Vũ trụ thần tính trong tín ngưỡng Then Việt Nam

Then là tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

Thày Then hát Then trong lễ Then Cấp sắc của người Tày.

Thày Then hát Then trong lễ Then Cấp sắc của người Tày.

Họ làm Then mỗi khi gặp rủi ro bệnh tật, thiên tai, mất mùa, và muốn cầu xin may mắn, xin phép hành nghề hoặc thăng cấp cho thày Then.

Vì là tín ngưỡng, nên khi làm Then, đó sẽ là thực hành các nghi lễ. Trong các nghi lễ Then, quan sát từ bên ngoài, chúng ta sẽ thấy có ‘’sự tích hợp’’, ‘’sự cộng hưởng’’ của các ‘’yếu tố’’ như âm nhạc (đàn, hát), múa, mỹ thuật (dân gian), ngôn ngữ, tập tục tộc người…

Sau này, có nhiều nghiên cứu về Then, nhưng đi theo hướng khám phá, ghi chép, thống kê, phân loại, tổng kết… các hình thức biểu hiện của nghi lễ Then dưới góc độ văn hóa sinh hoạt. Đặc biệt, còn xem hát Then như một diễn xướng dân gian. Việc đó như ‘’bóc khỏi’’ Then yếu tố tín ngưỡng, tính Thần trong các nghi lễ.

Lễ Then của người Nùng, Văn Quan, Lạng Sơn.

Then là gì?

Then là nghi lễ tín ngưỡng cúng khoăn (vía) và cúng cầu phúc, giải hạn của người Tày, Nùng, Thái. Then Tày, Nùng quan niệm, con người ta muốn khỏe khoắn thì đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía (vì có đôi bầu vũ để nuôi con). Then Thái quan niệm khỏe phải có đủ 80 vía, trong đó 30 vía đàng trước, 50 vía đằng sau.

Then khẳng định, khi có bất cứ vía nào rời khỏi thân xác, đi lang thang khắp ba mường (Trời, Đất, Nước) thì con người ốm đau, bệnh tật. Do vậy muốn khỏe lại, phải tìm cho được khoăn đã rời đi, trả lại cho người ốm.

Then cũng là từ để chỉ người làm nghề thực hiện lễ cúng, có thể là nam, có thể là nữ. Người Thái trắng còn dùng từ ‘’Then’’ để chỉ các vị thần trên trời. Ví dụ ‘’Then Luông’’ là Ông Trời, ‘’Then Ló’’ là Thần Đúc, ‘’Then Cả’’ là Thần Trí Tuệ, Sắc Đẹp.

Theo tác giả Đỗ Thị Tấc trong cuốn ‘’Kin pang then của người Thái trắng ở Lai Châu’’ (Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002, trang 513), thì trong đời sống hàng ngày, then là từ chỉ những người thờ cúng các vị thần trên trời, nên được gọi là các ‘’pú then’’, tức ông then, và ‘’da then’’, tức bà then.

Mô phỏng nghi lễ tín ngưỡng Then của người Tày.

Một số lễ Then chính…

Đầu tiên xin kể đến Then Cấp sắc. Đây là đại lễ Then cấp bằng hành nghề cho người làm nghề Then. Nghi lễ này được các thày Then tổ chức từ 3 tới 5 năm/lần, nếu đủ điều kiện thì tổ chức hàng năm. Nhưng thường thì Then Cấp sắc tổ chức vào tháng hai, ba âm lịch.

Hội Then, với người Thái trắng ở Lai Châu, vào ngày mùng 3 tháng Giêng, ngày 14 tháng tám âm lịch, Then xuống trần gian chơi, cho nên các thày đều cúng khai đàn, bày lễ cúng Then, gọi là ‘’kin pang then’’. Và vào ngày 14 tháng ba âm lịch có lễ mở hội Then.

Nghi lễ dâng rượu trong Lễ Then Cấp sắc.

Lễ Then cầu yên được tổ chức vào tất cả các tháng trong năm, theo nhu cầu của người dân. Tuy nhiên lễ này được tổ chức nhiều nhất vào dịp đầu năm, nhằm mục đích cảm tạ tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ độ trì cho toàn gia đình, đuổi tà ma, quỷ dữ, cầu mong mưa thuận gió hòa, con người và vật nuôi khỏe mạnh.

Hát The và thực hiện các nghi lễ.

Ngoài ra còn có lễ Then cầu mùa (thường có trong lễ hội xuống đồng Lồng tồng), lễ Then cốm mới tổ chức khi thu hoạch vụ mùa, và các lễ Then cầu chúc tạ ơn khác, các lễ Then chữa bệnh, lễ Then tìm vía Long vương (cũng với mục đích tìm vía khoăn chữa bệnh).

Rõ ràng, những lễ Then đó là sinh hoạt tín ngưỡng, gắn chặt với yếu tố Thần, và không nên xem đó là sinh hoạt văn hóa.

Nghi lễ thụ lễ trong Lễ Then cấp sắc của người Tày.

Then quan niệm về vũ trụ

Then quan niệm vũ trụ có 3 tầng, chia làm mường Trời, mường Đất và mường Nước. Mường Đất là mặt đất. Mường Trời là bầu trời, tuy nhiên bầu trời gồm rất nhiều tầng trời. Trong đó có tầng lơ lửng là nơi cư ngụ của linh hồn tổ tiên, tổ nghề của con người, gọi là tầng Đẳm. Mường Nước là âm phủ, và cũng gồm nhiều tầng.

Then Thái quan niệm về mường Trời có khác một chút:

‘’Cao nhất là mường Trời (mường Bun). Còn có xứ sở cao hơn gọi là mường ngoài vòm trời, tức mường Nọ Phạ, nơi có hoa chuối trời và rắn in. Hồn của người có phúc lớn sẽ được bay lên đó, được uống một giọt sương đọng trên hoa chuối trời, hay một giọt mồ hôi của rắn in, và sẽ trường sinh bất tử’’. (Kin pang then của người Thái trắng ở Lai Châu, Đỗ Thị Tấc, Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội, 2002,trang 514).

Then cổ Cấp sắc của người Tày Bắc can.

Then cho rằng, ở mường Đất có con người là thông minh nhất, ngoài ra có các loài thảo mộc, động vật, và các vị thần như Thổ Công đầu làng, Thành Hoàng, Thổ Địa. Trong số các thần có cả ma lành, ma dữ. Ma lành ngụ ở bàn thờ tổ tiên, mồ mả người đã khuất. Ma dữ lang thang ngày đêm ở bãi tha ma, làm hại người.

Trong Then, mường Trời là nơi cư ngụ của các vị Thần linh tối cao và tối linh. Những vị thần này có khả năng chi phối mọi mặt đời sống con người và muôn loài dưới mường Đất. Thần có thể làm ra mây, mưa, bão tố, sấm chớp, lũ lụt, bệnh tật…

Theo lời hát Then, thì mường Trời cũng có núi cao, suối sâu, vực thẳm, sộng rộng, biển cả, cũng có đường xá, chợ búa, đền đài… như mường Đất, chỉ khác là tất cả đều kỳ bí, vĩ đại. Lời ca Then có đoạn tả cảnh mường Trời:

‘’Có làng con dế, con ve sầu
Làng đánh quay, làng khôn ngoan trên trời
Làng rộng trên trời
Làng quái làng quỷ
Làng cạu, làng quạ kêu
Làng hút thuốc phiện, làng say rượu, làng đánh bạc, làng ăn tham, làng dốt, làng lá dong vàng, làng lười, làng tối trên trời, làng trồng bông, bật bông, kéo sợi

Có đồng Nà Cải, Nà Mần
Có núi Huyền Đức, núi Sơn Lâm, Sơn Rạ, Kim Tương
Có rừng Đông Hoàng, Đông Quân
Có ao tiên chín trăm khe, có ruộng tiên nghìn chỗ thoát nước
Có cung lớn nhất trên mường Trời là cung của Ngọc Hoàng
Có quang cảnh xin tươi, nhiều hoa trái là nơi ở của mẹ Hoa, mẹ Bảu cùng mười hai mẹ sinh sản khác

Núi lớn nhất, tỏa đi nhiều nơi nhất là núi Sủ Mi
Chợ lớn nhất là chợ Tam Quang, có mười hai đường phố, có mười hai đình
Sông lớn nhất trên mường Trời là sông Ngân hà, là biển của mường Trời
Trông thấy nước mênh mông lai láng
Nước bể trông sáng láng như gương…
Mười hai dòng nước về hợp xứ
Có nhị thập bát tú tinh quân….’’

Thiếu nữ Tày với cây đàn Tính Tẩu.

Còn mường Nước? Đó là vương quốc thủy phủ. Vương quốc này có 12 điện gọi là ‘’thập điện’’. Đứng đầu thập điện là Long Vương, rồi tới các Thủy Thần. Đứng đầu Thủy Thần là Hà Bá, cai quản các giống thủy quái.

Hát Then đã ''bước ra ngoài'' nghi lễ tín ngưỡng, trở thành diễn xướng dân gian.

Mường Nước là nơi không chi phối đời sống con người như mường Trời, mà là nơi bắt và giam những linh hồn đã gây nhiều tội lỗi khi sống trên mường Đất.

Lời ca Then tả vía bị giam ở Thập điện Diêm Vương, có đoạn:

‘’Chỗ này có ông cai phạm
Nơi này có ông cai vong
Hồn vía cho vào chảo, cho vào cối
Cho vào cối để giã
Đem vào chảo để rán’’

Những lời hát có tính sử thi như trên, được các thày then đàn và hát rất hay trong các lễ Then. Yếu tố âm nhạc này như ‘’thần chú’’ mở một cánh cửa vào một không gian khác, có tính ước thúc con người trong thế giới hiện tại.

Nhưng theo chính các thày Then, thì họ là các thày cúng vía, và nghi lễ Then là cúng vía chứ không phải lên đồng.

Hát Then phục vụ du lịch ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Đứng từ ngoài cảm nhận, chúng ta sẽ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp, sự lớn rộng của vũ trụ Then. Vũ trụ đó mang thần tính. Thần tính sẽ làm ra và ước thúc nhân tính. Và nhân tính sẽ đảm bảo cho cuộc sống xã hội ổn định, con người có khả năng thăng hoa tinh thần.

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/vu-tru-than-tinh-trong-tin-nguong-then-viet-nam-3401897/