Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Truy cứu hình sự nếu cố tình dùng thịt bẩn

Nếu người cung cấp biết thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng vẫn chế biến cho học sinh, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu hình sự.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 trẻ dương tính với ấu trùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Theo các bác sĩ, số trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn sẽ còn tiếp tục tăng vì nhiều trẻ vẫn đang chờ kết quả, ngoài ra một số trường hợp nghi ngờ các bác sĩ đã làm lại xét nghiệm để khẳng định chắc chắn.

Các gia đình đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn. (ảnh: VTC News)

Các gia đình đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn. (ảnh: VTC News)

Theo diễn biến có liên quan, trong sáng nay (18/3) phụ huynh học sinh tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã viết đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền các cấp khởi tố vụ án hình sự.

Nhìn nhận về vụ việc, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đơn vị phân phối thực phẩm cho trường Mầm non Thanh Khương cũng như các trường mầm non khác có trẻ nhiễm sán, các cá nhân có trách nhiệm tại trường mầm non là những cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.

Cụ thể, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định: phạt tiền từ 40 triệu đồng – 100 triệu đồng đối với hành vi như: Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá trên, dưới 10 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, các hình thức xử phạt bổ sung được quy định: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 tháng đến 12 tháng...

“Trường hợp cơ quan điều tra thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và thỏa mãn các điều kiện như đã bị xử lý hành chính vì hành vi trên mà vẫn tái phạm; có tính chất cố ý…thì hành vi của cá nhân, tổ chức sử dụng thịt lợn nhiễm sán gạo khiến hơn 200 trẻ nhiễm sán (tính đến ngày 17/3) thì có thể bị khởi tố tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Điều 317 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017” – luật sư Nguyễn Minh Long cho biết thêm.

Liên quan vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ nguyên nhân nhiễm sán của các em học sinh. Nếu kết luận của cơ quan chuyên môn cho thấy, việc trẻ nhiễm sán là do ăn phải thực phẩm bẩn từ bếp ăn tập thể của nhà trường gây hậu quả nghiêm trọng thì những người đã nhập thực phẩm bẩn, cung cấp, chế biến thực phẩm bẩn có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, tại Điều 317 – Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm - 5 năm.

Theo luật sư, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, hậu quả và một số yếu tố khác để chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm như sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy.

Hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong hai trường hợp: Thực phẩm làm ra có trị giá từ 10 triệu đồng trở lên; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

“Nếu người cung cấp thực phẩm biết thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật nhưng vẫn bán để chế biến thực phẩm hoặc người chế biến thực phẩm này biết là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng vẫn chế biến cho các học sinh, gây hậu quả nghiêm trọng thì những người này đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra cần làm rõ yếu tố có tư lợi hay không để xử lý người đứng đầu các đơn vị này về có hành vi vi phạm pháp luật khác (nếu có)” – luật sư Cường cho biết./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/vu-hoc-sinh-nhiem-san-lon-truy-cuu-hinh-su-neu-co-tinh-dung-thit-ban-887593.vov