêu cầu của Bộ GD&ĐT, trường sửa đổi quy chế, kiện toàn hội đồng trường... để triển khai thực hiện Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.

“Hơn nữa, việc chỉ đạo nhân sự hội đồng trường và nhân sự ban giám hiệu phải tuân theo các quy định của TLĐ là sự nhầm lẫn nghiêm trọng về đối tượng áp dụng. Cụ thể, thành viên hội đồng trường, thành viên ban giám hiệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật Công đoàn và Điều lệ công đoàn nên việc buộc đề án nhân sự của nhà trường phải theo quy định về cán bộ công đoàn các cấp là không đúng pháp luật” - lãnh đạo trường khẳng định.

Về quy định nhiệm kỳ của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng, lãnh đạo trường cho biết Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018 đã bãi bỏ quy định về hai nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường; giao quyền quyết định về vấn đề này cho hội đồng trường. Như vậy, hội đồng trường là cơ quan có quyền quyết định số nhiệm kỳ của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Không có quy định nào của pháp luật cho phép cơ quan chủ quản áp đặt số nhiệm kỳ của hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường của trường ĐH.

Lãnh đạo trường ĐH này cũng viện dẫn Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng để chỉ ra rằng hội đồng trường mới là cơ quan quyền lực cao nhất của ĐH , bao gồm đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan (đại diện cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo nhà trường...).

Đơn vị sự nghiệp công lập, trường ĐH đã tự chủ hoàn toàn như Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và được thuê hiệu trưởng.

Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng không thể định nghĩa cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền. Theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018, tên gọi cơ quan chủ quản không còn nữa. “Hiện tại vẫn chưa có nghị định hướng dẫn nên chiếu theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018, có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý. Theo cách hiểu của nhà trường, cơ quan chủ quản chính là chủ sở hữu, chỉ còn quyền sở hữu, quyền quản lý thuộc về hội đồng trường và chính quyền địa phương” - lãnh đạo trường ĐH này khẳng định.

Hiệu trưởng do hội đồng trường công nhận

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng ĐH

(Điều 20 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018)

Hội đồng trường có quyền quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường ĐH; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường ĐH trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường ĐH; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường ĐH; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường ĐH vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH…

(điểmđ khoản 2 Điều 16 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018)

T.TRANG - V.LONG - N.QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/vu-truong-dh-ton-duc-thang-quyen-cua-chu-quan-toi-dau-839225.html