Vũ trụ có mùi bít tết và những điều bất ngờ ngoài không gian

Công nghệ khoa học trở nên tiên tiến hơn giúp chúng ta sẵn sàng khám phá nhiều điều huyền bí của vũ trụ.

Vũ trụ to lớn và chứa đựng những điều huyền bí vô tận. Khi công nghệ khoa học trở nên tiên tiến hơn, chúng ta khám phá được nhiều hơn, từ đó có thể chứng minh được các giả thuyết hoặc củng cố kiến thức mà hiện tại có nhiều sai sót. Dưới đây là 10 sự thật rất thú vị nhưng có lẽ bạn chưa biết về vũ trụ.

Đến tận thế, ta vẫn chưa đi hết Ngân Hà

Chúng ta đều biết rằng một năm trên Trái Đất kéo dài 365 ngày và đó được gọi là năm thiên văn. Đây là khoảng thời gian trung bình để Mặt Trời trở lại cùng một vị trí trên bầu trời, hay nói dễ hiểu đây là thời gian để Trái Đất hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời.

Đồ họa mô phỏng Ngân Hà chứa Trái Đất và các hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA.

Nhưng còn Mặt Trời chuyển động quanh Ngân Hà thì mất bao lâu? Thời gian đó kéo dài đến 230 triệu năm, có nghĩa là cả một đời người vẫn không thể chứng kiến được quá trình này.

Lần cuối cùng Hệ Mặt Trời của chúng ta hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Ngân Hà là khi khủng long còn thống trị. Lần tiếp theo là lúc con người có lẽ cũng chẳng còn tồn tại. Điều này cho thấy Ngân Hà rộng lớn đến dường nào.

Một ngày không dài 24 tiếng

Ở trường ta được học được rằng mỗi ngày có 24 giờ. Tuy nhiên trong thực tế, một vòng tự quay của Trái Đất lại chậm hơn qua mỗi thế kỷ, nghĩa là mỗi ngày không chính xác là 24 tiếng. Theo NASA, một vòng tự quay quanh trục của Trái Đất ở thời điểm hiện tại thật sự mất 24 giờ và 2,5 mili giây.

Không phải lúc nào một ngày cũng bằng chính xác 24 tiếng.

Con số này nghe qua có vẻ không quá to lớn, nhưng nếu Trái Đất cứ tự quay chậm lại sau mỗi thế kỷ thì thời gian một ngày ở hàng triệu năm sau sẽ rất khác. Thực tế vào thời khủng long, một ngày chỉ dài 23 giờ. Nếu bạn hay than vãn rằng một ngày quá ngắn để làm được nhiều việc, thì hãy nghĩ đến loài khủng long một tỷ năm trước.

Vũ trụ có đám mây rượu siêu to khổng lồ

Đối với những tay bợm rượu, thông tin về một đám mây chứa đầy rượu trong vũ trụ chắc hẳn sẽ rất thú vị. Thực tế là trong chòm sau Aquila có một đám mây như thế. Không chỉ chứa vật chất tạo ra sao và các hành tinh, đám mây này còn chứa etylic - hợp chất cơ bản tạo nên rượu.

Đám mây rượu W3(OH) nằm trong khu vực chòm sao Aquila. Ảnh: Royal Astronomical Society.

Đám mây trải rộng hơn 1.000 lần so với kích thước của toàn bộ Hệ Mặt Trời, dù rất lớn nhưng nó nằm cách xa chúng ta đến 6.500 năm ánh sáng. Được khám phá lần đầu vào năm 1995, nếu quy đổi đơn vị, ta sẽ có được 400 triệu tỷ tỷ cốc bia trích ra từ đây.

Hành tinh băng lại bốc cháy

Mặc dù lửa và băng hoàn toàn đối lập nhau, nhưng có một ngoại hành tinh khổng lồ mang tên Gliese 436b được bao phủ trong băng lại đang bốc cháy. Ngoại hành tinh này cách chúng ta khoảng 33 năm ánh sáng, tạo ra một cảnh tượng khó tin.

Đồ họa mô phỏng hành tinh Gliese 436b đang đốt cháy và thải khí ra xung quanh trông như một sao chổi. Ảnh: ESA/Hubble.

Các nhà thiên văn học đã đưa ra giả thuyết rằng, hiện tượng kỳ lạ băng cháy xung quanh ngoại hành tinh xảy ra do một trạng thái không xác định của nước. Điều này khiến bề mặt của Gliese 436b ở trong trạng thái băng rắn, mặc dù nhiệt độ bề mặt của ngoại hành tinh này là khoảng 439 độ C. Những yếu tố này tương tác gây ra hiện tượng thú vị.

Vũ trụ có mùi bít tết?

Nói tới việc ngửi mùi vũ trụ, không có phi hành gia nào dám cởi bỏ bộ đồ vũ trụ của mình ra để mà thực hiện, hay nói đúng hơn họ không kịp sống sót để thưởng thức. Vì thế, chúng ta sẽ khó biết được chính xác không gian có mùi gì.

Bằng nhiều cách gián tiếp, ta có thể hình dung được phần nào mùi của vũ trụ.

Tuy nhiên, may mắn thay, mùi từ thiết bị thăm dò của phi hành gia sau khi đi bộ trong không gian có thể cho chúng ta một số hiểu biết nhất định. Những nhà du hành cho biết rằng bộ đồ không gian của họ có mùi kim loại nóng và bít tết sau khi đi bộ trong vũ trụ. Không rõ lý do tại sao nhưng các nhà khoa học suy đoán có thể là dấu vết của sao chết.

Mặt khác, nghiên cứu của Viện Max Planck cho thấy trung tâm Ngân Hà lại có mùi giống như quả mâm xôi. Nguyên nhân được cho là bởi có nhiều ethyl formate trong khu vực, chúng cũng là thành phần hóa học của quả mâm xôi.

Trái Đất cũng có thể tạo ra một hố đen

Khi nói đến hố đen chúng ta nghĩ ngay đến những ngôi sao khổng lồ. Khi kết thúc vòng đời, chúng sẽ phát nổ trở thành những siêu tân tinh lớn rồi tự sụp đổ vào bên trong, nén vật chất đến một mật độ cực kỳ dày đặc và trở thành hố đen - một trong những cấu trúc bí ẩn nhất vũ trụ.

Không cần là một ngôi sao lớn, chính Trái Đất cũng có thể tự biến mình thành hố đen mini.

Sự hình thành của hố đen trong thực tế là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, chứ không phải xuất hiện một cách đại trà khắp vũ trụ, bởi vì nó cần rất nhiều điều kiện về mật độ vật chất. Thậm chí Mặt Trời của chúng ta cũng không thể tạo thành một hố đen nếu chẳng may qua đời.

Nhưng còn Trái Đất thì sao? Rõ ràng hành tinh của chúng ta không phải một ngôi sao khổng lồ và sẽ chẳng tạo thành hố đen theo lý thuyết. Nhưng nhiều nhà khoa học đặt các giả thuyết vui và điên rồ, chẳng hạn thứ gì đó nén Trái Đất nhỏ lại như một viên bi, lúc đó mật độ vật chất sẽ vô cùng dày đặc và ta ngay lập tức có được một hố đen mini.

Chỉ riêng Mặt Trời đủ cân cả hệ

Chúng ta đều biết Mặt Trời rất to lớn và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với thế giới này, nếu không có nó, loài người và các dạng sống khác đã không tồn tại được lâu đến như vậy.

Đừng trông mặt mà bắt hình dong với những ngôi sao, khối lượng của chúng lớn hơn nhiều so với ngoại hình do vật chất bên trong được nén với mật độ vô cùng cao.

Mặt Trời là ngôi sao trung tâm của Hệ Mặt Trời. Khi nói đến hệ hành tinh này, chúng ta sẽ nghĩ ngay một vùng không gian rộng lớn hơn rất nhiều so với ngôi sao chủ. Tuy nhiên trong thực tế, chỉ riêng Mặt Trời đã chiếm đến 99% khối lượng của cả hệ, cho thấy những ngôi sao nặng nề với mật độ vật chất dày đặc đến thế nào.

Nói về kích thước, ta có thể chứa một triệu Trái Đất vào bên trong Mặt Trời một cách vừa vặn. Nghe rất khủng nhưng Mặt Trời cũng chẳng là gì nếu so với những ngôi sao khác. Có những ngôi sao khổng lồ đến mức ta không tài nào tưởng tượng được, nằm rải rác khắp vũ trụ này.

Cả lịch sử loài người chỉ bằng vài giây của vũ trụ

Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy con người lần đầu tiên xuất hiện khoảng 6 triệu năm trước, đó dường như là một khoảng thời gian rất dài. Nhưng nếu ta nhìn vào tuổi của Trái Đất và xa hơn là Ngân Hà hay cả vũ trụ, con số đó chưa là gì cả.

Loài người chỉ mới xuất hiện cách đây vài giây nếu so theo tuổi của vũ trụ. Ảnh: History.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng, Trái Đất khoảng 4,5 tỷ năm tuổi, các thiên hà đầu tiên được hình thành khoảng 13 tỷ năm trước và gần 14 tỷ năm trước thì vũ trụ bắt đầu thành hình. Nếu cùng rút ngắn thời gian theo tỷ lệ, ta sẽ thấy từ thủy tổ đến nay, con người chỉ kéo dài vài giây trong dòng lịch sử.

Vũ trụ ta đang biết chỉ là một phần nhỏ

Có một thực tế đó là con người, dù bằng mắt thường hay thiết bị khoa học hiện đại, cũng không thể nhìn thấy được toàn bộ vũ trụ. Kiến thức về vũ trụ của chúng ta ngày nay đã vượt trội hơn rất nhiều, nhưng cũng chưa thấm vào đâu.

Vẫn còn nhiều hiện tượng lạ lùng trong vũ trụ mà công nghệ hiện tại của con người vẫn chưa chinh phục được. Ảnh: ESO.

Giới khoa học không nhìn vũ trụ qua ánh sáng khả kiến bình thường, mà còn thông qua nhiều bước sóng điện từ khác như sóng radio, hồng ngoại và tia X, từ đó "gặt hái" được nhiều khám phá mới về khoa học. Những bước sóng này cũng giúp tiết lộ nhiều bí ẩn lớn trong vũ trụ.

Dù đạt thành tích cao, nhưng các nhà thiên văn phát hiện ra phần lớn những bước sóng đó vẫn không thể nhìn được một số hiện tượng lạ lùng trong vũ trụ. Điều này có nghĩa là rất nhiều sự kiện thiên văn khó hiểu khác vẫn đang xảy ra và một trong số chúng là vật chất tối.

Vật chất tối không hấp thụ hoặc phát ra ánh sáng khiến ta không tài nào nhìn thấy được nó. Tuy nhiên, dù không quan sát được nhưng các nhà nghiên cứu bằng nhiều cách gián tiếp vẫn chứng minh được sự tồn tại của nó.

Huỳnh Dũng/Khám phá

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-la/vu-tru-co-mui-bit-tet-va-nhung-dieu-bat-ngo-ngoai-khong-gian-258589.html